Chuyển đổi số Việt Nam đã thực sự toàn dân, toàn diện

Phát biểu về chuyển đổi số vào dịp kỷ niệm 79 năm thành lập nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Việt Nam đang ở năm thứ 5 triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Hơn 4 năm qua, dưới sự điều phối, thúc đẩy của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi số Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân và toàn diện.

chuyen doi so Viet Nam 1 (1).jpg
Người dân đã được hưởng lợi từ thành quả chuyển đổi số.

Các hoạt động chuyển đổi số trên cả nước đã và đang diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt. Bên cạnh việc cơ bản đảm bảo các yếu tố về thể chế, hạ tầng, công nghệ và nhân lực cho chuyển đổi số, công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong hành trình vừa qua cũng đã có một số thành công bước đầu đáng khích lệ, nhiều người dân và doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ thành quả chuyển đổi số.

Kết luận Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hồi trung tuần tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Trong giai đoạn 2021 – 2024, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các nguyên lãnh đạo ngành TT&TT đều đánh giá cao những kết quả toàn ngành đã đạt được trong thời chuyển đổi số. Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Ðỗ Trung Tá chia sẻ sự ấn tượng vì “Chưa bao giờ có một cuộc cách mạng nào được toàn dân nói đến như chuyển đổi số”.

Ngoài ghi nhận công sức của Bộ TT&TT trong phổ biến, nâng cao nhận thức để từ các cấp lãnh đạo đến tất cả người dân ở thành thị cũng như nông thôn đều biết và nói đến chuyển đổi số, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực còn đánh giá cao Bộ TT&TT ở vai trò dẫn dắt các địa phương, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, Tiến sĩ Guy Diedrich, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc đổi mới toàn cầu của Cisco cũng nhận xét: “Việt Nam là một trong những quốc gia có nhận thức tốt về chuyển đổi số trong đời sống thường ngày, từ các cấp chính quyền cho đến đông đảo người dân. Ðây là một lợi thế rất lớn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia”.

Phổ cập các mô hình thành công

Bên cạnh kết quả ấn tượng về sự chuyển biến nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vai trò, sự cần thiết phải chuyển đổi số, nhiều kết quả nổi bật khác cũng được lãnh đạo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, cả về thể chế số, chỉ đạo điều hành triển khai chuyển đổi số, hạ tầng số, nhân lực số, phát triển các cơ sở dữ liệu và nền tảng cũng như xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin mạng đều đã có những bước tiến mới.

Trong đó, về thể chế, từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2024, ngoài 4 luật điều chỉnh tác động trực tiếp tới hoạt động chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngành, lĩnh vực được Quốc hội thông qua, còn có nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và văn bản hướng dẫn về chuyển đổi số được các cấp lãnh đạo ban hành.

Hạ tầng số, nền tảng số đã được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Ðến hết tháng 11/2024, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,4%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 82,4%.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành đã được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu Các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng như dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo... đã đi vào vận hành ổn định và mang lại hiệu quả tích cực.

Ðể phổ cập số cho mọi người dân, song song với việc tổ chức đào tạo qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà – MOOCs, sáng kiến Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc hướng dẫn người dân chuyển đổi số. Cả nước hiện đang duy trì hoạt động của khoảng 100.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 460.000 thành viên hiện diện tới tận cấp xã, phường, thôn, bản, phố, khóm.

Ðáng chú ý, qua hơn 4 năm triển khai chuyển đổi số quốc gia, đã có những mô hình chuyển đổi số bộ, ngành, địa phương thành công, tiêu biểu như Tòa án nhân dân tối cao ứng dụng trợ lý ảo, chuyển đổi số giúp thẩm phán giảm 30% khối lượng công việc hành chính; Bộ Công an và Bộ Nội vụ đã quyết liệt, ‘thần tốc’ hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cán bộ công chức và viên chức; Ðà Nẵng có nhiều sáng kiến trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến 69%, tiệm cận tỷ lệ của các nước phát triển...

Ðại diện Bộ TT&TT cho rằng để chuyển đổi số quốc gia thành công hơn nữa, ngày càng thực chất, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, các mô hình chuyển đổi số thành công của các bộ, tỉnh cần được nhân rộng, phổ cập, thông qua các quy định triển khai rộng rãi và mang tính pháp quy, bắt buộc.

Trong giai đoạn này, người đứng đầu các cấp vẫn có vai trò quyết định đến sự thành công của việc phổ cập các mô hình nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung. “Thành công của chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của người đứng đầu. Ðó là người đứng đầu muốn làm, trực tiếp làm và trực tiếp sử dụng”, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.