Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành đôn đốc việc thực hiện nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói trước đó.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Không phải như Bộ trưởng (Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể) nói mất bằng phải thi lại. Không quản lý được, đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn ào lên, không đáng gì.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, quý 4/2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp và toàn bộ công khai hết.
“Tôi đi xe mà vi phạm và bị công an giữ bằng lái xe, tôi về khai báo mất thì sẽ lộ ra ngay việc vừa bị phạt chứ không phải mất. Sẽ kết nối với nhau và công khai toàn bộ trên mạng, truy xuất ra là biết ngay”, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích sau đó cho hay, quy định hiện hành đã rất rõ, mất bằng thì thủ tục thế nào để đổi lại, đồng thời có quy định liên thông với công an.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
“Liên thông với công an từ năm 2012 làm hệ thống quản lý bằng lái xe nhưng nói thực là công an không chia sẻ. Khi đó lên làm việc với Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng bảo làm việc với Thứ trưởng, Thứ trưởng lại bảo xuống làm việc với một đồng chí Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, rồi lại bảo xuống Cục Cảnh sát”, Thứ trưởng GTVT nói.
Ông Đông cho biết, thực tế đã đào tạo cho 600 cán bộ công an, cung cấp cả thiết bị kiểm tra bằng giả… nhưng sau đó bên công an không chia sẻ.
Thông tư 01 quy định khi phạt thì anh gửi biên bản phạt để cho anh có mã vào mạng xem bằng của bất kỳ người nào là biết hình phạt, thu bằng hai tháng hay mấy tháng nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được.
Trước đó, giải trình trước UB Tư pháp QH vào ngày 6/3 về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất ai mất bằng lái xe đều phải thi lại để tránh tình trạng xin đổi, có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba để hoạt động kinh doanh.
Đề xuất này, ngay sau đó nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như nhiều chuyên gia trong ngành giao thông.