Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Bình Dương là một trong những địa phương đã sớm triển khai xây dựng thành phố thông minh. Ngay từ năm 2016, Đề án thành phố thông minh Bình Dương đã được phê duyệt.

Việc triển khai Đề án cũng đã được thực hiện một cách tổng thể dựa trên mô hình “ba nhà” gồm Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và  Nhà trường/Viện nghiên cứu. 

{keywords}
Bình Dương được đánh giá là 1 trong những địa phương đạt được kết quả bước đầu ấn tượng trong phát triển đô thị thông minh (Ảnh minh họa)

Với mô hình hợp tác “ba nhà” được triển khai tại Bình Dương, mỗi nhà đảm nhận một phần vai trò của các nhà còn lại để cùng san sẻ thông tin và đóng góp ý kiến cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời đại mới.

Đề án thành phố thông minh Bình Dương xác định 46 hành động cụ thể trong 4 lĩnh vực: “Con người”, “Công nghệ”, “Doanh nghiệp” và “Các yếu tố nền tảng”. Các hành động cụ thể sẽ được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm, dựa trên khung sườn định hướng chung của Đề án.

Cụ thể như, Bình Dương đã triển khai phần mềm hệ thống một cửa liên thông cấp tỉnh, ứng dụng Binh Duong Smartcity trên Zalo và xây dựng ứng dụng dịch vụ công của tỉnh trên thiết bị di động để tăng cường tương tác với người dân. Tích hợp dịch vụ bưu chính và dịch vụ công, cung cấp thanh toán trực tuyến qua ngân hàng đối với 100% thủ tục hành chính trực tuyến.

Triển khai hệ thống tổng đài 1022 và mạng xã hội Zalo, Facebook… để người dân, doanh nghiệp kết nối trực tiếp với chính quyền 24/7. Thông qua hệ thống tổng đài 1022 và hệ thống hỗ trợ y tế, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu thông qua đầu số 115, các ý kiến của người dân đều được phân công và xử lý. Đặc biệt, hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu đã phát huy rõ hiệu quả so với thời gian trước thông qua việc điều hành tập trung đối với hệ thống xe cấp cứu, giúp giảm đáng kể thời gian khi điều xe cấp cứu đến hiện trường.

Cùng với đó, Bình Dương cũng đã hình thành các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương bao gồm Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo; triển khai Hệ thống thông tin địa lý GIS là kết quả của chương trình hợp tác giữa Chính quyền (Sở Xây dựng), Doanh nghiệp (VNPT) và Viện/ trường (Đại học Bách Khoa TP.HCM), với chi phí xây dựng được cho là thấp hơn nhiều so với hệ thống tương tự của các tỉnh, thành phố khác.

Với việc triển khai bài bản, tổng thể và có sự phối hợp, hợp tác giữa các bên và nhất là được Lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo và dành nguồn lực thích đáng, Đề án thành phố thông minh đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương.

Theo đó, sau giai đoạn triển khai từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã xóa hết hộ nghèo, giữ vững vị thế là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015- 2020 của Bình Dương đạt 9,35%/năm, gấp 1,4 lần bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng so với mức trung bình cả nước là 4,23 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến năm 2020 đã tăng gần 2,5 lần, từ hơn 20.000 lên 49.028 doanh nghiệp, qua đó giúp thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, là địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao thứ 3 cả nước.

Vân Anh

Chuyên gia Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh với Bình Dương

Chuyên gia Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh với Bình Dương

Tại hội nghị mới đây của Bình Dương, các chuyên gia thành phố Eindhoven (Hà Lan) đã chia sẻ những định hướng cơ bản xây dựng thành phố thông minh của Hà Lan; các kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng đô thị thông minh...