Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có khoảng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn được xây dựng. Trong đó, trồng lúa 516,9 nghìn ha, chiếm 89,2%, với khoảng 619 nghìn hộ tham gia.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có diện tích sản xuất lớn nhất với 427,8 nghìn ha, chiếm 73,9% diện tích cánh đồng lớn của cả nước; vùng Đồng bằng sông Hồng có 67,6 nghìn ha, chiếm 11,7%.
Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống.
Cụ thể, ở ĐBSCL mỗi hecta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10% đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20%-25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Trong khi, ở miền Bắc giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17% đến 25% tùy theo từng địa phương.
Tỷ lệ diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất đạt 27%, trong đó có đến 12/48 tỉnh đạt 100%, 9/48 tỉnh đạt dưới 10%.
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, Căn cứ Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9 năm 2020, trong đó, có đề xuất nội dung sửa đổi về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp: hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Cánh đồng lúa hữu cơ ở Quảng Trị đem lại thu nhập cao cho người nông dân nơi đây |
Trao đổi với báo chí về câu chuyện làm cánh đồng lớn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn là sản xuất manh mún nhỏ lẻ với hàng chục triệu mảnh ruộng. Thế nên, nông sản làm ra thường khó bán, chất lượng không đồng đều, yếu về khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu do không đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc làm cánh đồng lớn, ở đó người dân và doanh nghiệp bắt tay nhau làm sẽ tạo thành chuỗi dưới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, từ đó, khắc phục được những điểm yếu trên. Nông sản làm ra trên quy mô lớn, chất lượng đồng đều, kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi tham gia doanh nghiệp sẽ bao tiêu được đầu ra sản phẩm nông sản cho người nông dân, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thậm chí, khâu chế biến sau thu hoạch cũng được doanh nghiệp đầu tư làm tốt hơn nên giá trị gia tăng đem lại chắc chắn sẽ cao hơn việc chúng ta bán nông sản thô hoặc mới qua sơ chế.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, làm cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi sản xuất từ trồng trọt đến chế biến là xu hướng tất yếu. Chúng ta phải làm ngay chứ không thể mãi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa để rồi hàng bán nhiều mà tiền thu ít.
Bộ trưởng dẫn chứng, tại Quảng Trị, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã quyết định làm cánh đồng lớn sản xuất lúa hữu cơ. Hiện nay cánh đồng lúa hữu cơ 600 ha của Quảng Trị đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ở đó, không chỉ môi trường sống được thay đổi mà thu nhập của người nông dân cũng tăng cao. Lúa thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu ngay tại bờ, tiền được thanh toán luôn cho người nông dân.
Đặc biệt, doanh nghiệp thu mua lúa chế biến đã tạo được ra thương hiệu riêng cho địa phương. Các phụ phẩm từ gạo cũng được tận dụng làm sản phẩm bán được với giá rất cao.
Tương tự, Bộ trưởng Cường cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư phát triển cánh đồng lớn.
Song, theo ông Cường, muốn làm cánh đồng lớn, trước hết phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên. Các chính sách hướng đến: tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, theo mô hình liên kết “cánh đồng lớn” đặc trưng từng vùng miền;
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp “đầu tàu”; thực hiện miễn, giảm thuế, thúc đẩy tín dụng ưu đãi và triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.
Bài: Nguyễn Mai Hạnh Linh - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc - nhóm PV