Mối lo của toàn xã hội

Bạo lực học đường không chỉ là nỗi lo của các bậc phụ huynh, nhà trường mà còn là của toàn xã hội, đòi hỏi phải sớm có giải pháp để ngăn chặn.

{keywords}
Ảnh minh họa: Internet

Chỉ vì vài chuyện bất hòa nho nhỏ hàng ngày mà nhiều học sinh sẵn sàng hành hung bạn học ngay trong trường. Điều đáng buồn hơn là không ít bạn trẻ đứng vây quanh chứng kiến nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn dùng điện thoại quay video, đăng tải lên mạng xã hội.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, học sinh cấp THCS, THPT trong độ tuổi có sự chuyển biến về mặt tâm lý, chỉ cần những tác động kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo. Ngoài ra, từ góc độ gia đình, bạo lực học đường dễ xảy ra ở những học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ và người thân; gia đình không hạnh phúc, đặc biệt là học sinh hứng chịu bạo lực gia đình.

Nhiều nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập… Đáng buồn hơn thủ phạm lại chính là những người bạn chung ghế nhà trường và cả những người chứng kiến bạo lực nhưng thay vì ngăn cản hành vi xấu lại thờ ơ, vô cảm, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng câu like.

Bạo lực học đường giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài xã hội và trên mạng. Dễ dàng tìm kiếm trên Internet những phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực… và chính những sản phẩm giải trí lệch lạc đó đã đưa các em lạc vào thế giới của văn hoá bạo lực với tư tưởng, lối sống tiêu cực - kẻ mạnh là kẻ chiến thắng bất kể đúng sai.

Mạng xã hội “cổ súy” nạn bạo lực học đường?

Có một thực tế đang xảy ra là ngay sau khi một vụ bạo lực học đường được phát tán lên mạng xã hội như Facebook, YouTube…, dân mạng sẽ ráo riết truy lùng thông tin, hình ảnh, trang cá nhân của cả thủ phạm và nạn nhân.  Động thái tiếp theo thường là rêu rao thông tin về họ rồi tràn vào trang cá nhân tấn công bằng những lời lăng mạ, xúc phạm mà không cần kiểm chứng đúng sai.

Sau khi trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, các nạn nhân thường có những hành động thiếu suy nghĩ như trốn tránh tiếp xúc và rơi vào trạng thái trầm cảm, bỏ nhà ra đi, thậm chí là tự tử…

Rõ ràng là từ việc giúp phanh phui các vụ bạo lực học đường và gây sức ép tới việc xử lý cho cơ quan chức năng, chính mạng xã hội cũng trở thành con dao hai lưỡi khi tạo áp lực tinh thần nặng nề lên những đứa trẻ. Các em sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối diện với gia đình, bạn bè, những người ngoài phạm vi tương tác mạng xã hội đã xem clip đó. Những bạn trẻ này có thể bị sang chấn tâm lý do sức ép lớn từ cộng đồng.

Vô hình chung những nút like, share của cư dân mạng đã tiếp tục đẩy sự việc đi quá xa… Chưa kể, khi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng, nhiều người vô can bỗng nhiên bị hàng nghìn người lạ.. "ném đá" nhầm. Và đôi khi chính những video về bắt nạt học đường nhan nhản trên Facebook lại "cổ vũ" những kẻ đi bắt nạt khác xem rồi bắt chước.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng sinh ra một kiểu bắt nạt mới là gièm pha, nói xấu nhau trong nhóm chat hay công khai “bóc phốt”, tung ảnh "dìm hàng".

Các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo cho người dùng mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ như sau: Không đưa những thông tin cá nhân lên Facebook, đặc biệt thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc ngoài đời; Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội; Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội; Không chia sẻ ảnh của người thân, đặc biệt ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ, điều này có thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho chính các em.

Về phía nhà trường, ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học thì cần tăng cường tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh, nhất là giáo dục kỹ năng sử dụng và cách ứng xử trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần siết chặt vấn đề an toàn không gian mạng, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trang tin, kênh sản xuất video bẩn, độc hại, ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.

Linh Đan (Tổng hợp)

Trẻ em không nên lập tài khoản trên mạng xã hội

Trẻ em không nên lập tài khoản trên mạng xã hội

Theo Sở TT&TT Yên Bái, trẻ em không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống