Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã xây dựng và triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa xã hội nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia. Song song đó, Phòng Cảnh sát hình sự chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm như massage, karaoke… 

img 4684 1.jpg
Các cấp, các ngành trong tỉnh Bình Dương chung tay đấu tranh với tội phạm mua bán người. 

Hiện nay, các lực lượng chức năng đang tăng cường quản lý, kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhằm phòng, chống tội phạm nói chung và mua án người nói riêng lợi dụng ngành nghề này để hoạt động phạm pháp.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 200 cơ sở kinh doanh massage. Trong 7 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính đã kiểm tra 159 lượt cơ sở massage, qua đó đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 66 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 10 cơ sở do để xảy ra hành vi kích dục cho khách.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản gửi đến các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thị, thành phố về việc tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, massage và nhắc nhở không sử dụng lao động khi chưa đủ tuổi. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tuyên truyền đến các khu nhà trọ, lực lượng thanh niên công nhân các quy định của pháp luật về độ tuổi lao động và quyền lợi của người lao động.

“Thời gian tới, cán bộ Sở sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất để phòng ngừa, hạn chế sử dụng người lao động chưa đủ tuổi; nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt nghiêm. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là nơi cha mẹ có thể báo tin, tư vấn các vấn đề về trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nói.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công nhân lao động, nhất là lao động nữ bị mất việc sớm có việc làm, không để đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ. Theo đó, Liên đoàn Lao động đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để thông báo rộng rãi thông qua các trang thông tin chính thống của công đoàn tỉnh và cơ sở. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình người lao động thông qua công đoàn cơ sở để có biện pháp hỗ trợ, động viên kịp thời các lao động bị mất việc, đặc biệt là lực lượng lao động nữ để họ không bị các đối tượng xấu lừa khi tìm việc.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong toàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động hoạt động truyền thông nhằm từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân trước tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đăng tải nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh; thông tin các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người trên trang thông tin điện tử và trang fanpage của hội.

Song song đó, Tỉnh hội chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị, thành phố trực thuộc tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ và người thân biết để phòng ngừa; phát động hội viên tham gia các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phát triển công tác xã hội”, “Chung tay phòng, chống ma túy”… do ngành tư pháp và Trung ương hội tổ chức.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên - Tuyên truyền viên quý III/2023 cho hơn 350 đại biểu là cán bộ hội chuyên trách 3 cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện, cơ sở tham dự; tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 cho hơn 150 cán bộ, hội viên phụ nữ và báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Thuận An. Hội viên, phụ nữ cũng được hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Phòng, chống xâm hại trẻ em” trên điện thoại hệ điều hành Android theo văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo KH56 Công an tỉnh và tổ chức phiên tòa giả định về vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp Đài Truyền thanh địa phương cùng cấp thường xuyên phát những thông tin liên quan đến công tác phòng chống mua bán người, giúp người dân nhận diện phương thức và thủ đoạn để phòng ngừa. Bên cạnh đó, các cấp hội quan tâm công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, chú trọng đến đời sống những gia đình có phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ di cư không có thông tin về gia đình… quan tâm đến các chi hội thanh niên công nhân, phụ nữ làm ăn xa quê; tổchức sinh hoạt các chi hội thanh niên công nhân gắn với tuyên truyền các thủ đoạn mua bán người ra nước ngoài hiện nay để người dân cảnh giác, không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Quỳnh Nga

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV