Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về loại màn hình cảm ứng của tương lai này.
Màn hình LTPO là gì?
LTPO là viết tắt của "low-temperature polycrystalline oxide" (oxit đa tinh thể nhiệt độ thấp), và nó ám chỉ một loại công nghệ tấm nền đặc biệt hiện diện trên các màn hình OLED. OLED là viết tắt của "organic light-edmitting diode" (đi-ốt phát sáng hữu cơ), một loại màn hình tự phát xạ độc đáo mà bạn có thể tìm thấy trên mọi thứ, từ các smartwatch cho đến smartphone, cũng như các mẫu màn hình cỡ lớn trên thị trường.
Màn hình OLED thường sử dụng vật liệu silicon đa tinh thể nhiệt độ thấp (LTPS) cho các transistor màng mỏng (TFT) cấu thành mặt sau của màn hình. Bằng cách tận dụng cả LTPS và Indium Gallium Zinc Oxide (IGZO), Apple có thể kết hợp công nghệ LTPS và LTPO để mang lại cho sản phẩm của mình nhiều ưu thế vượt trội trong khi vẫn đảm bảo giá thành sản xuất nằm trong một ngưỡng chấp nhận được.
Mục tiêu của Apple là sản xuất được những màn hình với tần số quét có thể tự điều chỉnh được. Về mặt kỹ thuật, họ đã sử dụng công nghệ màn hình LTPO trên Apple Watch Series 4, nhưng những ưu thế thực sự của nó vẫn chưa thể hiện rõ cho đến khi Apple Watch Series 5 ra mắt với màn hình luôn sáng.
LTPO là công nghệ mang tính đột phá bởi nó không đòi hỏi thêm linh kiện nằm giữa controller màn hình và bộ xử lý đồ hoạ (GPU) để có được tần số làm tươi động.
Dù LTPO là công nghệ do Apple phát triển (và nắm bằng sáng chế), Samsung cũng đang nghiên cứu công nghệ màn hình tương tự để tránh phải trả phí bản quyền cho một trong các đối thủ chính của mình. Phiên bản của Samsung được biết đến với tên gọi silicon đa tinh thể và oxide lai (HOP).
Những ưu điểm của màn hình LTPO
Màn hình smartphone sử dụng nhiều năng lượng hơn bất kỳ linh kiện nào khác. Dù màn hình OLED tiết kiệm năng lượng hơn màn hình LCD, chúng vẫn "ngốn" một phần khá lớn thời lượng pin của bạn khi so với các thành phần khác như SoC hay các công nghệ không dây như Wi-Fi và Bluetooth.
Ưu điểm chính của LTPO là giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng nói trên bằng cách sử dụng tần số làm tươi biến thiên. Đây chính là chìa khoá để Apple tạo ra Apple Watch Series 5 (và thế hệ tiếp sau đó). Những mẫu wearable mới nhất của công ty hiện có màn hình luôn sáng, trong khi vẫn duy trì được thời lượng pin suốt một ngày dài.
Thuật ngữ "tần số làm tươi" ám chỉ số lần màn hình cập nhật trong một giây, đơn vị đo là Hertz (Hz). Hầu hết smartphone sử dụng màn hình 60Hz, và vẫn có những mẫu với màn hình lên đến 120Hz (Apple có các mẫu iPad Pro sử dụng màn hình tần số làm tươi 120Hz như vậy).
Tần số làm tươi cao mang lại trải nghiệm người dùng mượt mà hơn và tăng cường độ nhạy của màn hình cảm ứng, đổi lại thiết bị sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Bằng cách biến thiên tần số làm tươi xuống mức 1Hz (về cơ bản sẽ tương đương 1 khung hình/giây) giống như những mẫu wearable mới nhất của Apple, thiết bị có thể tiết kiệm năng lượng đáng kể bởi màn hình sẽ ít gửi lệnh làm tươi và thực hiện các thay đổi đối với nội dung đang hiển thị hơn.
Ví dụ, khi điện thoại nhận được một thông báo, nó sẽ sáng lên để nhắc nhở bạn. Trong quá trình này, khả năng có một thứ gì đó di chuyển trên màn hình là rất thấp, do đó nếu giảm tần số làm tươi thì trải nghiệm người dùng cũng không bị ảnh hưởng. Khi bạn cầm điện thoại lên để xem thông báo, tần số làm tươi có thể được khôi phục lên mức phù hợp với nhu cầu sử dụng nói chung.
Công nghệ LTPO có thể được sử dụng một cách linh hoạt trên toàn hệ điều hành. Ví dụ, nếu thiết bị của bạn đang hiển thị màn hình "Now Playing" (đang phát nhạc) của một đoạn podcast hay một bài hát nào đó, tần số làm tươi màn hình có thể được hạ thấp đáng kể. Về lý thuyết, các tựa game muốn tận dụng ưu thế của tần số làm tươi cao có thể "yêu cầu" hệ thống sử dụng tần số 120Hz nếu Apple cung cấp một giải pháp để làm điều đó.
Bởi Apple rất kỹ càng trong việc tính toán trải nghiệm người dùng, công ty có thể "buộc" hệ thống phải sử dụng các tần số làm tươi có lợi về mặt năng lượng trong những tình huống nhất định như khi xem màn hình khoá hay thực hiện một cuộc gọi video. Các camera FaceID hiện có thể biết được khi nào bạn đang nhìn vào màn hình, do đó hoàn toàn có khả năng trong tương lai, hệ thống có thể giảm tần số làm tươi khi phát hiện ra không có ai đang ngồi trước màn hình.
Những thiết bị nào sử dụng màn hình LTPO
Thiết bị đầu tiên thực sự tận dụng được những ưu thế mà LTPO mang lại là Apple Watch Series 5. Mẫu smartwatch này đã khiến cả thị trường dậy sóng khi công ty công bố công nghệ màn hình luôn sáng, với tần số làm tươi có thể giảm xuống chỉ còn 1Hz.
Apple chưa đưa công nghệ LTPO trên thiết bị wearable của mình lên các màn hình với tần số làm tươi cao trên iPad Pro, nhưng mới đây, nhiều nguồn tin rò rỉ cho biết công ty có dự định đưa công nghệ này lên iPhone trong tương lai gần.
Trong khi đó, các màn hình LTPO sử dụng công nghệ HOP của Samsung cũng đã hiện diện trên thị trường. Những màn hình này chủ yếu được trang bị cho các thiết bị flagship như Samsung Galaxy Note 20 Ultra và Galaxy S21 Ultra. Theo phân tích của Anandtech về màn hình của S21 Ultra thì loại màn hình này có những cải tiến lớn về mặt tiêu thụ năng lượng.
Tạm kết
Công nghệ LTPO là một bước tiến mới đối với các thiết bị di động như smartphone và wearable. Những cải thiện mà nó mang lại không thể để ý thấy ngay lập tức xét về chất lượng hiển thị, mà thay vào đó là về mức độ hiệu quả trong quản lý năng lượng, từ đó giúp nâng cao đáng kể thời lượng pin thiết bị.
Màn hình LTPO sẽ phổ biến như thế nào là câu hỏi cần thời gian để trả lời. Ở thời điểm hiện tại, chúng chỉ dành cho các thiết bị cao cấp với những mục đích sử dụng cần đến tần số làm tươi cao, do đó đừng quá ngạc nhiên nếu thấy chúng trên các mẫu iPhone và thiết bị wearable flagship trước khi được mang lên những sản phẩm khác.
(Theo VnReview, HowToGeek)
Samsung phát triển tấm nền OLED mới giúp tiết kiệm pin
Ngày 26/1, Công ty Samsung Display của Hàn Quốc thông báo đã phát triển một tấm nền đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) có mức tiêu thụ điện năng ít hơn 16% so với các sản phẩm hiện có.