Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, cả người bán lẫn người mua mà chủ tâm lừa đảo thì họ có rất nhiều cách để "tiêu diệt" con mồi của mình trên thế giới rao vặt của các diễn đàn, các trang thương mại điện tử.

“Bạn bè trên giang hồ”

Trên trang muare vừa có một vụ “gây sốt”, chủ nhân của topic liên quan đến một vụ lừa đảo “bán hộ iPad” đã gây ra một làn sóng căm phẫn của các thành viên trên diễn đàn này.

Đầu tháng 11/2012, Nguyễn Yến – một cô gái mê xe Dio Zx lên mạng tìm kiếm một chiếc xe mà mình yêu thích, sau khi gọi điện đến một người rao bán chiếc xe này tên Nam thì người đó nói xe đã bán, đồng thời ngỏ ý xin thông tin cá nhân và hứa tìm giúp.

Sau vài lần đón đưa, tìm kiếm xe nhưng không được, tình cảm bạn bè quý mến nảy sinh và Yến có đưa cho bạn này bán hộ chiếc iPad 1 với giá trên 4 triệu. Bán xong iPad, Nam cũng tìm mọi cách “phủi tay” luôn, kể cả Yến có gọi điện nhiều lần, thậm chí còn gọi cho mẹ của anh ta.

Sau một topic khiếu nại được mở ra trên diễn đàn này, trình bầy của “khổ chủ” có, thách thức của “đương sự” cũng có, trong đó có cả chuyện đương sự thách các thành viên đến nhà là khu vực Hoàng Quốc Việt Hà Nội để… giải quyết.

Lời thách thức tay đôi này được đáp ứng, “dân mua rẻ” cũng không vừa, một vài người đáp ứng bằng cách gọi điện vào số điện thoại của Hoàng Nam, công khai trong topic sẵn sàng gặp “đầu gấu” này để giải quyết hộ cô gái. Cuối cùng, Yến được “đương sự” đi xe ôm đến trả lại tiền.

Vụ việc cũng khá bình thường, nhưng không khỏi làm nhiều người tham gia Mua rẻ, mà tiền thân là box mua-bán của mạng Trái tim Việt Nam giật mình thon thót. Năm 2004, một vụ án kinh hoàng xảy ra tại phường Kim Liên (Hà Nội) cũng bắt nguồn từ việc tin tưởng bạn bè trong nhóm chơi xe “Những người thích đi xe Fx – và những người bạn”.

Nguyễn Khắc Điệp (22 tuổi) đã không ngần ngại dùng búa đinh để sát hại cô gái mới quen trong nhóm chơi xe kể trên để cướp chiếc Dylan trị giá hàng trăm triệu đồng. Khi đó nạn nhân Phương Anh mới 19 tuổi, là sinh viên năm 2 Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với nhiều hoài bão ở phía trước.

Những đồ vật đắt tiền như iPad, iPhone... là thứ được nhắm tới để lừa đảo nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử - ảnh minh hoạ

Hiện tại “Câu lạc bộ những người thích đi xe FX và những người bạn” đã kéo dài đến phần 18 trong topic đính của box “Mua bán ô tô – xe máy” trên muare.

Topic đính này gồm các chủ đề liên quan đến việc bán xe và có mất phí. Tuy nhiên, những người mê xe Fx dường như đã đạt được tiếng nói chung với ban quản trị diễn đàn, như là một góc nhỏ để tưởng nhớ Phương Anh – một điều mà không phải ai trong nhóm chơi Fx bây giờ cũng phải biết, hơn nữa những người mê xe Fx thế hệ 2002 – 2004 phần lớn là những người đã thành đạt, chuyển sang đi ô tô, chứ không còn mê xe Fx nữa.

Hiếu Vũ - cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, bạn bè trên mạng "chơi cũng được" nhưng phải bắt nguồn từ thú chơi, còn liên quan đến kinh tế sểnh ra là có thể... lừa nhau ngay. Còn việc mua bán với những người chẳng quen chẳng biết thì nên thận trọng, nếu bạn không muốn dính đến những sản phẩm... kinh hoàng.

Hiếu từng "được" một người bạn trong nhóm chơi đồ Apple lừa bán một chiếc MacBook đã bị "thuốc" - ổ cứng bị thay, màn hình dính điểm chết, ổ CD lỗi với giá như máy bình thường, may mà "tỉnh" nên thoát được.

Qua nhiều sự vụ, dân trên mạng cũng đã tìm cách bảo vệ mình, trên mạng hiện nay đã khoanh vùng những địa điểm mà bạn dễ gặp kẻ lừa đảo như: "Khu vực Hồ Tùng Mậu có hai cặp vợ chồng chuyên lừa đảo điện thoại" mà bạn search trên Google từ khoá nói trên sẽ ra ngay kết quả, khu vực Bách Khoa, Trương Định... cũng dễ gặp phải tình trạng này. Trên các trang như Tinh Tế, Muare... có mục cảnh báo gian thương, giúp cho các thành viên tránh gặp phải việc lừa đảo.

Lợi dụng công nghệ để "đánh bả" khách hàng

Ngoài việc đăng tải trên các trang thương mại điện tử về dịch vụ, sản phẩm mà bên mình cung cấp, nhiều kẻ lừa đảo còn lợi dụng khả năng công nghệ thông tin tốt để làm SEO (tối ưu hoá công cụ tìm kiếm) trên các trang tìm kiếm, sao cho khi gõ kết quả tìm kiếm.

Kim Thoa (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, tủ lạnh bị hỏng, không biết sửa ở đâu nên bạn vào Google tìm với từ khoá "sửa tủ lạnh" liền bật ra một trang web có thương hiệu Bách Khoa có dịch vụ sửa chữa này. Khi gọi vào số điện thoại 0904xxxxxx thì cũng được tư vấn tử tế.

Tuy nhiên, khi hai bạn thợ đến nhà sửa và tháo lắp một hồi thì kêu lốc bị hỏng, khuyên... mua tủ mới và không nên sửa, hai bạn này xin... 50.000 đồng tiền xăng xe rồi ra về. Chuyện đáng nói là sau khi mời thợ khác đến thì anh này phát hiện rằng đồng hồ đo trong tủ lạnh đã không cánh mà bay.

Câu chuyện về thương hiệu "Bách Khoa" này cũng tương tự với chị Thu Giang (Hồ Giám - Hà Nội), chị gọi điện tới trung tâm nói trên để sửa máy bơm, cũng hai anh thợ đến lọc cọc một hồi và phán "máy bơm hỏng tụ, thay tụ giá 450.000 đồng..." và tháo tụ cũ ra, thay tụ mới vào. Sau đó lấy 450.000 tiền tụ và 50.000 tiền công rồi ra về... mấy hôm sau, chị Giang kiểm tra lại thông tin về chiếc tụ trong máy bơm thì ra hàng người ta nói cái tụ đấy vẫn dùng được, cho dù nó hỏng thì không quá 50.000 đồng để mua mới chị mới ngã ngửa ra rằng mình bị lừa.

Trong khi đó cái máy bơm vẫn hỏng, gọi điện lại cho hai ông thợ đến sửa thì nghe máy mất lần xong mất dạng không thấy quay lại.

Trên nhiều trang rao vặt, thương hiệu "điện lạnh Bách Khoa" bị sử dụng để lấy lòng tin của người tiêu dùng, trong khi một loạt các địa chỉ hoành tráng của "chuỗi hệ thống này" như K9 Bách Khoa, 12 Cát Linh, 16 Lý Nam Đế... đều là địa chỉ ma, bởi đây toàn là địa chỉ chung của khu tập thể, dãy nhà, không tìm thấy một cửa hàng sửa chữa điều hoà, tủ lạnh hoành tráng nào mang thương hiệu Bách Khoa tại đây.

Trước đó, "hệ thống thương hiệu" này được quảng cáo rất nhiều, có tên miền thương hiệu riêng... nhưng hiện tại những tên miền thương hiệu này đã được sử dụng cho một số công ty khác mà có vẻ như là các đối tượng sau khi làm SEO rất thành công đã bán lại nó, sau đó chuyển sang rao vặt ở những trang tin như Vật giá, Rồng bay...

Ông Hà Tuấn (Giám đốc Vinalink) cho hay, về mặt kĩ thuật thì những người am hiểu có thể làm SEO rất tốt nên khi bạn gõ từ khoá cần tìm kiếm vào, các trang tìm kiếm sẽ hiển thị các website làm tốt việc SEO này, bất kể rằng thực tế ở ngoài thì dịch vụ hay sản phẩm của các trang này có thực sự tốt hay không.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - quản trị trang muare.vn, bất kì forum nào cũng có hệ thống lưu lại tin đã xoá, khi cần có thể phục hồi lại, tuỳ chính sách từng forum mà có thể lưu từ vài ngày, một tuần hoặc lâu hơn.

Đối với những tin khiếu nại, phải có chứng cứ cụ thể, đưa lên suông thì rất khó giải quyết, mà Ban quản trị lúc này chỉ có thể nhắc người bị phản ánh đến đối chất mà thôi. Trong nhiều trường hợp, Ban quản trị cũng phải phối hợp với C50 (Bộ Công An) để họ giải quyết những vụ việc liên quan đến lừa đảo, bởi Ban quản trị chỉ có chức năng giới hạn trong diễn đàn.

Ông Tuấn nói rằng, đối với những mẩu tin rao vặt có chứng cứ đầy đủ và có dấu hiệu lừa đảo như bán iPhone 5 triệu (iPhone 4, 4S...) chẳng hạn, Ban quản trị xoá thẳng tay bởi "bán iPhone chính hãng mà 5 triệu thì không có chuyện đấy rồi, mình khoá luôn".

Thành viên Ban quản trị của diễn đàn lâu đời này cũng đưa ra lời khuyên đối với những người tham gia giao dịch qua mạng: "Trước khi mua gì phải xem xét kĩ, giá cả chênh lệch với thị trường thì phải suy nghĩ... cần kiểm tra trước số điện thoại người bán, họ bán ở đâu? đã có phàn nàn gì chưa? chọn người bán rõ ràng, không giao dịch ở quán cafe mà xảy ra chuyện thì mình khó tìm..."

(Theo VTC News)