- "Lâu nay chúng ta làm chính sách theo kiểu sực nhớ. Nay hỗ trợ đối tượng này, mai nhớ ra bỏ sót đối tượng khác thì lại bổ sung, sửa đổi nên ngân sách, nguồn lực bị dàn trải, kém hiệu quả".

Đây là nhận định được Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm đưa ra tại Hội thảo "Thực trạng hệ thống trợ giúp xã hội tại Việt Nam và hướng phát triển" trong 2 ngày 31/10 - 1/11.

28% dân số Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTBXH, số người có hoàn cảnh khó khăn qua mỗi năm đều không ngừng tăng, hiện chiếm khoảng 28% dân số.

Trong đó có khoảng 8,5 triệu người cao tuổi, hơn 6,7 triệu người khuyết tật, 1,6 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 3 triệu hộ nghèo, 2,6 triệu đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy...

{keywords}
28% dân số Việt Nam có hoàn cảnh  khó khăn - (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Người nghèo không chỉ tập trung ở nông thôn mà xuất hiện ở cả thành thị. Nghèo ở thành thị không chỉ thể hiện ở thu nhập thấp mà còn thể hiện trong thiếu hụt tiếp cận các trợ giúp xã hội và dịch vụ công như y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh, nhà ở...

Đây là những thách thức đặt ra cần phải giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Ông Hồi cho hay, mỗi năm Việt Nam dành khoảng 6.000 tỷ đồng chi trả cho trợ cấp xã hội hàng tháng cho 2,6 triệu đối tượng thuộc 9 nhóm: Người trên 80 tuổi;  Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo; Hộ gia đình có từ 2 người khuyết tật không có khả năng tự phụ vụ trở lên; Người nhiễm HIV; Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi/bị bỏ rơi; Người đơn thân đang nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo; Người tâm thần nặng.

Nếu tính cả chi phí mua BHYT, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, trợ giúp người có công, số tiền lên tới vài tỷ USD.

Tuy nhiên, mức trợ cấp hiện tại mới chỉ đạt khoảng 20% mức sống tối thiểu. Dự kiến sẽ tăng lên 40% trong giai đoạn 2014- 2020.

Trước mắt, từ 1/1/2014, mức chuẩn trợ cấp sẽ tăng từ 180.000  lên 270.000 đồng theo Nghị dịnh 136/2013/NĐ-CP.

Chính sách chồng chính sách

Ông Phạm Ngọc Dũng, PGĐ Sở LĐTBXH Hà Giang thừa nhận, các chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo tại Việt Nam ngày càng toàn diện hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách vào thực tế còn nảy sinh vô vàn bất cập.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm

Ông Dũng dẫn chứng, mỗi năm có hàng loạt chính sách do Trung ương và địa phương ban hành, dẫn tới chính sách chồng chính sách, không đồng nhất về mức hỗ trợ, cơ quan thực hiện, các ngành mạnh ai nấy làm. Do đó hỗ trợ mang tính ngắn hạn, manh mún, hiệu quả thấp.

Trên thực tế có những khoản trợ cấp chỉ 30.000 - 80.000 đồng/người/năm, nhưng người dân có khi phải mất cả ngày đường xuống huyện, xã để lấy. Tính ra chi phi đi lại lớn hơn cả số tiền trợ cấp được nhận.

Đồng quan điểm, PGS, TS Giang Thanh Long, Viện Chính sách công và Quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam hiện nay có quá nhiều đầu mối quản lý, sự phối hợp giữa các ban ngành quá lỏng lẻo.

Có những chương trình, 1 đối tượng được thụ hưởng rất nhiều chính sách, trong khi có những đối tượng chưa có chương trình nào tiếp cận được.

Do manh mún trong quản lý, do nhiều cơ quan đơn vị cùng thực hiện các chính sách khác nhau, mỗi người cho một chút, nên nguồn lực chung rất nhỏ, không tạo ra sức bật cho người nghèo. Họ chỉ coi đây là trợ cấp nhân đạo chứ không phải trợ cấp hỗ trợ sản xuất.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhận định: "Lâu nay chúng ta làm chính sách theo kiểu sực nhớ. Nay hỗ trợ đối tượng này, mai nhớ ra bỏ sót đối tượng khác thì lại bổ sung, sửa đổi nên ngân sách, nguồn lực bị dàn trải, kém hiệu quả".

Ông Đàm thống kê, hiện có tới 170 đầu văn bản chính sách quy định về trợ cấp xã hội. Trong đó có 17 chính sách cho vay ưu đãi, 7-8 chính sách về y tế, vài chục chính sách về lao động, vài chục chính sách về giáo dục... Mỗi lĩnh vực có hàng chục chính sách như vậy, lại được ban hành theo từng giai đoạn, từng thời kỳ nên rất chắp vá.

"Nếu đúng chức năng, nhiệm vụ,, Bộ GD-ĐT chỉ tập trung lo về trường lớp, cơ sở vật chất, làm sao đủ cung cấp dịch vụ học tập cho mọi người dân, lo giáo viên cho nó đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn thì phải đào tạo lại, chưa đủ số lượng, phải trình chính phủ tăng biên chế, phải lo giảng dạy thế nào, thi, sát hạch, đánh giá ra sao.

Còn việc trẻ em có đi học được không đừng bắt Bộ GD-ĐT phải lo. Trẻ em chưa đến trường mà trường hợp chưa đảm bảo thì Bộ LĐTBXH sẽ tiếp cận, phản ánh lại cho Bộ GD-ĐT để Bộ phản ánh chính phủ. Nếu đi học xa quá thì cấp kinh phí xây dựng nhà bán trú ngay cạnh trường. Phải phân định như thế thì mới đỡ chồng chéo", Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Do vậy, cách thiết kế các chương trình bảo trợ xã hội theo lĩnh vực như hiện nay sẽ không thể khắc phục được những bất cập. Nên xem lại nhiệm vụ của các Bộ.

Ông Đàm chỉ đạo, trước mắt cần ưu tiên 4 mục tiêu: Thiết kế chính sách gọn lại, phấn đấu đến năm 2020 hoàn tất; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; Xây dựng hệ thống quản lý hiện đại và tách chi trả trợ cấp thành cơ quan độc lập, giảm tải cho các cơ quan hành chính. Tất cả lấy đối tượng thụ hưởng làm trung tâm.

Thay vì chi trả manh mún, hiện Bộ đang thí điểm áp dụng gói hỗ trợ chính sách cho hộ nghèo có con từ 0-15 tuổi và phụ nữ mang thai trong giai đoạn từ 2015 – 2019. Nếu hiệu quả, từ 2020, mô hình này sẽ được nhân rộng.

Thúy Hạnh