Các nhà khoa học Anh tuyên bố họ đã chế tạo được chiếc đĩa có khả năng bảo quản các tư liệu đã ghi trong nhiều thiên niên kỷ. Đĩa CD này được làm bằng thuỷ tinh thông thường chịu được nhiệt độ lên tới 1.000 độ C.

TIN LIÊN QUAN

Đĩa CD loại mới có tuổi thọ bền gấp hàng ngàn lần so với loại đĩa thông thường. Ảnh minh họa.

Theo thông tin trên trang Rbc của Nga, bản chất của phát minh là ở chỗ làm thay đổi cấu trúc của thuỷ tinh ở mức nano và mặt phẳng phân cực ánh sáng để tạo ra những điểm cực nhỏ, mỗi điểm phản chiếu ánh sáng theo cách của mình.

Khi đọc những thông tin từ đĩa, các chùm tia sáng phản chiếu sẽ bị khúc xạ và phân cực theo những cách khác nhau và có các chuẩn để nhận biết các thông tin chứa đựng trong đó.

Sự ra đời của công nghệ làm thay đổi khả năng phân cực trong đĩa quang học là bước đột phá then chốt trong việc bảo quản các tư liệu. Để hạ giá thành, người ta đã dùng polycacbonat để làm vật liệu nền và phía trên có phủ bằng thuỷ tinh có những tính năng đặc biệt.

Tuổi thọ của loại đĩa này qua các kiểm tra theo quy đổi có thể lên tới từ một đến vài nghìn năm, trong khi các đĩa CD thường ngày nay chỉ là 5 năm. Trước đây, các nhà khoa học Mỹ cũng đã từng tuyên bố nghiên cứu thành công việc chế tạo một loại đĩa, gọi là đĩa M (M-disk) có tuổi thọ hàng nghìn năm, nhưng chỉ sản xuất với số lượng hạn chế theo yêu cầu đặc biệt của Lầu năm góc mà không thể thương mại hoá được vì giá thành quá cao.

Tuấn Hà