Trong hai tuần qua, các chỉ huy quân đội và các nhà phân tích chiến lược Mỹ
đã công khai chỉ trích quy mô ngân sách quốc phòng của Australia, tìm cách gây
sức ép với chính phủ của Công đảng phải tăng chi tiêu quân sự nhằm đảm bảo rằng
lực lượng Australia sẽ là đối tác đáng tin cậy của Mỹ trong trường hợp có đối
đầu với Trung Quốc ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Chính phủ của Công đảng rõ ràng đã đứng về phía Mỹ. Năm 2009, họ đưa ra Sách trắng quốc phòng, trong đó lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng và tuyên bố Australia sẽ chi hơn 100 tỷ USD vào tàu, máy bay mới và các thiết bị quân sự khác trong vòng hai thập niên tới.
Quan hệ giữa Mỹ và Australia được siết chặt hơn nữa sau khi bà Julia Gillard lên nắm quyền Thủ tướng vào năm 2010. Tháng 11/2011, Thủ tướng Gillard và Tổng thống Obama thông báo nhất trí phát triển các căn cứ chiến lược cho các hoạt động hải quân, trên không và trên biển của Mỹ tại khu vực tây và bắc Australia. Việc này đòi hỏi phải nâng cấp các cảng và căn cứ không quân.
Hồi đầu năm nay, một loạt kế hoạch đã được tiết lộ nhằm phát triển đảo Cocos tại Ấn Độ Dương như một căn cứ dành cho máy bay không người lái của Mỹ và do đó cần phải có hàng trăm triệu đôla để phát triển cơ sở hạ tầng.
Thỏa thuận Mỹ-Australia đã cấu thành "trục" Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đã tìm cách củng cố liên minh, đối tác chiến lược và thỏa thuận nền tảng với hàng loạt nước châu Á, với ý định bao vây Trung Quốc.
Washington hiện gửi đi một thông điệp thẳng thừng tới Canberra rằng khi đã cam kết với Mỹ, nước này phải đáp ứng những chi phí để tăng cường năng lực và quy mô của lực lượng vũ trang.
Ngày 13/7, lãnh đạo Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Samuel Locklear nói với các nhà báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Gillard tại Canberrar rằng ông lo ngại khi chi tiêu quân sự của Australia nằm dưới mức chuẩn của NATO - 2% GDP. Tuyên bố của ông Locklear là phản ứng công khai đầu tiên của Mỹ về quyết định của chính phủ Australia - hồi tháng 5 Australia tuyên bố cắt giảm 5,5 tỷ USD chi tiêu quốc phòng trong 4 năm tới.
Đô đốc Locklear nhấn mạnh vào kế hoạch thu mua đắt giá nhất của Australia - một đội tàu mới gồm 12 chiếc tàu ngầm, vốn có thể đóng góp cho các chiến dịch ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận những tuyến đường biển quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Số tàu này có thể tốn tới 30 tỷ USD.
Đại sứ Mỹ ở Australia là Jeffrey Bleich hồi tháng 2 cho hay, Mỹ đang chuẩn bị bán hoặc cho Australia thuê một đội tàu hạt nhân của Mỹ nhằm đảm bảo hải quân Australia có khả năng tham chiến.
- Hoài Linh (Theo Beijing Times, ICFI)