Mưa sao băng Lyrids thường xuất hiện vào khoảng từ 16-25/4 hàng năm. Năm nay, Lyrids sẽ đạt cực đỉnh vào đêm 22/4, rạng sáng 23/4, với mật độ khoảng 18 sao băng/giờ. Đáng chú ý, 22/4 cũng là ngày Trái Đất.
Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng, nhưng điều kiện và thời tiết ở mỗi nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chiêm ngưỡng các sao băng nhiều hay ít.
Lyrids được mệnh danh là cơn mưa kết thúc "hạn hán sao băng", do từ khoảng tháng 1 đến giữa tháng 4 không có đợt mưa sao băng nào đáng kể. Vì thế, dù chỉ là mưa sao băng có mật độ trung bình, Lyrids luôn được người yêu thích thiên văn chờ đợi.
Hình ảnh tổng hợp các mưa sao băng trên bầu trời New Mexico, Mỹ trong tháng 4/2012. Ảnh: NASA. |
Tên Lyrids bắt nguồn từ chòm Lyra, do sao băng có xu hướng tỏa ra ở khu vực chòm sao này.
Tuy nhiên, người xem không cần tìm vị trí của chòm Lyra để xem được mưa sao băng, vì Lyrids sẽ xuất hiện ở bất kỳ đâu trên bầu trời. Thời gian quan sát lý tưởng nhất là ngay trước khi mặt trời mọc. Người xem nên chọn những khu vực thoáng đãng và không có ánh đèn để quan sát hiện tượng.
Mưa sao băng là các mảnh vụn còn sót lại của các thiên thể như sao chổi. Lyrids xuất phát từ sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện vào năm 1861. Dự kiến, Thatcher sẽ lại đi qua hành tinh chúng ta vào năm 2276.
Đây cũng là một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất từng được ghi lại trong lịch sừ. Vào năm 678 TCN, sử sách Trung Quốc từng viết về sự xuất hiện của Lyrids là "các vì sao rơi xuống như mưa".
Cứ vài thập kỷ, Trái Đất lại đón một đợt bùng phát sao băng Lyrids, đỉnh điểm có thể lên đến 100 vệt sao/giờ. Năm 1922 tại Hy Lạp và năm 1945 ở Nhật Bản, các nhà thiên văn học từng quan sát được các đợt bùng nổ của Lyrids.
Ngoài ra, khoảng 1/4 số sao băng từ Lyrids để lại những vệt sáng dài khi bay ngang bầu trời. Đây là dấu vết của khí bị ion hóa và phát sáng trong vài giây sau khi sao băng bay qua.
Theo Zing/Earth Sky
Mục tiêu đưa con người lên Sao Hỏa đã đến rất gần
Hành trình khám phá Mặt Trăng sẽ được tăng tốc trong năm nay. Khai thác tài nguyên không gian sẽ là một trong những bước quan trọng nhất để giúp con người đặt chân tới 1 hành tinh khác.