Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công kính thiên văn quang phổ hạt nhân lên quỹ đạo Trái đất. Sứ mệnh của kính thiên văn này là tìm kiếm các lỗ đen trong vũ trụ.
Ảnh mô hình của kính thiên văn quang phổ hạt nhân (NuSTAR).

Ngày hôm qua (13/6), tên lửa mang theo kính thiên văn quang phổ hạt nhân (NuSTAR)  đã được phóng thành công từ chiếc máy bay máy bay L-1011 Stargazer trên bầu trời ngoài khơi hòn đảo Marshall, Mỹ. Sau đó, kính thiên văn NuSTAR đã tách khỏi tên lửa đẩy để bay vào quỹ đạo Trái đất.

Mục đích của Chương trình Kính thiên văn NuSTAR là nghiên cứu các hiện tượng giàu năng lượng trong vũ trụ, bao gồm các cụm thiên hà, lỗ đen và các vụ nổ của các ngôi sao khổng lồ. Ngoài ra, NASA cũng cho biết NuSTAR sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và sức nóng của Mặt trời.

“Kính thiên văn NuSTAR sẽ chúng ta tìm kiếm những lỗ đen giàu năng lượng và khó phát hiện nhất trong vũ trụ. Điều sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cấu trúc của vũ trụ”, tiến sĩ Fiona Harrison, người đứng đầu Chương trình kính thiên văn NuSTAR, cho biết trên Telegraph.

Kính thiên văn NuSTAR được thiết kế với 133 mảnh gương ở mỗi hai đơn vị quang học. Sau khi bay vào quỹ đạo Trái đất khoảng 1 tuần, cột ăng ten dài hơn 10m của kính thiên văn này sẽ bung ra, nâng tổng chiều dài của NuSTAR tương đương một chiếc xe bus.

Tiến sĩ Harrison, thuộc Viện công nghệ California (Mỹ), cũng cho biết NuSTAR là kính thiên văn đầu tiên sử dụng dải sóng  X năng lượng cao để chụp ảnh vũ trụ. Với công nghệ này, NuSTAR có thể chụp được những bức ảnh nhanh hơn 10 lần và có độ sắc nét cao hơn 100 lần so với bất kỳ kính thiên văn không gian đang hoạt động hiện nay. Dự kiến, NuSTAR sẽ gửi dữ liệu đầu tiên về Trái đất trong 30 ngày nữa.

Trong quá trình hoạt động trên quỹ đạo Trái đất, kính thiên văn NuSTAR cũng sẽ hoạt động phối hợp cùng với các kính viễn vọng khác đã vận hành trong vũ trụ, bao gồm kính quan sát tia X Chandra của NASA -  theo dõi các tia X với cường độ năng lượng thấp hơn.

“NuSTAR sẽ mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới vào vũ trụ và sẽ cung cấp những dữ liệu quan trong cho những sứ mệnh lớn hơn, bao gồm kính thiên văn  Fermi, Chandra, Hubble và Spitzer”, tiến sĩ Paul Hertz, giám đốc Phòng Vật lý học Thiên thể của NASA, nhận định.

Hà Hương