Pha xử lý quay ngoắt 180 độ của Hyundai khá dễ hiểu nếu xét tới đối tác của họ là Apple, một công ty ám ảnh với sự tối mật. Những doanh nghiệp từng làm ăn với Apple đều phải ký thỏa thuận không tiết lộ nghiêm ngặt, ngay cả khi họ là công ty đại chúng, còn Apple là khách hàng lớn.

Dù các thỏa thuận không tiết lộ vô cùng phổ biến trong ngành, những người từng cộng tác với Apple cho biết họ phải thận trọng hơn hẳn. Theo nguồn tin của CNBC, Apple nói với đối tác rằng họ không được nhắc đến “táo khuyết” công khai hoặc với báo chí. Trong ít nhất một trường hợp, Apple dọa phạt nhà cung ứng 50 triệu USD cho mỗi tin tức bị lộ.

{keywords}
“Tôi đã ghé thăm khuôn viên Apple, song đó là tất cả những gì tôi được phép nói”. (Ảnh: Fortune)

Một số hãng có thể thảo luận hạn chế về công việc kinh doanh với Apple, đặc biệt nếu Apple đã công khai về mối quan hệ và cho phép làm điều đó. Corning – đối tác cung ứng kính cường lực cho iPhone – nằm trong số này. Nhà sản xuất iPhone đã trả cho Corning ít nhất 540 triệu USD từ năm 2017 và nhấn mạnh trong thông cáo báo chí riêng như một ví dụ về việc hỗ trợ sản xuất tại Mỹ.

CEO Corning Wendell Weeks từng nói trong cuộc họp báo cáo kinh doanh qua điện thoại rằng họ sử dụng biệt danh cho Apple trong công ty. Ông còn tiết lộ sắc mặt sẽ chuyển sang đỏ và cảm thấy bối rối nếu đọc tên Apple.

Vì sao Apple chuộng tối mật?

Ám ảnh với bí mật là một trong những đặc trưng của Apple. Thậm chí, năm 2011, Apple còn bán chiếc áo trong cửa hàng lưu niệm in dòng chữ: “Tôi đã ghé thăm khuôn viên Apple, song đó là tất cả những gì tôi được phép nói”.

Đặc tính này của Apple gắn chặt với nhà sáng lập Steve Jobs. Jobs là một chuyên gia tiếp thị đại tài, người luôn khiến các màn ra mắt sản phẩm trở nên đặc biệt, dựa vào những điều bất ngờ để dẫn dắt sự kiện. Ngày nay, yếu tố bất ngờ vẫn được sử dụng trong các hội nghị Apple và thu hút hàng triệu lượt theo dõi trực tuyến.

Apple xem chi tiết trên những sản phẩm chưa ra mắt là “một trong các tài sản vĩ đại nhất”. Trong chính sách thực hành kinh doanh của công ty, nhân viên được yêu cầu tiết lộ một cách có chọn lọc với đối tác hoặc nhà cung ứng. Họ chỉ làm như vậy sau khi ký thỏa thuận không tiết lộ. Bên cạnh đó, các nhà cung ứng cũng nên tuân thủ nguyên tắc của Apple.

Cuốn sổ tay kinh doanh viết: “Khi công việc kinh doanh cần chia sẻ thông tin bí mật với nhà cung ứng, nhà sản xuất hay bên thứ ba, không bao giờ chia sẻ hơn những gì cần thiết để xử lý. Bất kỳ thông tin bí mật nào chia sẻ bên ngoài đều cần nằm trong thỏa thuận không tiết lộ”.

Con dao hai lưỡi

Dù đối mặt với tầng tầng lớp lớp điều khoản không tiết lộ, nhiều nhà cung ứng sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để bán hàng cho Apple.

Trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Hối đoái và chứng khoán Mỹ (SEC), nhà sản xuất chip âm thanh Cirrus Logic cho biết Apple chiếm 81% tổng doanh số của hãng trong năm tài khóa 2020, tương đương 1,28 tỷ USD. Tuy nhiên, lãnh đạo Cirrus hiếm khi nhắc tên Apple và trong nhiều năm họ tránh hoàn toàn. Năm 2017, bản thuyết trình trước nhà đầu tư của Cirrus Logic bao gồm một slide logo khách hàng nhưng không có của Apple. Thay vào đó, họ chèn bức ảnh chiếc hộp màu nâu kèm dòng “khách hàng số 1”. Cirrus đang cung ứng cho 7 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Trước cuộc họp với nhà phân tích vào tháng 11/2020, Chủ tịch Cirrus John Forsyth phải “rào đón” rằng họ không thể thảo luận cụ thể về quan hệ với “khách hàng lớn nhất” do chính sách chung.

Một số công ty đại chúng khác cũng lựa chọn cách này khi phải nói tới việc kinh doanh với Apple. Tháng 6/2020, CEO Broadcom Hock Tan úp mở rằng iPhone 12 sẽ được ra mắt muộn hơn thông lệ khi bàn về dự báo doanh thu. Nhưng ông không nhắc tới Apple mà dùng cụm từ “khách hàng điện thoại di động Bắc Mỹ lớn của chúng tôi”, ngay cả khi giao dịch trước đó với Apple đủ lớn để xuất hiện trong hồ sơ đệ trình lên SEC.

Làm ăn với Apple là một con dai hai lưỡi. Năm 2013, GT Advanced Technologies ký thỏa thuận cung ứng bóng sapphire thô cho Apple để sản xuất màn hình iPhone chống trầy. GT không thể chế tạo sapphire trong nhà máy riêng của Apple tại Arizona và phải tuyên bố phá sản. Trong quá trình làm thủ tục phá sản, GT trình một hợp đồng dán nhãn “tối mật”, trong đó yêu cầu GT phải trả cho “táo khuyết” 50 triệu USD cho  mỗi tin tức bị rò rỉ. Hợp đồng còn nhắc tới 3 hợp đồng bảo mật độc lập mà GT phải đồng ý. Các điều khoản của thỏa thuận tối mật cũng phải giữ kín. Một hợp đồng khác ghi rõ bất kỳ thông tin công khai nào liên quan tới Apple đều phải phê duyệt bằng văn bản.

Apple đã dàn xếp với GT không lâu sau khi thông tin về số tiền phạt 50 triệu USD bị lộ. Một điều kiện trong thỏa thuận là GT phải giữ bí mật về mô tả quan hệ với Apple.

Du Lam (Theo CNBC)

 

Vừa được bổ nhiệm, CEO mới của Intel đã "tuyên chiến" Apple

Vừa được bổ nhiệm, CEO mới của Intel đã "tuyên chiến" Apple

Trong thời gian tới, Intel sẵn sàng "chiến đấu" với Apple để giành giật lại thị trường chipset trên máy tính.