Mỹ không được dung thứ cho việc Trung Quốc sử dụng quân sự để áp chế trong nỗ lực theo đuổi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại các vùng biển Đông Á, các nghị sĩ Mỹ khẳng định trong buổi điều trần hôm qua.
Sự quả quyết của Bắc Kinh khiến các nước láng giềng bất an và thách thức an ninh Mỹ. Ảnh: Defence
Họ cảnh báo rằng, sự quả quyết của Bắc Kinh khiến các nước láng giềng bất an và
thách thức an ninh Mỹ.
Trong khi đó, một phái viên Philippines tại Washington đã chỉ trích sự “xâm lấn”
của Trung Quốc. Gần đây, việc Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không
bao gồm quần đảo tranh chấp với Nhật tại Hoa Đông, cũng như áp đặt quy định đánh
bắt mới trên phần lớn diện tích Biển Đông, đã làm dấy lên quan ngại rằng, nỗ lực
vươn mình trở thành cường quốc khu vực của Trung Quốc có thể tạo dựng sự đối
đầu.
Các nghị sĩ Hạ viện chịu trách nhiệm giám sát chính sách Mỹ ở châu Á cũng như
việc Mỹ sử dụng sức mạnh biển thế nào đã tổ chức một phiên điều trần chung để
cân nhắc về phản ứng của Washington. Hiện có quan ngại rằng, Mỹ có thể bị hút
vào một cuộc khủng hoảng xung quanh tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Trung Quốc
bởi Mỹ có các hiệp ước phòng thủ song phương với cả Nhật và Philippines.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve Chabot của Ohio mô tả hành động của Trung Quốc là “gây
hấn nguy hiểm” và Bắc Kinh đang nỗ lực có được vùng tranh chấp bằng vũ lực
với “hy vọng sai lầm rằng Nhật, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp
thuận”.
Đưa ra thông điệp thẳng thắn và mạnh mẽ, hạ nghị sĩ Dân chủ Ami Bera của
California khẳng định “các động thái khiêu khích và đe dọa của Trung Quốc để
khẳng định tuyên bố chủ quyền hàng hải là không thể chấp nhận được”. Nghị sĩ
Cộng hòa Randy Forbes của Virginia nói: “Mỹ hoàn toàn không được dung thứ cho
tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như hình thức áp chế quân sự của
họ nhằm thay đổi hiện trạng khu vực”.
Thể hiện sức bền
Quan điểm của các nghị sĩ Mỹ phản ánh mối lo ngại phổ biến ở
Washington về những mục tiêu của Trung Quốc khi họ thách thức ưu thế quân sự bấy
lâu nay của Mỹ ở châu Á.
Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông vào
cuối tháng 11, đòi các máy bay nước ngoài phải thông tin cho nhà chức trách
Trung Quốc. Mỹ phản ứng bằng cách điều động máy bay ném bom B-52 tới đây và
tuyên bố không chấp thuận Vùng nhận diện. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ
trích quy định đánh bắt của Trung Quốc tại Biển Đông là “khiêu khích và nguy
hiểm”. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn lớn tiếng tuyên bố rằng họ chỉ có ý định hoà
bình và muốn Mỹ tránh xa tranh chấp lãnh thổ.
Washington thì nhấn mạnh có lợi ích trong tự do hàng hải và thương mại khắp châu
Á - Thái Bình Dương. Nhà Trắng đã thực thi chiến lược gia tăng hiện diện quân sự
Mỹ trong khu vực và gần đây thông báo gói hỗ trợ an ninh mới trị giá hàng chục
triệu USD cho một số nước Đông Nam Á.
Theo Bonnie Glaser, một chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến
lược và quốc tế, phản ứng của Mỹ trước hành động áp chế của Trung Quốc sẽ là
biện pháp quan trọng, thể hiện hiệu quả chính sách hướng về châu Á của chính
quyền Obama, cũng như giúp các nước đánh giá về “sức bền” của Mỹ trong khu vực.
Đại sứ Philippine Jose Cuisia Jr. nói với báo giới tại Washington hôm thứ hai
rằng, Manila muốn xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng “không thể chấp nhận”
việc Trung Quốc đang ngăn chặn các ngư dân bản địa hoạt động trong vùng đặc
quyền kinh tế của chính Philippines. Cuisia nói, để tránh đối đầu, Philippines
đã khuyến cáo ngư dân tránh xa những khu vực chịu ảnh hưởng của quy định đánh
bắt mới trong khi chờ làm rõ chi tiết từ phía Bắc Kinh. Manila vẫn tiếp tục theo
đuổi vụ kiện Trung Quốc ra toà án biển quốc tế vì những “yêu sách chủ quyền thái
quá”.
Thái An (theo AP)