Tai biến sản khoa là tình huống có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh.

Ngăn ngừa tai biến sản khoa, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và thai nhi là một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế cũng như của mỗi gia đình.

Nhằm cung cấp, chia sẻ những kiến thức cơ bản, thiết yếu cho các gia đình, cộng đồng về chăm sóc phụ nữ mang thai, giúp những đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, Báo VietNamNet tổ chức giao lưu với chủ đề ‘“Nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản để giảm thiểu tai biến sản khoa”.

Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:

Trần Thị Minh Lý – Bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Tiến Công - Bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ.

{keywords}
Từ trái qua phải: nhà báo Diệu Bình, bà Trần Thị Minh Lý, ông Nguyễn Tiến Công

Trước, trong và sau sinh đều có những nguy cơ

Nhà báo Diệu Bình: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho bà Minh Lý. Thưa bà Minh Lý, tai biến sản khoa là gì? Xin bà chia sẻ với độc giả VietNamNet về mối nguy mang tên tai biến sản khoa? 

BS. Trần Thị Minh Lý: Tai biến sản khoa là một tình trạng diễn biến không tốt đối với một thai phụ. Tai biến sản khoa tùy mức độ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho thai phụ cũng như em bé. Có 5 tai biến sản khoa thường gặp là: Tiền sản giật, băng huyết, vỡ tử cung, chảy máu sau đẻ, nhiễm trùng. Đặc biết nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong cho thai phụ.

Có tai biến ít gặp nhưng cũng gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con là tắc mạch ối. Gần đây các nhà khoa học đã tìm được nguyên nhân nhưng vấn đề xử trí còn rất khó khăn với tai biến sản khoa này.

Tùy theo mức độ, các tai biến sản khoa gây ảnh hưởng đến thai phụ và con.

- Với tiền sản giật, khi thai phụ lên cơn, người mẹ sẽ thiếu oxy làm cho em bé trong bụng mẹ cũng bị thiếu oxy. Việc nuôi em bé trong thời điểm đó cũng nguy hiểm bởi lưu lượng tuần hoàn từ mẹ sang em bé giảm đi dẫn đến tình trạng suy thai.

Với tai biến sản khoa tiền sản giật, nếu bị nặng cũng rất nguy hiểm. Nó làm người mẹ tăng huyết áp, phù nề, chức năng gan thận xấu đi. Một nguy hiểm nữa là biến chứng này khiến cho tử cung người mẹ chảy máy trong quá trình sinh đẻ.

Từ đó thai phụ bị ngừng tuần hoàn, phù mạch cấp, chảy máu không cầm… gây nguy cơ tử vong. Cho dù cứu được tính mạng cũng sẽ để lại di chứng lâu dài cho sản phụ. Trường hợp thai phụ lên cơn co giật, em bé bị thiếu oxy dẫn đến tử vong, suy thai.

- Tai biến vỡ tử cung (nơi chứa, bảo vệ em bé) cũng rất nguy hiểm bởi đây còn là nguồn nuôi dưỡng từ mẹ sang con. Khi tử cung bị vỡ mạch máu chảy, em bé bị đẩy ra ổ bụng, cắt đứt tuần hoàn từ mẹ sang con. Người mẹ sẽ trụy tim mạch, tử vong. Dinh dưỡng của em bé bị cắt đứt nếu không xử lý kịp thời sẽ dễ tử vong.

-  Tai biến tắc mạch ối là tai biến nặng nề, khó tiên lượng và khi xảy ra rất xấu cho người mẹ và thai nhi.

- Tai biến thai phụ có thể gặp nữa là nhiễm khuẩn. Trong sản khoa, vùng tử cung bị nhiễm khuẩn sẽ lây lan rất nhanh gây nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cho người mẹ, ảnh hưởng đến tính mạng. Người mẹ nhiễm khuẩn huyết, em bé chắc chắn cũng bị ảnh hưởng.

Video phần 1 buổi giao lưu:

Nhà báo Diệu Bình: Xin bà cho biết nguyên nhân các tai biến trên?

BS. Trần Thị Minh Lý: Các cụ ta thường nói, khi chửa đẻ mẹ tròn con vuông mới có thể yên tâm. Quá trình mang thai có nhiều nguyên nhân dẫn đến người mẹ có thể mắc một trong những tai biến đó. Mang thai khiến thay đổi vóc dáng, tâm lý và thay đổi về huyết động của thai phụ.

Những biến đổi đó làm cho cơ thể mẹ trong những tháng đầu không thích nghi được gây nghén. 3 tháng cuối, cơ thể mẹ cũng thay đổi nhiều hơn để nuôi em bé. Có trường hợp thai phụ có bệnh mãn tín như tim, cao huyết áo, ung thư… họ sẽ có nhiều nguy cơ hơn.

{keywords}
 BS. Trần Thị Minh Lý

Với người bình thường, mang thai đã mệt mỏi rồi nhưng trên nền người mẹ mang bệnh mãn tính như vậy sức đề kháng giảm đi, người mẹ sẽ gặp nhiều biến chứng. Ví dụ thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ dẫn đến tiền sản giật. Những người bị bệnh tim khi mang thai, thai càng to người mẹ càng mệt mỏi, dẫn đến biến đổi như suy tim, tiền sản giật…

Ngoài ra, yếu tố xã hội cũng tác động rất nhiều. Người mẹ được gia đình chăm sóc chu đáo sẽ có sức khỏe tốt. Ngược lại, người mẹ không được chăm sóc cẩn thận, ngủ ít, ăn ít dễ dẫn đến các tai biến.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Nguyễn Tiến Công, xin ông cho biết tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản tốt trong mọi thời kỳ sẽ mang tới những ích lợi gì?

BS. Nguyễn Tiến Công: Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ và nam giới rất quan trọng. Bộ Y tế đã có chính sách về vấn đề này. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm việc chăm sóc các đối tượng nam giới, phụ nữ, phụ nữ tuổi vị thành niên, các em bé sơ sinh. Mỗi giai đoạn đều có tầm quan trọng riêng. Để công tác này đạt hiệu quả thì các đối tượng này đều phải được chăm sóc đúng mức.

Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt sẽ mang lại lợi ích cho phụ nữ cũng như em bé sơ sinh, gia đình. Thai phụ được chăm sóc sức khỏe sinh sản theo đúng phác đồ của Bộ Y tế sẽ biết được quá trình mang thai của mình có bình thường hay không, qua từng mốc khám thai mẹ và bé có bất thường gì không. Tùy theo đó, các bác sĩ sẽ hẹn lịch để thăm khám.

Khi biết tình trạng của mình, các thai phụ có phương án nghỉ ngơi, ăn uống theo chỉ định, lời khuyên của bác sĩ. Họ cũng chọn được cơ sở y tế sinh nở đảm bảo, em bé chào đời an toàn. Đó là niềm vui vô bờ bến của gia đình cũng như xã hội.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Minh Lý, để có một thai kỳ khỏe mạnh, trước khi mang thai các cặp vợ chồng nên chuẩn bị những gì?

BS. Trần Thị Minh Lý: Để chuẩn bị có quá trình thai nghén tốt và sinh ra em bé khỏe mạnh, các cặp vợ chồng nên có sự chuẩn bị. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, việc hiểu biết, chuẩn bị này rất quan trọng. Ngay cả đối với những cặp vợ chồng từng sinh con đã có kinh nghiệm nhưng mỗi lần mang thai lại khác nhau, họ phải chuẩn bị về kiến thức trong quá trình mang thai, tích lũy từ lần trước, bổ sung thêm cho lần này.

Người phụ nữ phải được chăm sóc từ lúc chậm kinh, biết mình có thai và suốt quá trình đó thai phụ sẽ nhận được sự động viên từ người chồng, gia đình để có tinh thần tốt. Với thai phụ hoàn toàn khỏe mạnh, việc mang thai sẽ thuận lợi. Với thai phụ có bệnh lý hoặc lần chửa đẻ trước có vấn đề, họ sẽ bị áp lực về tâm lý cần được động viên.

Các thai phụ cũng nên chọn nơi tin cậy để theo dõi thai sản. Với thai phụ bình thường ở vùng sâu vùng xa có thể theo dõi ở trạm xá, bệnh viện tuyến huyện. Nhưng với phụ nữ có bệnh lý từ trước hoặc khó khăn trong quá trình thai sản, họ sẽ được lựa chọn nơi có thể xử lý những vấn đề trong quá trình mang thai. Đó là bệnh viện lớn chuyên khoa, tuyến tỉnh, trung ương… để có quá trình thai sản tốt và an toàn nhất.

Với cặp vợ chồng sắp bước vào hôn nhân, họ cũng phải có quá trình tìm hiểu đơn vị y tế để được tư vấn, chuẩn bị các kiến thức về tiền sinh sản. Nếu được tư vấn trước, họ sẽ có tâm lý tốt hơn khi sinh con.

Video phần 2 buổi giao lưu: 

Nhà báo Diệu Bình: Phụ nữ thường gặp những nguy cơ gì trong giai đoạn mang thai, giai đoạn sinh con? Xin ông Tiến Công chia sẻ cùng độc giả VietNamNet.

BS. Nguyễn Tiến Công: Quá trình mang thai phụ nữ chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tiếp đến là giai đoạn sinh con và hậu sản (6 tuần). Giai đoạn mang thai và sinh con có nhiều nguy cơ đối với mẹ và bé. Tuy nhiên y học Việt Nam nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa nói riêng đã có những bước phát triển mạnh. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi dần dần bắt kịp được trình độ so với khu vực.

3 tháng đầu thai phụ có thể gặp một số nguy cơ. Đó là bất thường xảy ra như: thai trong buồng tử cung hay ở ngoài, thai ngoài thì ở vị trí nào. Thai ngoài tử cung thì xử lý đơn giản nhưng thai ở kẽ tử cung thì phức tạp hơn. Các nguy cơ gây nguy hiểm khác là thai ở vết mổ cũ, hoặc trong ổ bụng… Ngoài ra, thai phụ có thể còn gặp những vấn đề như thai lưu hay chửa trứng...

3 tháng đầu thai phụ còn có nguy cơ dọa sẩy thai. Có trường hợp sẩy thai, băng huyết nhiều, sản phụ đến cơ ở y tế không cấp cứu kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng.

3 tháng giữa (14 - 29 tuần) đối với bà mẹ, em bé cũng có nhiều nguy cơ. Với bà mẹ là dọa đẻ non, đẻ non hoặc nguy cơ băng huyết. Về bệnh lý, người mẹ có thể xảy ra tiền sản giật, đái đường thai kỳ. Vì vậy chúng tôi khuyên các sản phụ nên làm tầm soát đường huyết thai kỳ đúng thời điểm (24-28 tuần).

Ngoài ra, thời kỳ này, chúng ta xem bánh rau bám đúng chỗ hay không và liệu nó có bám vào vết mổ cũ hay rau tiền đạo hay không. Trường hợp bình thường mình khám theo bình thường. Với các thai phụ có bất thường phải hẹn khám, tái khám thường xuyên cũng như đến cơ sở y tế chuyên sâu hơn để đảm bảo an toàn.

3 tháng cuối, thai phụ cũng có thể gặp các nguy cơ như 3 tháng giữa. Nhưng giai đoạn này, sau 28 tuần, chúng ta phải xác định xem ngôi thế của em bé có bình thường hay không; bánh rau có thực sự bám đúng chỗ hay rau bám tiền đạo, bám vào vết mổ cũ…

Giai đoạn này, thai phụ có nguy cơ bệnh lý tăng huyết áp, đái đường, chảy máu do bất kỳ nguyên nhân gì… Thời kỳ này, phụ nữ di chuyển khó khăn, nếu sinh hoạt không để ý có thể gây chấn thương, chuyển dạ đẻ non. Ngoài ra, 3 tháng cuối cũng hết sức lưu ý có dấu hiệu gì bất thường đến viện khám ngay như sốt, thai đạp ít, ra máu…

Trong giai đoạn sinh có nhiều biến cố có thể xảy ra. Chúng tôi là những bác sĩ lâm sàng - người theo dõi, cấp cứu các trường hợp sản khoa, nhận thấy nguy cơ chính với em bé là suy thai. Đây có thể do vấn đề từ trước của em bé chưa phát hiện ra nhưng có những trường hợp không phát hiện được trước, phải mổ cấp cứu.

Đối với em bé, quá trình sinh, có những chấn thương như em bé bị mắc vai. Với trường hợp mẹ bị đái tháo đường, thai to thường mắc vai nhưng không có nghĩa là em bé nhẹ cân không bị mắc vai. Với các bác sĩ, chuyên gia được đào tạo, đã có kinh nghiệm sẽ xử lý tốt, sẽ để lại ít di chứng. Nếu xử lý không tốt có thể gây nhiều nguy cơ tổn thương cho em bé.

Đối với mẹ thời kỳ này có nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ bằng huyết – nguy cơ gây tử vong cao nhất. Ngoài ra là các nguy cơ vỡ tử cung, tắc mạch ối, rau bám màng, mạch máu tiền đạo, sa dây rốn… gây chết em bé nếu không cấp cứu kịp thời.

Sau khi sinh xong 24h, thai phụ vẫn có thể gặp trường hợp băng huyết. Trong giai đoạn sau đẻ, người mẹ vẫn còn nhiều nguy cơ cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận.

Hiểu biết của gia đình, xã hội rất quan trọng

Nhà báo Diệu Bình: Sau những vụ tai biến sản khoa vừa rồi, bà Minh Lý có khuyến cáo gì với từng gia đình, từng người về ý thức sức khỏe sinh sản? Cần phải làm những gì để kiểm soát tai biến sản khoa và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai?

BS. Trần Thị Minh Lý: Như bác sỹ Công vừa chia sẻ, có rất nhiều vấn đề trước sinh lẫn sau sinh với các thai phụ. Chúng ta phải biết rằng, muốn an toàn cần phải có sự đồng hành của gia đình, xã hội giúp thai phụ hoàn thành nhiệm vụ sinh nở.

Để giảm thiểu các tai biến, hiểu biết của gia đình, xã hội đối với việc sinh nở rất quan trọng. Nó giúp cho người phụ nữ tự tin trong quá trình mang thai. Người phụ nữ biết mình có thể mắc nguy cơ nào, phải được chăm sóc ra sao? Thai nghén vào thời kỳ nào? Từ đó, họ tự chủ để có thai kỳ khỏe mạnh.

Gia đình có hiểu biết sẽ đồng hành cùng họ. Có những thai phụ không may mắn, trong quá trình mang thai họ rất cô đơn. Họ không được chăm sóc, hỗ trợ từ bố mẹ. Để giúp thai phụ có quá trình mang thai an toàn, ngoài bản thân thai phụ có kiến thức, gia đình và bạn bè phải bên cạnh, hỗ trợ họ.

Truyền thông qua rất nhiều kênh từ các thôn, huyện tỉnh đều có chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các đơn vị cũng có thể mời chuyên gia về sức khỏe sinh sản nói chuyện, tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ, các thai phụ để giúp thai phụ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé…

Nhà báo Diệu Bình: Xin cảm ơn chia sẻ của bà Minh Lý. Thưa ông Tiến Công, Quá trình mang thai, việc lựa chọn đơn vị chăm sóc thai kỳ và sinh nở là việc vô cùng quan trọng. Bác sĩ có lời khuyên gì dành cho sản phụ và gia đình trong vấn đề này?

{keywords}
BS. Nguyễn Tiến Công 

BS. Nguyễn Tiến Công: Theo ý kiến của tôi, việc chăm sóc thai kỳ và sinh nở vô cùng quan trọng. Do đó các sản phụ và gia đình nên lựa chọn một đơn vị chăm sóc thai kỳ cũng như việc sinh nở có uy tín, có niềm tin trong cộng đồng dân cư.

Để đạt được điều này, chúng ta phải xem xét xem cơ sở y tế đó có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại hay không? Thứ hai, đội ngũ cán bộ cơ hữu của cơ sở y tế đó có đảm bảo hay không? Cơ sở y tế phải công khai đội ngũ y tế của mình để người dân được biết để chọn.

Tiếp theo nữa là quy trình hoạt động của cơ sở y tế đó, có đảm bảo sự minh bạch, vô khuẩn, thực hiện đúng quy trình ban hành hay không? Điều đó rất quan trọng. Vì mình có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ tốt mà quy trình hoạt động không trơn tru, không đúng thì hiệu quả không cao.

Các bệnh viện càng phân khoa sâu, chuyên môn và cơ sở vật chất càng tốt, bộ máy tổ chức, đội ngũ y tế, quy trình sẽ tốt nhất có thể. Vì khi phân khoa sâu, sản riêng, sản thường riêng, sản bệnh lý riêng, sản nhiễm khuẩn riêng. Phân khoa thì khoa phụ nội riêng, phụ ngoại riêng, hỗ trợ sinh sản, tiêm chủng…

Nhà báo Diệu Bình: Nhiều độc giả VietNamNet bày tỏ lo ngại về vấn đề tiền sản giật - biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và bé. Xin bác sĩ Minh Lý cho biết dấu hiệu của tiền sản giật? Phương pháp điều trị của nó như thế nào, cách phòng tránh ra sao?

BS. Trần Thị Minh Lý: Các dấu hiệu của tiền sản giật dễ phát hiện. Khi một thai phụ trong quá trình mang thai, từ 20 tuần đã có thể phát hiện các nguy cơ tiền sản giật và sản giật.

Dấu hiệu đầu tiên hay gặp nhất là thai phụ thấy mình tăng cân nhanh, trong vài ba ngày có thể tăng 500 gam hoặc 1.000 gam. Thai phụ thấy mình giữ nước, mí mắt mọng, môi mọng, chân phù to, không đi dép được. Da bụng căng bóng ra kèm theo các xét nghiệm như siêu âm thấy nhiều dịch trong ổ bụng, đau đầu, khó chịu trong người. Khi đo huyết áp thấy cao huyết áp.

Một dấu hiệu nữa là buồn nôn. Nếu có cả buồn nôn, đau đầu là dấu hiệu nặng của tiền sản giật hoặc sản giật đến nơi rồi. Đó là triệu chứng lâm sàng, còn triệu chứng cận lâm sàng là kèm với huyết áp cao, huyết áp phập phù, nước tiểu ít. Xét nghiệm thấy protein niệu trong nước tiểu rất là cao. Bởi vì khi nhiễm độc thai nghén, đường bài tiết tiểu ra nhiều protein niệu. Protein niệu càng cao, bệnh càng nặng. Huyết áp càng cao, tiền sản giật và sản giật càng nặng.

Bệnh nhân càng đi tiểu ít, rõ là người bị phù lại đi tiểu ít, tăng cân do bị giữ nước ở hệ thống ngoại vi này làm người phụ nữ phì ra.

Nước tiểu ít, đi kèm chức năng thận kém, chức năng gan kém, men gan tăng, rồi thể nặng hơn khi siêu âm thấy phổi nhiều dịch, tim nhiều dịch, ổ bụng nhiều dịch, xét nghiệm máu thấy thiếu máu, tiểu cầu giảm. Chức năng thận thấy axít uric tăng. Cao hơn nữa sẽ thấy các yếu tố đông máu giảm.

Khi các triệu chứng cận lâm sàng rối loạn ở nhiều cơ quan thì bệnh càng nặng.

Nhiều trường hợp bệnh nhân không biết, họ kêu béo lên, đau đầu, mờ mắt… Nếu ta không xử lý nhanh, chỉ một lát sau, bệnh nhân có thể lên cơn tiền sản giật, lên cơn giật luôn. Nặng hơn, nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng có thể dẫn đến tiền hôn mê.

{keywords}
BS. Trần Thị Minh Lý 

Để phòng được nguy cơ tiền sản giật, chúng ta phải tuyên truyền tốt về sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, trong quá trình mang thai, các thai phụ phải đến các cơ sở y tế có chuyên môn quản lý thai nghén.

Hiện có rất nhiều các bà bầu chỉ đến siêu âm xem em bé có khỏe không nhưng những diễn biến của người mẹ lại không được quan tâm đến, không phát hiện ra phù, cao huyết áp, không phát hiện ra dấu hiệu rối loạn các cơ quan khác như vàng da…

Nếu gặp những vấn đề đó, thai phụ phải đến cơ sở y tế và được quản lý theo từng giai đoạn. Trong 3 quý của thai kỳ, mỗi quý quản lý thai nghén có đặc điểm riêng, có những sàng lọc phát hiện các yếu tố nguy cơ cao.

Ví dụ, hai vợ chồng cùng mang gen tan máu bẩm sinh, nguy cơ tiền sản giật rất cao. Lúc này, sản phụ phải được quản lý thai nghén ngay từ quý đầu tiên là 11 – 12 tuần. Để họ biết được họ phải quản lý thai nghén thế nào, sẽ phải sàng lọc thai nghén ra sao?

Có những trường hợp bà bầu mang một đứa trẻ dị tật nhưng họ không hề biết, họ phải được quản lý thai nghén để phát hiện ra, để biết em bé của mình có khỏe không. Em bé đó khỏe mạnh sẽ không sao nhưng nếu dị tật hoặc có những bất thường về phần phụ… những vấn đề đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, dễ dẫn đến tiền sản giật.

Trên nền người mẹ bị tiểu đường, bị bướu cổ, bị rối loạn chuyển hóa, nguy cơ tiền sản giật và sản giật rất cao. Những thai phụ này đến được cơ sở y tế ngay từ quý đầu tiên thì đã được sàng lọc những nguy cơ cao cho mình.

Đối tượng nào sẽ nguy cơ với tiền sản giật đây? Họ sẽ được quản lý thế nào? Được tư vấn ra sao? Sinh nở ở đâu để đảm bảo an toàn?… Tất cả các vấn đề đó là một quy trình quản lý thai nghén mà các đơn vị y tế nào cũng phải có và phải thực hiện. Tuy nhiên, với thai phụ, họ cần được tư vấn để hiểu rõ những vấn đề đó.

Một điều quan trọng là bác sĩ làm sao thuyết phục họ thực hiện đúng quy trình quản lý, sẽ kiểm soát được nguy cơ cao có thể xảy ra. Như vậy, những nguy cơ được phát hiện sớm, xử lý sớm sẽ tránh được tai biến xấu cho thai phụ.

Nhà báo Diệu Bình: Xin trở lại với BS Tiến Công. Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm đến 35%. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm có 14 triệu phụ nữ mang thai trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi băng huyết sau sinh. Xin ông cho biết thêm về nguy cơ này và cách phòng tránh cho các sản phụ?

BS. Nguyễn Tiến Công: Băng huyết sau sinh là một tai biến sản khoa hay gặp. Như tài liệu vừa nêu, có đến 35% các ca tai biến sau sinh. Việt Nam ta cũng có những công trình nghiên cứu, con số cũng chiếm khảng 35-40%. Điều đó chứng tỏ băng huyết sau sinh là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Để giải quyết được nguy cơ này, không phải ngày 1, ngày 2.

Đối với vấn đề băng huyết sau sinh, để phòng tránh cho sản phụ, có 2 khâu:

Thứ nhất: Về phía sản phụ và gia đình, chúng tôi khuyên tất cả các thai phụ nên đi khám và quản lý thai nghén, chọn cơ sở y tế quản lý thai nghén tốt, phải làm theo đúng chỉ định của các chuyên gia. Khám và tuân thủ điều trị.

Nếu quá trình khám và quản lý thai nghén mà có yếu tố nguy cơ thì sẽ được các chuyên gia tư vấn cũng như giới thiệu đến đúng cơ sở y tế đủ khả năng xử lý những vấn đề đó.

Thứ hai: Về phía cơ sở y tế. Trước tiên, với những thai phụ có nguyên nhân hay có nguy cơ dẫn đến băng huyết sau đẻ hay băng huyết trong quá trình sinh, các chuyên gia sẽ phải đưa ra phương án tốt nhất đối với thai phụ.

Có thể do thai phụ nhiều tuổi, đẻ nhiều lần, hoặc có u xơ tử cung, to hoặc quá trình chuyển dạ kéo dài.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân có thể gây băng huyết sau sinh và hiện tại chiếm tỉ lệ cao là rau tiền đạo. Đặc biệt là rau tiền đạo cài răng lược trên bệnh nhân có sẹo mổ cũ.

Khi có rau cài răng lược trên sẹo mổ cũ thì phải đến một cơ sử y tế thực sự lớn, có đầy đủ các chuyên ngành hỗ trợ như gây mê hồi sức, huyết học, cấp cứu, ngân hàng máu, đội ngũ phối hợp viên thực sự hùng hậu mới có thể cứu được.

Vì khi mổ những ca như vậy có nguy cơ chảy máu rất lớn. Nếu chảy máu nhiều sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tử vong cho thai phụ. Trong quá trình mổ, dễ dẫn đến tổn thương tạng, vì khi rau cài răng lược đâm xuyên, có thể đâm vào bàng quang, ruột hay tạng, vùng chậu.

Những vấn đề này mình đã biết trước nguyên nhân, nhưng một tỉ lệ lớn băng huyết sau sinh lại không nằm trong các nguyên nhân biết trước đó mà rơi vào thai phụ khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường.

Cho nên có nhiều trường hợp, sản phụ vào bình thường, khỏe mạnh, siêu âm con bình thường, đo huyết áp, xét nghiệm các chỉ số hoàn toàn bình thường nhưng băng huyết sau sinh có thể xảy ra mà không báo trước.

Vấn đề với cơ sở y tế là gì? Mình đã giải quyết những trường hợp có nguyên nhân rồi nhưng với những trường hợp mình tiên lượng là có khả năng xảy ra nguy cơ băng huyết thấp nhưng phải cảnh giác vì thấp không có nghĩa là không có.

{keywords}
 BS. Nguyễn Tiến Công

Vì các ca băng huyết xảy ra ở các đối tượng có nguy cơ thấp rất nhiều nên các cơ sở y tế phải theo dõi sát sao theo quy trình chuẩn quốc gia. Chúng ta phải theo dõi 2h đầu sau đẻ là 15 phút/lần, 15 phút xoa đáy tử cung 1 lần, theo dõi máu ra ở bỉm, khố thế nào? Theo dõi việc đi tiểu của sản phụ thế nào? Sau đó chúng ta theo dõi thưa hơn, là trong vòng 6h đầu, rồi giãn ra 24h đầu.

Kể cả sau 24h vẫn có nguy cơ băng huyết, nên vấn đề theo dõi hết sức quan trọng. Khi theo dõi tốt, chúng ta sẽ phát hiện sớm được việc băng huyết sau sinh. Từ đó chúng ta sẽ xử lý sớm và hạn chế tối đa tình huống băng huyết sau sinh quá nặng, gây nên tình trạng đông máu thứ phát do chảy máu quá nhiều, không hồi phục.

Chọn cơ sở quản lý thai nghén phù hợp, tuân thủ y lệnh

Nhà báo Diệu Bình: Nhiều độc giả đang theo dõi cuộc giao lưu đã gửi câu hỏi tới chương trình. Độc giả Lê Huân (Ninh Bình) xin hỏi BS Minh Lý: Thưa bác sĩ, vợ em đã sinh 3 lần bằng phương pháp đẻ mổ. Sau sinh, vợ chồng em có kế hoạch nhưng không may lại để dính bầu lần nữa. Lần mang thai này, em khá lo cho sức khỏe của vợ. Xin hỏi bác sĩ vợ em có thể gặp những nguy cơ gì trong lúc sinh hay không? Và gia đình em nên lưu ý những gì?

BS. Trần Thị Minh Lý: Chào anh Huân, vợ anh đã có 3 con rồi và lần mang thai này là nhỡ kế hoạch. Vậy làm sao để lần mang thai, sinh nở này tốt nhất cho thai phụ?

Điều anh quan tâm đến vợ mình rất đúng. Bởi vì tử cung của người phụ nữ khi mang thai 3 lần mà lại sinh mổ, chất lượng tử cung không thể bằng sinh thường hoặc mổ đẻ lần 1, lần 2. Cũng như một vết thương, một chỗ bị gãy tay, gãy đi gãy lại cùng 1 chỗ, rõ ràng là cái tay đó không khỏe.

Tử cung của người phụ nữ bình thường rất nhỏ nhưng khi mang thai, em bé to vượt trên rốn, cả thai lẫn nước ối, rau có thể lên đến 9.000 gam.

Khi tử cung giãn to như vậy, khi đẻ xong nó sẽ thu nhỏ lại, trở về giải phẫu bình thường. Nếu 3-4 lần phải căng giãn quá mức, độ co bóp sẽ kém, dẫn đến nguy cơ chảy máu trong khi mổ. Vợ anh đã mổ 3 lần rồi, chắc chắn không đẻ thường được nữa. Vì chất lượng tử cung không tốt, nguy cơ vỡ tử cung rất cao.

Đi kèm theo tất cả những tai biến khác mà bệnh nhân đẻ thường hay đẻ mổ 1 lần, 2 lần đều gặp phải. Trên cơ thể vợ anh đã 3 lần mổ thì nguy cơ đó đều cao hơn rất nhiều.

Vậy làm thế nào chăm sóc vợ anh được tốt nhất, cái chính là phải tuân thủ những lần quản lý thai nghén và chọn cơ sở quản lý thai nghén ở đâu cho tốt nhất.

Trường hợp này không thể quản lý thai nghén ở xã, ở trạm y tế xã được mà phải đến ít nhất là trung tâm y tế có cơ sở phẫu thuật và có bác sĩ chuyên khoa sâu về sản và nhi để chăm sóc.

Thêm vào đó, vì nguy cơ có vết mổ cũ 3 lần, nguy cơ vỡ tử cung rất cao. Trong những tháng cuối, cần phát hiện những dấu hiệu dẫn đến dọa vỡ tử cung và vỡ tử cung.

Ví dụ: Chưa đến ngày sinh nhưng thai phụ thấy đau bụng, đau ở ngang vết mổ, thấy thai cài xuống khó chịu, hoặc thấy căng, rát da… đấy là những dấu hiệu bất thường, phải đi khám sớm, để nhận được sự tư vấn của bác sĩ sản khoa. Có thể đưa thai phụ phải vào viện sớm, nằm theo dõi hoặc có nguy cơ mổ lấy thai sớm hơn khi tuổi thai chưa đủ, em bé phải chuẩn bị đó là tiêm trưởng thành phổi hoặc là phải đến cơ sở có đủ điều kiện chăm được sơ sinh non tháng tốt.

Đối với thai phụ, phải có một chế độ dinh dưỡng tốt, có sự động viên tốt.

Nhà báo Diệu Bình: Câu hỏi tiếp theo xin được dành cho BS Tiến Công. Trong các loại tai biến sản khoa, một số tai biến có dấu hiệu báo trước, cũng có một số tai biến xảy ra đột ngột, khó có thể lường trước. Để có một chu kỳ mang thai khỏe mạnh, quá trình sinh con an toàn, thai phụ cần làm những gì thưa ông?

BS. Nguyễn Tiến Công: Để một thai phụ có chu kỳ mang thai khỏe mạnh, sinh con an toàn, về phía thai phụ chúng tôi khuyên là nên khám tiền hôn nhân trước khi kết hôn.

Khi khám cả hai vợ chồng, sẽ tìm ra hai vợ chồng có bệnh lý tiềm tàng nào không? Đặc biệt là bệnh lý như bác sĩ Lý vừa nói là tan máu bẩm sinh. Bệnh đó khi khám có thể phát hiện ra bệnh và có thể phòng tránh được. Bệnh này để lại hậu quả lâu dài và nan giải.

Tiếp theo nữa, sau khi có thai, thai phụ phải quản lý thai nghén đầy đủ, chọn những cơ sở y tế đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn phù hợp với thai kỳ. Những thai kỳ nguy cơ phải quản lý ở những cơ sở y tế tốt hơn.

Tiếp theo, thai phụ phải tuân thủ những y lệnh điều trị của bác sĩ trong quá trình khám thai. Thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Ngoài ra, họ cần tái khám khi có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, gia đình nên chia sẻ, động viên để chuẩn bị chào đón một thành viên mới, giúp thai phụ có tinh thần thoải mái, tự tin, để chuẩn bị bước vào cuộc sinh có nhiều nguy cơ.

Cuối cùng là chọn cơ sở y tế phù hợp như chúng ta đã nói.

{keywords}
 Các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và Phú Thọ chia sẻ với độc giả về những nguy cơ, cách phòng tránh tai biến sản khoa, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ...

Nhà báo Diệu Bình: Xin tiếp tục chương trình với câu hỏi của độc giả Thu Hà (24 tuổi, Bắc Ninh) dành cho BS Minh Lý: Xin bác sĩ chia sẻ, trong quá trình mang thai, thai phụ phải thực hiện những mũi tiêm chủng nào? Với trẻ sơ sinh từ lúc chào đời đến 6 tháng đầu đời cần phải tiêm những mũi nào?

BS. Trần Thị Minh Lý: Đối với một thai phụ mang thai lần đầu, trong quá trình mang thai, phải tiêm phòng 2 mũi uốn ván. Mỗi mũi cách nhau 1 tháng và để có hiệu quả tốt nhất, thường tiêm vào quý 2 của thai kỳ và tiêm trước 1 tháng, trước khi sinh mới có hiệu quả.

Đối với một em bé sơ sinh mới ra đời, chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh bây giờ cũng như chương trình tiêm chủng quốc gia. Ngay sau khi ra đời, em bé được tiêm phòng viêm gan B, tiêm phòng lao. Tháng thứ 2, em bé được tiêm lại 5in1 (gồm 5 lại vắc-xin), có những cơ sở tiêm vắn-xin 6in1 (6 lại vắc-xin).

Cũng trong tháng thứ 2, các bé sẽ được uống thêm Rota, phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.

Tháng thứ 3, các em bé sẽ được nhắc lại 5in1 hoặc 6in1. Đến tháng thứ tư cũng vậy và đến tháng thứ 5, em bé sẽ tiêm thêm mũi cúm. Tháng thứ 6, các em bé được nghỉ ngơi.

Đến tháng thứ 9, bé sẽ được tiêm sởi, đến tháng thứ 12 được tiêm viêm não Nhật Bản.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Hải Hà cũng xin được dành cho BS Tiến Công câu hỏi như sau: Để phòng tránh tai biến sản khoa, trong quá trình mang thai bà mẹ cần thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ như thế nào thưa ông?

BS. Nguyễn Tiến Công: Theo chuẩn quốc gia, trong quá trình mang thai, thai phụ nên khám ít nhất 3 lần. Một lần trong 3 tháng đầu, một lần trong 3 tháng giữa, một lần trong 3 tháng cuối.

Tuy nhiên, với sản khoa hiện đại, chúng tôi khuyên nên khám theo lịch sớm hơn một chút. Hiện tại, chúng tôi khuyên lịch như sau:

Khám lần 1 khi chậm kinh để xác định xem có thai trong buồng tử cung hay chưa.

Khám lần 2: khi thai được khoảng 7 tuần để kiểm tra thai có tim thai hay chưa.

Khám lần 3 khi thai 12 tuần, đo độ mờ da gáy, sàng lọc dị tật, chẩn đoán trước sinh, làm xét nghiệm Doubletest, Nipt (chi phí cao hơn).

Khám thai lần 4 khi thai được 22 tuần, siêu âm hình thái của em bé lần đầu tiên.

Khám thai lần 5 khi thai 24-28 tuần, làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết.

Khám lần 6 khi thai 32 tuần, chúng ta siêu âm hình thái em bé để phát hiện ra bất thường có thể ở tuổi thai muộn.

Khám lần 7 khi thai 36 tuần, kiểm tra 1 lần nữa. Từ 36 tuần trở đi, chúng tôi khuyên 1 tuần khám 1 lần. 38 tuần khám 1 lần, 39 tuần khám 1 lần. Từ 39 tuần, nếu chưa chuyển dạ thì cần khám nhiều hơn, 39 tuần 3 ngày khám 1 lần, 40 tuần khám 1 lần. Nếu sau 40 tuần chưa chuyển dạ thì cần khám hàng ngày để theo dõi các chỉ số.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Lê An (27 tuổi, Nghệ An) gửi đến bà Minh Lý câu hỏi như sau: Cách đây 3 năm em sinh con trai đầu lòng bằng phương pháp đẻ mổ. Nay em mang thai cháu thứ 2. Lần này em muốn sinh thường liệu có được không thưa bác sĩ? Nhiều người nói rằng sinh thường có nhiều lợi ích hơn sinh mổ, xin bác sĩ cho ý kiến về nhận định này?.

BS. Trần Thị Minh Lý: Chào chị An, chị mới sinh mổ cách đây 3 năm, lần này chị sinh thường cũng là nguyện vọng rất tự nhiên, ai cũng muốn sinh thường để không mang vết mổ, nhất là đã mổ 1 lần rồi. Việc mổ cũng không phải tránh được hết tai biến nên sinh thường vẫn là tốt nhất và sinh lý nhất.

Tuy nhiên, sinh thường hay sinh mổ làm sao cũng phải an toàn cho cả mẹ và con. 
Với chị An có vết mổ cách đây 3 năm, tôi nghĩ việc chị muốn sinh thường vẫn có thể được nhưng phải quản lý thai nghén tốt và nếu có những dấu hiệu dọa vỡ tử cung thì không thể đòi sinh thường được. Lúc đó phải can thiệp kịp thời để an toàn cho cả hai mẹ con. Nếu không để vỡ tử cung ra, mẹ cũng không an toàn, chưa nói gì đến con.

Muốn xác định được như vậy, trong những lần quản lý thai nghén, đặc biệt là trong quý 2 và quý 3, chị nên quản lý thai nghén ở những cơ sở có khả năng phẫu thuật, bác sĩ sẽ nhận định được là chị có phát triển thai nghén bình thường hay không, mẹ có gì biến đổi đặc biệt không? Nếu bạn An xếp vào nhóm nguy cơ cao, đi kèm với bệnh lý khác hoặc lần trước không có gì nhưng lần này có nguy cơ cao chẳng hạn, với những tai biến, diễn biến xấu thì tôi khuyên để an toàn thì nên sinh mổ.

Nhưng nếu các yếu tố đó không có, thai nghén tốt, bác sĩ nhận định con ở mức độ vừa phải, không có biểu hiện đau vết mổ hoặc dạ vỡ vết mổ hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ, các yếu tố đều rất thuận lợi ở tuần cuối, nếu thai phụ có nguyện vọng sinh thường thì có thể đề đạt với bác sĩ.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào các khám xét cụ thể để đánh giá việc sinh thường có thuận lợi không? Nếu điều kiện thuận lợi, bác sĩ sẽ giúp chị sinh thường được.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa BS Tiến Công, thuyên tắc ối là một tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Sản phụ bị thuyên tắc ối có thể tử vong nhanh chóng. Xin ông cho biết vì sao thuyên tắc ối là tai biến sản khoa đáng sợ nhất và cách phòng tránh cho sản phụ.

BS. Nguyễn Tiến Công: Về thuyên tắc ối, bác sĩ Minh Lý cũng chia sẻ trước rồi. Tôi xin bổ sung thêm tại sao thuyên tắc ối lại là tai biến sản khoa đáng sợ nhất. Vì bản chất của thuyên tắc ối là nước ối và các tế bào trong nước ối của em bé vào tuần hoàn máu của mẹ và từ đó khởi phát quá trình. Tuy nhiên, nó khởi phát quá trình cấp tập ngay lập tức, từ đó dẫn đến suy tuần hoàn cấp và suy hô hấp ngay lập tức.

Chính vì vậy, nó làm cho thai phụ rơi vào suy hô hấp rất nhanh chóng, kèm theo đó, thai nhi sẽ tử vong theo.

Đây là tai biến sản khoa đột ngột, diễn tiến bất ngờ, chúng tôi cũng không biết khuyên thai phụ thế nào để phòng tránh.

Yếu tố nguy cơ không có nguyên nhân chính xác. Đây là tai biến hiếm gặp và nếu đã gặp, đa số là tử vong. Chỉ một số cơ sở y tế đủ năng lực để xử lý.

Cơ sở y tế có trang thiết bị tốt, đội ngũ phẫu thuật viên, bác sĩ theo dõi đầy đủ với quy trình theo dõi trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh để có biện pháp giảm thiểu được những hậu quả, còn nói tránh được thì rất khó.

Nhà báo Diệu Bình: Chương trình xin được tiếp tục với câu hỏi dành cho BS Minh Lý: Xin bà cho biết tầm quan trọng của thái độ hợp tác giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ? Sự can thiệp quá đà của người nhà bệnh nhân có phải là một áp lực với những người làm công tác hỗ trợ sinh sản?

BS. Trần Thị Minh Lý: Đây là vấn đề mà các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trong ngành sản khoa và phụ khoa luôn luôn lo lắng.

Khi thai phụ sinh nở, luôn có rất nhiều người nhà đi cùng, không những chồng mà còn mẹ đẻ, mẹ chồng, em chồng, đôi khi có nhiều sự mong đợi của gia đình với cuộc sinh nở này, mong chờ thêm một thành viên mới chào đời khỏe mạnh.

Chính vì mong muốn đó đã đè nặng lên các y bác sĩ. Vì như chúng ta vẫn nói, trong chửa đẻ có những biến động, những diễn tiến xảy ra không lường trước được.

Cái đó đôi khi nằm ngoài kiểm soát của bác sĩ. Tôi làm trong ngành Y đến nay là hơn 30 năm. Tôi nghĩ rằng, các bác sĩ có nhiều áp lực, đối với sản phụ sinh nở, sản phụ rất lo lắng. Người ta mong muốn rằng mình giúp cho họ cái gì đó một cách tốt nhất. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn làm điều tốt nhất cho thai phụ và đứa trẻ, làm sao để họ mẹ tròn con vuông. Như vậy, không chỉ bệnh nhân mừng, bác sĩ mừng mà ông bà cha mẹ cũng mừng.

Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng như mình mong muốn. Cũng có trường hợp bệnh nhân có thể đẻ được nhưng đòi đi mổ. Có bệnh nhân đủ chỉ định mổ nhưng người nhà vẫn đòi đẻ thường, họ bảo ngày xưa mẹ cũng đẻ như thế, giờ thì mổ nhiều vấn đề không hay.

Đó chính là áp lực với chúng tôi. Cho nên quan điểm của tôi, mình là bác sĩ, mình hiểu hơn hết cần làm gì để tốt cho thai phụ. Họ có nguy cơ cao, nguy cơ thấp trong cuộc sinh nở này thì mình sẽ tự tin tư vấn cho thai phụ thế nào là tốt nhất.

Tuy nhiên, không phải nói gì là người dân cũng nghe hết mà còn tùy thuộc vào tư duy, sự hiểu biết, hay quan điểm của gia đình thai phụ. Chính vì vậy, với ngành Y, đặc biệt là sản phụ khoa, sự can thiệp của người nhà cũng là áp lực với y bác sĩ.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa BS Tiến Công, một số bà mẹ mang thai có ý định sinh con tại nhà theo phương pháp “thuận tự nhiên”, quan điểm của ông về vấn đề này? Ông có thể chia sẻ thêm với độc giả những nguy cơ khi mẹ bầu tự sinh con tại nhà?

BS. Nguyễn Tiến Công: Việc sinh thuận tự nhiên là tự sinh và có nhân viên y tế hỗ trợ tại nhà?

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bác sĩ, đây là trường hợp sinh con tại nhà chỉ có gia đình và không có hỗ trợ của nhân viên y tế.

BS. Nguyễn Tiến Công: Theo như tôi và các chuyên gia sản phụ khoa, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Từ đầu chương trình chúng ta đã nói, quá trình sinh đẻ của phụ nữ ở trong bệnh viện đã nhiều nguy cơ, nếu sinh con ở nhà mà không có nhân viên y tế hỗ trợ càng nguy hiểm.

Các nguy cơ trong bệnh viện đã gặp mà xảy ra ở nhà thì nguy cơ tử vong càng cao.

Nếu sinh ở nhà, hay gặp nhất là chảy máu và nhiễm khuẩn. Cũng lâu lắm rồi chúng tôi không gặp ca uốn ván sau sinh nhưng nếu sinh ở nhà, rất dễ bị uốn ván.

Tôi khuyên các thai phụ không nên sinh con theo kiểu "thuận tự nhiên". Quá trình mang thai khỏe mạnh, con khoảng 3 kg, vùng chậu bình thường… tức là các bạn ấy tự tin là mình sinh được ở nhà. Nhưng hãy nhớ rằng băng huyết sau sinh nằm trong 2/3 không có nguy cơ. 30% - 40% tử vong là do băng huyết sau sinh.

Bây giờ sinh thuận tự nhiên ít nhưng sau này thành trào lưu sẽ rất nguy hiểm. Chắc chắn sẽ có nghiên cứu về nguy cơ của việc sinh con thuận tự nhiên này.

Nhà báo Diệu Bình: Chương giao lưu trực tuyến của báo VietNamNet với chủ đề ‘“Nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản để giảm thiểu tai biến sản khoa” đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn các khách mời đã tham gia cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại!