Hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức Mỹ cho biết, sau khi nhận thấy thành công của đạn chùm được cung cấp dưới dạng đạn pháo 155mm trong những tháng gần đây, Mỹ đang xem xét chuyển giao một trong hai hoặc cả hai Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS có tầm bắn 306km, hoặc Hệ thống tên lửa phóng loạt GMLRS có tầm bắn 70km. Nếu được thông qua, các loại vũ khí trên sẽ nhanh chóng được vận chuyển tới Ukraine. 

Mỹ cân nhắc gửi ATACMS cho Ukraine. Ảnh minh họa 

Ukraine hiện sử dụng đạn pháo 155mm có tầm bắn tối đa 29km và mang theo 48 quả đạn chùm. Trong khi đó, ATACMS có thể phóng hơn 300 quả đạn chùm. Hệ thống tên lửa GMLRS có thể bắn 404 quả đạn chùm.

Theo 2 nguồn tin, khi chiến dịch phản công của Kiev có dấu hiệu tiến triển, Mỹ muốn tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine vào thời điểm quan trọng.

Nhà Trắng hiện từ chối đưa ra bình luận về thông tin Reuters công bố. 

Còn theo 4 nguồn tin, trong nhiều tháng qua, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên cung cấp ATACMS cho Ukraine hay không, do lo ngại động thái này có thể bị xem là quá gây hấn đối với Nga.

Trang web của Lục quân Mỹ cho biết, ATACMS được thiết kế để tấn công sâu vào lực lượng ở lớp thứ hai của đối phương. Nó được dùng để tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, hệ thống phòng không và cơ sở hậu cần phía sau chiến tuyến.

Kiev đã nhiều lần đề nghị chính quyền của Tổng thống Biden cung cấp ATACMS để tấn công và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế, căn cứ không quân, và mạng lưới đường sắt trong lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát.

Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Kiev

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu, sau khi Kiev thay đổi lập trường và tạo điều kiện cần thiết cho những cuộc tiếp xúc này. 

Theo ông Peskov, đàm phán có thể và sẽ diễn ra, nếu như Nga nhận thấy có thể đạt được mục tiêu thông qua các biện pháp khác ngoài hành động quân sự. Nhưng điều đó không phải là trường hợp hiện tại. 

"Trong bất kỳ trường hợp nào, chính quyền Kiev sẽ phải bắt đầu cuộc trao đổi từ việc nhìn vào thực tế, bởi Kiev đã bác bỏ việc giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao", ông Peskov chia sẻ với tờ RBK của Nga hôm 11/9. 

Cũng theo ông Peskov, thỏa thuận đình chiến dự thảo mà Nga và Ukraine gần như đã thông qua vào năm 2022 trong các cuộc trao đổi do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và Kiev từ bỏ sau đó, là bằng chứng cho thấy Moscow sẵn sàng đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bác bỏ đàm phán với Nga, cho đến khi Kiev đạt được mục tiêu đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Chính sách cấm đàm phán với Nga đã được ông Zelensky ký thành luật hồi năm 2022.