Đã quá tuổi bách niên giai lão nhưng mẹ Ngô Thị Lang (103 tuổi, trú TP Hội An, Quảng Nam) vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Hằng ngày, mẹ dậy từ 5h sáng để tập thể dục và tự làm mọi sinh hoạt cá nhân.

Tuy vẻ tinh anh vẫn còn rõ, nhưng nỗi buồn không thể giấu được trong đôi mắt mẹ. Gần 60 năm nay, mẹ Lang chưa phút giây nào yên lòng khi nghĩ về người con trai đi đánh giặc chưa trở về… Nỗi đau ấy đọng trong những rãnh thời gian khắc sâu trên gương mặt mẹ.

W-mẹ việt nam anh hùng.jpg
Năm nay 103 tuổi nhưng mẹ Ngô Thị Lang vẫn rất minh mẫn. Ảnh: Hà Nam

"Tôi cũng sợ mất con, nhưng giữ con lại thì mất nước"

Mẹ Lang là thân nhân của 2 liệt sĩ và 1 thương binh. Chồng và con trai mẹ lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Chồng mẹ Lang, liệt sĩ Huỳnh Kinh Nhi (SN 1918) cũng là người Hội An. Những năm giặc Pháp tàn phá quê hương, để tiện hoạt động cách mạng, cả gia đình di tản vào xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sinh sống.

Năm 1950, chồng hy sinh, mẹ Lang một mình gồng gánh nuôi con và tiếp tục hoạt động cách mạng. Lợi dụng việc buôn bán, thường xuyên đi lại giữa Thăng Bình và Hội An, mẹ nhận nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho bộ đội.

W-Anh 2 gigapixel low_res scale 1_00x.jpg
Mỗi lần nhắc đến chồng và con trai là liệt sĩ, mẹ Lang rất đỗi tự hào và rưng rưng xúc động. Ảnh: Hà Nam

Căn nhà của mẹ Lang cũng trở thành nơi nuôi giấu cán bộ. Bên dưới khu bếp lụp xụp chính là hầm bí mật giúp họ trú ẩn. Nhiều lần bị địch nghi ngờ, chúng đánh đập dã man nhưng mẹ Lang thà chết không khai.

Mẹ Lang có 3 người con, 1 gái, 2 trai. Năm 1963, cô con gái đầu được ra Hà Nội học tập theo diện con cán bộ hy sinh, con trai út đi làm ăn xa. Chỉ còn con trai thứ là Huỳnh Quang Thợ (SN 1946) ở nhà, vừa học lớp 11, vừa phụ mẹ đồng áng.

Rồi, trong kỳ nghỉ hè, chàng trai 17 tuổi đã lén mẹ xung phong ra chiến trường…

Và, chiến tranh một lần nữa cướp đi cậu con trai "da trắng, mắt tròn" của mẹ Lang. Năm 1965, chiến sĩ Huỳnh Quang Thợ hy sinh tại miền cát trắng Núi Thành (Quảng Nam) khi mới 19 tuổi.

W-Anh 3.a gigapixel low_res scale 2_00x.jpg
Niềm mong mỏi cuối đời của mẹ Lang là tìm được mộ phần của con. Ảnh: Hà Nam

“Nó trốn tôi đi tòng quân. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, tôi cũng sợ mất con lắm, nhưng giữ con lại thì mất nước, nên tôi không ngăn cản. Hai năm sau nghe tin nó mất, tôi đau đớn lắm. Hồi đó loạn lạc, biết tìm con nơi mô”, mẹ Lang giàn giụa nước mắt.

59 năm, mẹ vẫn đợi con

Năm anh trai hy sinh, cũng là lúc ông Huỳnh Quang Thuyền (SN 1948, thương binh hạng 3/4, con út của mẹ Lang) viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Vào sinh ra tử khắp chiến trường miền trung, đến năm 1980, ông Thuyền xuất ngũ, về lại địa phương và tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Hiện, ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Cẩm Phô (TP Hội An).

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Thuyền chia sẻ, qua xác minh, anh trai ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành), nhưng cụ thể phần mộ nào thì không thể xác định.

"Nhiều năm nay, gia đình cố gắng tìm kiếm hài cốt, mộ phần của anh nhưng vô vọng. Do tại nghĩa trang này có rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh, nên không thể biết anh ấy đang nằm chỗ mô.

Mỗi lần vào đây, mẹ tôi đều đi khắp những hàng bia mộ thắp hương, khấn vái trong vô vọng rồi khóc nức nở. Di nguyện cuối đời của bà chỉ mong đưa được anh Thợ về Hội An yên nghỉ, thì mẹ mới an lòng", ông Thuyền nghẹn ngào.

W-Anh 6.jpg
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mẹ Lang vẫn chưa nguôi nỗi nhớ con. Ảnh: Hà Nam

Chiến tranh kết thúc, không có niềm vui nào bằng ngày đoàn viên, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng việc trong ngày chiến thắng mà chồng, con không về nữa...

Giờ tuổi càng cao càng lắm nỗi niềm, mỗi lần nỗi nhớ con trỗi dậy, mẹ Lang chỉ biết lục lại những ký ức đã cũ.

Không rõ con trai hy sinh ngày nào, cũng chẳng có kỷ vật gì sót lại. Bàn thờ anh Thợ chỉ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công và gia đình lấy ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm để làm “giỗ vọng”.

W-Anh 5 gigapixel low_res scale 2_00x.jpg
W-Anh 4 gigapixel low_res scale 1_00x.jpg
Bàn thờ liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ chỉ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công và lấy ngày 27/7 làm ngày giỗ. Ảnh: Hà Nam

Cho đến giờ, mẹ Ngô Thị Lang vẫn đau đáu, chẳng biết hài cốt con nằm lại nơi đâu.

Mẹ bảo, niềm an ủi khi tuổi già được sống quây quần bên con cháu; được Đảng, Nhà nước quan tâm; được bà con lối xóm chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên... là sự động viên tinh thần lớn nhất với mẹ.