Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học
Nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục có chất lượng; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học; đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, Bộ GD&ĐT, Hệ tri thức Việt số hóa và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp phát động, đồng hành và tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử.
Được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, cuộc thi có đối tượng dự thi là các nhà giáo đã và đang giảng dạy tại những cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên (gọi chung là tác giả). Tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm với số thành viên không quá 3 người.
Sản phẩm bài giảng điện tử dự thi gồm có bài giảng e-Learning (sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-learning); video bài giảng (bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video). Mỗi sản phẩm cần kèm theo kế hoạch bài dạy (Giáo án).
Theo thể lệ cuộc thi vừa được Bộ GD&ĐT ra quyết định ban hành ngày 17/9, bài giảng điện tử dự thi cần triển khai được toàn bộ quá trình dạy và học tối thiểu cho 1 tiết học thuộc chương trình giáo dục phổ thông: lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp còn lại theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Bài giảng giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của bài học.
Một trong những mục đích của cuộc thi là xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học. |
Cấu trúc cơ bản một bài giảng điện tử gồm 3 phần: phần đầu là trang bìa theo mẫu, phần nội dung trình bày bài dạy theo kế hoạch bài dạy (giáo án) và phần cuối - trang thông tin về tài liệu tham khảo, cần ghi rõ nguồn gốc của thông tin tham khảo.
Thể lệ cũng nêu rõ, bài giảng cần thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ để đạt được một số yêu cầu: Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Đa dạng và hài hòa; Tăng cường tự chủ của học sinh.
Bên cạnh đó, bài giảng phải đáp ứng một số yêu cầu khác như: nội dung thể hiện súc tích, cô đọng, đảm bảo sự chính xác và khoa học; áp dụng phù hợp các kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng, hình ảnh, hoạt động tương tác, kiểm tra đánh giá để triển khai hoạt động dạy học; sử dụng học liệu chính xác, rõ ràng về nguồn gốc; đảm bảo tính thẩm mỹ và sư phạm trong thiết kế bố cục, xử lý âm thanh, hình ảnh, màu sắc, hiệu ứng thể hiện sự cuốn hút nhưng không phân tán sự chú ý của người học; thời lượng một bài giảng điện tử không dài quá 25 phút…
24h ngày 30/10 là hạn cuối nộp sản phẩm dự thi thiết kế bài giảng điện tử
Các tác giả sẽ đăng ký, nộp sản phẩm dự thi thiết kế bài giảng điện tử theo hình thức trực tuyến trên Hệ tri thức Việt số hóa tại địa chỉ igiaoduc.vn. Kho học liệu số iGiaoduc.vn bắt đầu mở tiếp nhận sản phẩm dự thi từ 30/9/2021 đến hết ngày 30/10/2021.
Dự kiến, kết quả và giải thưởng cuộc thi sẽ được Ban tổ chức công bố trước ngày 31/12/2021. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức trước ngày 15/1/2022 tại Bộ GD&ĐT theo hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp, tùy diễn biến của dịch bệnh.
Mọi thông tin liên quan đến cuộc thi, sản phẩm dự thi thiết kế bài giảng điện tử đều được Ban tổ chức công bố trên hệ thống igiaoduc.vn.
Được ra mắt vào đầu tháng 10/2020, igiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và một số đối tác với mục tiêu tạo ra nền tảng Kho học liệu số trực tuyến để thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Hệ thống còn cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.
Tại thời điểm ra mắt, dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cùng gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hệ thống cũng tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.
Vân Anh
Sắp có Cẩm nang về dạy và học trực tuyến an toàn
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đang xây dựng Cẩm nang dạy - học trực tuyến an toàn. Cẩm nang sẽ sớm được ra mắt để hỗ trợ việc giảng dạy, học tập trực tuyến thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn.