Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi tiêu tết từ những đồng tiền thưởng. Năm ngoái, tiền thưởng hai vợ chồng cộng lại, chừng mười triệu đồng. Năm nay dự tính không hơn. Tiền thưởng của một doanh nghiệp nhỏ, thế cũng quý rồi.

Tết, chỉ gói gọn trong ba ngày, nhưng tính luôn vài ngày trước và sau tết, “cái tết”, thường kéo dài khoảng chừng tuần lễ. Mười triệu đồng đối với bảy ngày bình thường thì hết sức thoải mái, còn với ngày tết, nếu không cân nhắc thì… hụt hơi là chắc.

{keywords}
Tiền thưởng của hai vợ chồng, cộng lại khoảng mười triệu đồng. Ảnh minh họa

Bao năm chi tiêu chừng mực đã quen, nên tôi đón tết rất bình thản, nhẹ nhàng, chứ không giống như không ít người, khi Sài Gòn vừa chớm se lạnh, đã… sợ tết, sợ đến nỗi lên Facebook than thở. Một người than, trăm người… thở ra theo.

Nỗi sợ… dây chuyền

Người thì sợ không đủ tiền tiêu tết, người sợ tết phải về quê chồng, sợ các khoản lì xì, sợ túc trực gian bếp, cúng kiếng, người thì sợ tết phải tiếp khách nhậu của chồng. Những nỗi sợ rất chi là… phụ nữ.

Tôi có người chị họ, gia đình chị khá vất vả, nhưng chị không bao giờ tỏ ra là người sợ tết, chị đón tết theo cách của chị. Ngay khi xuân này vừa đi qua, chị liền “nuôi heo” đợi xuân sau “mổ”. Đón tết một cách có tính toán, không bị động, đón tết kiểu nhà nghèo như chị, thật cũng đáng học hỏi.

Tôi nghĩ, tết về, nếu có tiền thì đón tết kiểu có tiền, ít tiền đón tết kiểu ít tiền, nhưng không quá hà tiện, hoặc cũng đừng vung tay. Xuân về với mọi nhà mọi người, không phân biệt giàu nghèo, xuân mang hơi thở nồng nàn len lỏi vào từng ngóc ngách nhà, như tiếp thêm sinh khí cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Nên, nhiệm cụ của chúng ta là… đáp lại tình xuân theo cách của mỗi người.

{keywords}
Xuân về với mọi nhà, không phân biệt giàu nghèo. Ảnh minh họa

Với mười triệu, nếu tôi “chơi” cây mai hoành tráng, có khi còn thiếu, đừng nói là mười triệu “gói” cả một cái tết. Nhưng, nếu tôi chọn cúc tím - loại hoa một thời gắn bó với mọi người mọi nhà, thì xuân của tôi vẫn cứ lung linh.

Mỗi người mỗi nhà có một thái độ với xuân không giống nhau, nhưng có một điều không thể phủ nhận là, cho dù chúng ta đang sống trong sung túc hay vẫn còn khó khăn, thì không ai ngoảnh mặt mỗi khi tết đến xuân về.

Một vài người bạn khen tôi tài giỏi trong việc gói ghém mười triệu đồng cho một cái tết. Thật ra, hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau, nên đón xuân cũng phải liệu túi tiền. Bố mẹ đôi bên của chúng tôi sống cùng thành phố, nên tôi không tốn khoản tiền tàu xe thăm các cụ. Tiền lì xì, dĩ nhiên phải có, nhưng chỉ mang ý nghĩa “mừng tuổi”.

Mười triệu đồng, tôi vẫn đầy đủ quần áo mới cho con, với hoa xuân,  bánh trái, thức ăn và mồi nhậu, bia bọt. Nhớ cái tết cách đây hai năm, chồng tôi “chạy mánh” kiếm thêm được bốn mươi triệu, anh về hồ hởi tuyên bố “tết này mình chơi lớn đi em!”.

Tôi hỏi chồng “chơi lớn là sao anh, năm nào nhà mình chẳng đủ đầy?”. Nhưng ý chồng tôi là, biết rằng vẫn đủ đầy, nhưng trong cái đủ đầy đó vẫn thể hiện sự tiết kiệm, chưa được hoành tráng như người ta!

Tôi còn nhớ, mỗi khi tết về, chồng vẫn thường dặn tôi: em cố gắng “gói cái tết” sao cho tròn trịa, nhưng cũng có thể chi thêm nếu cần, chứ không nhất thiết đóng khung mười triệu.

{keywords}
Năm đó tôi ‘chơi lớn’, bằng cách thay ‘áo mới’ cho ngôi nhà. Ảnh minh họa

Tôi hiểu ý chồng, với anh ấy, một năm lao động vất vả, cũng cần phải được tự thưởng những ngày xuân ấm áp, không chỉ cho bản thân, mà còn cho vợ con. Năm đó, tôi “chơi lớn” bằng cách “thay áo mới” cho ngôi nhà, thay bộ salon đã cũ, còn thì mọi thứ vẫn “bổn cũ soạn lại”, không phát sinh gì đáng kể.

Dĩ nhiên, một trăm triệu đón tết cũng bay vèo; mười triệu đón tết vẫn ấm cúng. Xuân độ lượng, không trách ai đón tết đạm bạc, miễn là mọi thành viên trong gia đình cùng dành cho nhau những yêu thương ngọt ngào nhất, là đã có một mùa xuân trọn vẹn.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)