Vào dịp sinh nhật tuổi 31, Anh Trâm ( Ba Đình, Hà Nội ) quyết định dành cho mình một chuyến đi đón tuổi mới hết sực đặc biệt. Thay vì tụ tập cùng người thân, bạn bè như những năm trước, Anh Trâm một mình đi đến nơi chưa từng đến - một chuyến đi thám hiểm lõi rừng Quốc gia Cúc Phương tiêu chí..5K: Không điện, không mạng, không sóng điện thoại, không đi cùng ai, không quen ai.

“Có lẽ đối với nhiều người, nó giống như tự kỷ, nhưng thực ra đối với mình, đó là cách mình sạc lại năng lượng.Thành phố quá ồn ào, quá nhiều áp lực, công việc bận rộn cuốn mình đi. Vì thế mình muốn đến một nơi vắng lặng, trong lành, nhiều cây xanh.” Anh Trâm chia sẻ.

{keywords}
Rừng Quốc gia Cúc Phương

Người Nhật có một khái niệm thú vị là “tắm rừng”. Thuật ngữ này trong tiếng Nhật được gọi là "Shinrin yoku", còn tiếng Anh là "forest bathing". "Shinrin yoku" có thể hiểu là để cho cơ thể và tâm hồn được thư giãn, gột rửa trong bầu không khí của rừng bằng tất cả mọi giác quan. Khi đi đủ xa, tách biệt khỏi guồng quay hàng ngày, chúng ta sẽ có sự tĩnh lặng cần thiết, để bình tâm nhìn lại, lắng nghe mình thực sự muốn gì.

{keywords}
Những con đường trong rừng

Chuyến đi của Anh Trâm kéo dài 3 ngày, ăn nghỉ tại xóm Bống. Là một trong ba khu chính của rừng Quốc gia cúc Phương và là khu xa nhất, xóm Bống nằm giữa lõi rừng, cách cổng rừng khoảng 20 kilomet.

Do đi trong thời điểm dịch bệnh phức tạp và thời tiết cũng khá lạnh, nên Anh Trâm là vị khách duy nhất. Cả xóm Bống chỉ có cặp vợ chồng bác kiểm lâm già, một bác gái phụ việc, chú chó hiền lành và tụi mèo lém lỉnh. Ngoài sân có thêm đàn gà thích sưởi nắng và vài chú công đi lại nghễu nghện, thong dong.

{keywords}
Bức bia đá tại xóm Bống

Mỗi ngày, Anh Trâm đều dậy từ sáng sớm và đi bộ vào rừng chơi. Cô tự mình trekking đến cây chò ngàn năm để tận mắt chứng kiến một “huyền thoại” từng nghe từ hồi nhỏ tuổi.

Là một trong những cây đại thụ ở Việt Nam, cây chò trong rừng Cúc Phương có chiều cao lên tới 50m, đường kính 5m và chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Tiếc rằng đến nay cây đã chết, chỉ còn lại chiếc gốc mục.

Thế nhưng khi được chạm tay vào gốc cây, Anh Trâm vẫn cảm thấy rất xúc động và thành kính. Cây Chò ngàn năm đã trở thành một biểu tượng, một linh hồn của Cúc Phương và ngay cả khi đã chết đi rồi, vẫn sừng sững, hiên ngang.

Cây chò ngàn năm tại rừng Cúc Phương

Ngày thứ 2 ở Cúc Phương, Anh Trâm đặt tour đi chinh phục đỉnh Mây Bạc và được một anh kiểm lâm dẫn đi. Những người kiểm lâm tại Cúc Phương không chỉ có hiểu biết sâu sắc về động thực vật trong rừng, mà ở họ còn toát lên tình cảm thầm lặng, nhẫn nại nâng nui gắn bó với từng chiếc lá, nhành cây.

Rừng Cúc Phương may mắn không bị hư hại nhiều bởi bom đạn chiến tranh vì thế còn rất nhiều cây cổ thụ vài trăm năm hoặc nghìn năm tuổi. Trên tuyến đường lên đỉnh Mây Bạc - đỉnh cao nhất trong rừng Cúc Phương du khách sẽ có cơ hội gặp rất nhiều cây cổ thụ cùng thảm thực vật phong phú.

Vừa đi đường Anh Trâm vừa được anh kiểm lâm giới thiệu về các loại cây. Dưới những tán rừng tĩnh lặng, là cả một cuộc đấu tranh vật lộn để sinh tồn. Có loài cây sống ký sinh nhờ cây khác như cây tổ quạ. Lại có những cây đa dùng bộ rễ khổng lồ bóp nghẹt, xiết chặt cây chủ từng cưu mang mình.Có loài cây có độc tố để ngăn các loại côn trùng không thể ăn mình, thì ngược lại, chính loài côn trùng cũng có “mưu kế” riêng, xén những lỗ tròn trên lá cây, đợi chất độc tiết hết ra rồi từ từ thưởng thức bữa ăn ngon lành.

Những tán cây cổ thụ cao lớn trong rừng

{keywords}
Ngắm nhìn toàn bộ cánh rừng từ trên cao

Thời gian trung bình để trekking cung Mây Bạc là 5 tiếng. Thế nhưng Anh Trâm đi mất…9,5 giờ. Vợ chồng bác kiểm lâm già suýt phải đổ đi tìm khi mãi chưa thấy cô gái bé nhỏ trở về. Nguyên nhân một phần là do sức khỏe của cô không quá tốt, phần nữa là cung đường này gần 2 năm chưa có người đi lại nên nhiều lối bị lấp bởi cây rừng mọc chen, phải đổi hướng hoặc mất thời gian xác định lại vị trí.

Buổi tối Anh Trâm được dẫn đi xem thú ăn đêm. Cô được quan sát tụi cầy béo mũm mĩm lần mò đi kiếm ăn, thấy những con công ngủ tít trên cành cao. Thấy đom đóm lấp lánh trong cánh rừng. Bầu trời đầy sao và trăng lười liềm toả sáng nhẹ nhàng. Cảnh đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên như có tác dụng chữa lành cho những tâm hồn đang mỏi mệt.

Kỉ niệm khó quên nhất của Trâm Anh có lẽ là việc ngủ đêm trong rừng. Cô thuê một căn nhà luồng khá đẹp, ở khu tách biệt hẳn không có người. Khu nhà này không có điện, không có sóng điện thoại, cũng không có wifi. Tối đến phòng chỉ được thắp sáng lờ nhờ bằng đèn pin và nến thơm.

Khu nhà luồng nằm tách biệt trong rừng.

Buổi tối đi xem thú rừng về, Anh Trâm lúc đó chỉ mong làm sao thật nhanh vào được phòng vì bên ngoài rừng tối om, lạnh lẽo và im lặng quá. Đến khi vào được phòng, cô lại muốn chạy ra ngoài, vì phòng bằng gỗ, âm u, lại thêm ánh đèn khi tỏ khi mờ, bóng phản chiếu trên cửa kính loang loáng.

Trước đó, Anh Trâm được nghe một câu chuyện được truyền miệng, rằng khu vực này trước kia là một bản của người Mường. Cách đó không xa, là khu rừng ma hay rừng thiêng, nơi người Mường chôn người đã mất và họ sẽ tuyệt đối không cho ai xâm phạm, bẻ cây, phá cành và cũng như kiêng việc có người lai vãng quanh đó.

“Thực ra là lúc đặt phòng mình chưa nghe chuyện này. Sau bữa cơm tối mới nghe các các chú các anh kiểm lâm nói chuyện. Không biết thì không sợ, biết rồi chỉ còn cách bỏ chạy ngay trong đêm thôi. Mình đặt 2 đêm nhưng rồi đều về chỗ kiểm lâm ngủ vì... sợ ma.” Anh Trâm bật cười khi nhớ lại trải nghiệm có một không hai của mình.

Trong rừng, Anh Trâm ăn uống cùng với vợ chồng bác kiểm lâm già. Những món ăn cơ bản như: Gà luộc, gà rang, thịt nướng, nộm hoa chuối, các loại rau rừng…được chế biến ngon miệng, tươi sạch. Chi phí chuyến đi bao gồm: tiền ăn và phòng nghỉ, tiền vé vào vườn quốc gia, tiền tour và thuê xe di chuyển hết 2,9 triệu cho 3 ngày 2 đêm.

{keywords}
Cánh rừng “ chữa lành” cho những ai đang mỏi mệt

“Với mình ba ngày trong rừng trôi qua thật nhanh nhưng là quãng nghỉ cần thiết để mình có thể tìm lại bản thân, lấy lại năng lượng. Cảm giác bước ra khỏi rừng khá mệt, nhưng là cái mệt khỏe người để sẵn sàng bước tiếp hành trình của mình.”

Chuyến đi ngắn ngủi không chỉ mang đến cho cô gái trẻ trải nghiệm thú vị khó quên mà còn là một nguồn năng lượng tích cực mới đầy quý giá trong cuộc sống bộn bề.

 Thùy Chi (Ảnh: NVCC)