- Nắm cổ phần chi phối một ngân hàng không dễ nhưng với ông Trầm Bê điều này có lẽ bình thường bởi hiện tại gia đình ông đang là cổ đông lớn nhất tại cả Sacombank và SouthernBank.


Ông trùm thực thụ

Dù rất nể trọng nhưng giới đầu tư cũng khá bất ngờ sau khi Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) công bố về tỷ lệ sở hữu trong năm 2012 của các lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, các thành viên của gia đình đại gia Trầm Bê tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này.

Cụ thể, gia đình ông Trầm Bê nắm hơn 20% cổ phần sau khi ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Southernbank tăng tỷ lệ nắm giữ từ 1,85% lên 4,42% trong năm vừa qua cho dù trong cùng thời gian ngân hàng đã tăng vốn điều lệ từ 3.212 tỷ lên 4.000 tỷ đồng.

Ông Trầm Trọng Ngân tăng tỷ lệ sở hữu trong bối cảnh một cổ đông lớn là Tổng công ty Becamex IDC đã thoái toàn bộ 13,6 triệu cổ phiếu (tương đương 4,24% cổ phần tính trên vốn điều lệ cũ).

Với biến động nói trên, tổng cổ phần của gia đình đại gia Trầm Bê nắm giữ đã lên tới 20,14%, cao hơn so với cổ đông đứng ở vị trí thứ hai - United Overseas Bank của Singapore một chút ít. Dù là cổ đông chiến lược nước ngoài nhưng chỉ đang nắm giữ 19,99% cổ phần và vượt trội cổ đông lớn thứ ba, Tropical Investments Việt Nam (đang nắm giữ 5,68% cổ phần).

Trong tổng số hơn 20% cổ phần Southernbank, riêng ông Trầm Bê trực tiếp sở hữu 8,36% và là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này cho dù đầu năm 2012 đại gia này đã rút khỏi Southern Bank để chuyển sang HĐQT của Sacombank. Con gái ông Trầm Bê, bà Trầm Thuyết Kiều trong khi đó nắm 7,36% cổ phần.

Trước đó, trong báo cáo cáo tình hình quản trị công ty năm 2012 của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), gia đình ông Trầm Bê cũng nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT Sacombank.

Cha con Trầm Bê

Theo báo cáo, ông Trầm Trọng Ngân sở hữu 48 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 4,47%) và tỷ lệ này vẫn được giữ cho tới bây giờ do ông Ngân đã không thoái vốn thành công sau hai lần đăng ký bán ra. Ông Trầm Khải Hòa - con trai thứ của ông Trầm Bê, cũng đóng vai trò là thành viên HĐQT Sacombank và cũng là một cổ đông lớn.

Tại Sacombank, bà Trầm Thuyết Kiều cũng đang sở hữu 3,15 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 0,29% vốn.

Trước đó, cho dù đã nổi trong giới tài chính từ khá lâu nhưng trên diện rộng giới đầu tư không biết mấy về đại gia họ Trầm này do tính cách thận trọng, kín tiếng, ít xuất hiện trước công chúng của doanh nhân này.

Ông Trầm Bê thực sự được biết đến sau ván bài thâu tóm Sacombank diễn ra giữa năm ngoái với sự xuất hiện của một loạt các thành viên đến từ Southernbank có mặt trong bộ máy quản trị của Sacombank.

Sự xuất hiện rầm rộ trở lại của Eximbank với tuyên bố sáp nhập Sacombank vào (sau cú đại diện 51% cổ phần Sacombank hồi tháng 3/2012) và động thái đăng ký thoái vốn của con trai ông Trầm Bê đang khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về vòng xoay thứ hai hay ai mới thực sự chi phối Sacombank?

Câu hỏi đó chắc cần có thời gian mới được trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, có một điều chắc chắc rằng, gia đình ông Trầm Bê đang là cổ đông lớn tại ngân hàng thương mại cổ phần này.

Tỷ phú đô la ẩn mình

Trên thực tế, ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình đang nắm cổ phần chi phối tại hai ngân hàng nổi tiếng tại Việt Nam nhưng đại gia này không lọt bất cứ một danh sách giàu có nào cả. Ông Trầm Bê không nằm trong 200 người giàu nhất trên TTCK.

Theo số liệu của Sacombank, ông Trầm Bê cho dù năm ngoái được bầu là phó chủ tịch Sacombank, song chỉ nắm giữ 115 nghìn cổ phiếu STB tương ứng 0,01% vốn.



Mặc dù vậy, những diễn biến thâu tóm Sacombank trong năm vừa qua cùng với hàng loạt vụ mua cổ phiếu tăng tỷ lệ nắm giữ của ba người con cùng với việc sở hữu hàng loạt doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực cho thấy thực lực của vị doanh nhân này là rất lớn.

Trước đó, giới đầu tư biết đến cái tên Trầm Bê (1959) gắn với ngành gỗ trong khoảng 10 năm, sau đó là BĐS với Đầu tư xây dựng Bình Chánh BCCI, với Bệnh viện Triều An (bênh viện đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận đa khoa chuyên sâu và có quy mô lớn nhất Việt Nam), với lĩnh vực hải sản và nông nghiệp (Công ty Sơn Sơn) và Cụm cảng Long Toàn…

Rõ ràng nhìn vào bức tranh sở hữu hiện tại có thể thấy Trầm Bê là một ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, để đánh giá độ giàu có của vị doanh nhân này rất khó bởi hầu hết các doanh nghiệp khác của ông đều chưa lên sàn.

Bên cạnh đó, những diễn biến gần đây cho thấy, ông Trầm Bê vẫn đang đi theo hướng chia sẻ tài sản của mình cho các người con, đẩy những người con của mình trám vào những doanh nghiệp mà ông xây dựng lên.

Hiện, cả ba người con của ông Trầm Bê đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư. Hai người con trai đang thuộc tốp 50 người giàu nhất trên TTCK, trong khi con gái đứng trong tốp 150.

Việc một đại gia hay một gia đình lớn mạnh và rất có thể trở thành những tỷ phú USD được thế giới công nhận là điều đáng mừng. Tuy nhiên, hiện tượng một gia đình cùng lúc chi phối hai ngân hàng nổi tiếng trong nước là một vấn đề bởi trước đó không ít người lo ngại về các hiện tượng sở hữu chéo, mua bán chéo, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau của ngân hàng, rồi cả vấn đề an ninh ngân hàng….

Hậu quả cục nợ xấu cao ngất trời hiện nay, với tỷ lệ có lúc lên tới 10% (thậm chí hơn theo tính toán của các tổ chức nước ngoài) là do tín dụng dễ dãi mà nguồn gốc là bởi những trục trặc nói trên.

Mạnh Hà