Ông Francois Painchaud - Đại diện IMF tại Việt Nam tại khóa đào tạo“Quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Ảnh: mof.gov.vn |
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính và Văn phòng phát triển năng lực IMF tại Thái Lan (CDOT), đầu tháng 10, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) phối hợp với Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và CDOT tổ chức khóa đào tạo với chủ đề “Quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Theo tin từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, tham gia khóa đào tạo có các chuyên gia của IMF; đại diện Bộ Tư pháp, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia…; đại diện các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ Tài chính.
Nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tài chính công ở nhiều quốc gia trên thế giới, khóa đào tạo tập trung giới thiệu, chia sẻ về mô hình cung cấp dịch vụ - lợi ích, chi phí và rủi ro; Khung pháp lý, trách nhiệm giải trình và các đơn vị tự chủ; Chi phí và giá cả để cung cấp dịch vụ hiệu quả; Cải thiện hiệu suất khu vực công ở châu Á - Thái Bình Dương; Điều kiện và khả năng thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; cũng như công tác quản lý hiệu quả và báo cáo từ các cơ quan chính phủ…qua đó nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, lãnh đạo Viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết nhằm tạo ra khung pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt đông của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện tốt sẽ là tạo tiền tề quan trọng cho việc thay đổi cách thức, phương thức quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân, hỗ trợ quá trình cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được nghiên cứu để khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới.
Đại diện IMF tại Việt Nam, ông Francois Painchaud cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh cải cách tài chính công, đặc biệt chú trọng tới phát triển tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ công, xây dựng khung pháp lý về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế quản trị, đa dạng hóa nguồn lực và dịch vụ công… nhằm cao chất lượng hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Francois nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường năng lực nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại thông qua việc hoàn thiện luật pháp, thể chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin…
Thông qua các nội dung trong khóa đào tạo, các học viên đã được cập nhật thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về cải cách tài chính công từ các chuyên gia đến từ IMF và Bộ Tài chính. Các bài giảng giúp các học viên phân biệt cải cách khác nhau mà chính phủ các nước đã thực hiện; cũng như lợi ích, chi phí và rủi ro của những cải cách này; thảo luận về nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan chính phủ trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ rõ vai trò của các khung cạnh tranh và đánh giá chức năng trong việc định giá dịch vụ công; những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của mô hình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (các yếu tố đầu ra, tính đối xứng thông tin, khả năng tự quản lý…); đưa ra các phương pháp tiếp cận để tích hợp thông tin về hiệu suất tài chính và phi tài chính vào các quyết định quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, các học viên đã cùng nhau thảo luận theo nhóm những sáng kiến cải cách khu vực công ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó có nhìn nhận, đánh giá khách quan và rút ra những bài học kinh nghiệm đối với quá trình đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam.
Nhiều ý kiens cho rằng, để quá trình này có hiệu quả, trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như hoàn thiện các văn bản pháp luật, thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thưc, nâng cao trình độ cho các cán bộ đang tham gia công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí…