"Có một đặc điểm chung là bất kể Đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều không có được chính sách đối ngoại và an ninh nhất quán", TS. Nguyễn Việt Phương nói tại Tọa đàm giới thiệu ấn phẩm "Hiểu về Trump", vài giờ trước khi vị Tổng thống này đặt chân xuống sân bay Nội Bài, chuẩn bị dự Hội nghị Mỹ - Triều lần 2.

Là vị Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà, ông Donald Trump có cái nhìn khác biệt về vấn đề này. Tóm gọn lại, ông ta phi truyền thống trong hầu hết các vấn đề truyền thống về mặt an ninh, đối ngoại của Hoa Kỳ.

Xét về kết quả trong chính sách an ninh và đối ngoại, TS. Phương cho biết ông Trump với 2 năm tại nhiệm có phần vượt trội hơn 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

"Ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng Obama là Tổng thống được dân chúng Mỹ yêu thích nhưng thực chất giới học giả không đánh giá cao ông ta, đặc biệt là về chính sách đối ngoại và an ninh", ông Phương nói.

"Việc ông Obama để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa trong 8 năm của mình cũng bị coi là một thất bại", TS. Phương cho biết.

Với ông Trump, trong 2 năm cầm quyền, vị này cũng gặp một số thất bại tương tự người tiền nhiệm nhưng ông cũng đồng thời giải quyết được một vấn đề khó nhằn của nước Mỹ. Vấn đề Trung Quốc và Triều Tiên là hai trong số những thành công của Tổng thống Trump.

"Cách tiếp cận phi truyền thống đã giải quyết được nhiều vấn đề an ninh đối ngoại hơn", ông Phương nói.

Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Việt Phương để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến Triều Tiên và bản thân vị Tổng thống "phi truyền thống" của Hoa Kỳ.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Theo ông, khi đàm phán tại Hà Nội, những vấn đề nào sẽ được ông Donald Trump và ông Kim Jong Un nhượng bộ?

Về phía Mỹ, sự nhượng bộ theo tôi nghĩ sẽ thuộc về các vấn đề hỗ trợ nhân đạo. Trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an, việc cấm vận sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên thực sự xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, đấy là điều không thể trong thời điểm hiện tại. Do vậy, có thể Mỹ dù rất cứng rắn trước đó nhưng có sẽ cởi mở hơn về vấn đề này sau cuộc gặp.

Thứ hai là nhượng bộ về vấn đề hợp tác kinh tế song phương liên Triều. Trong cuộc gặp năm ngoái với ông Kim Jong In tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in được tháp tùng không chỉ là các quan chức mà còn bởi các đại diện doanh nghiệp như Samsung, LG, SK. Ngay sau đó, các ngân hàng Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch mở chi nhánh tại Triều Tiên.

Tuy nhiên, hoạt động này đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lên tiếng đề nghị dừng. Như vậy, rất có thể Mỹ sẽ có động thái nới lỏng, cho phép Hàn Quốc gián tiếp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế với Triều Tiên, thay vì tương tác trực tiếp.

Còn về Triều Tiên, phải nói rằng kể từ Hội nghị tại Singapore, phía nhượng bộ chủ yếu là nước này, không phải Mỹ. Họ đã nhượng bộ đáng kể trong việc phá hủy một số cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn là của Bình Nhưỡng mà không có sự giám sát nhất định từ bên ngoài. Do vậy, tôi cho rằng rất có thể họ sẽ đồng ý về việc mở văn phòng đại diện tại đây.

Nhưng theo tôi, quan trọng hơn nữa, Triều Tiên có thể cho phép cơ quan năng lượng quốc tế thanh sát từ nước thứ 3 để giám sát hoạt động phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon (tỉnh Bắc Pyongan).

Vậy đâu là điểm cấm kỵ, nhạy cảm của lãnh đạo hai nước, khiến cho việc đàm phán có thể không thành công?

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Thực ra việc hai bên quyết định tổ chức Hội nghị lần thứ 2 chứng tỏ họ cần có nhau. Rất ít có khả năng hai bên đang đàm phán mà hủy bỏ rồi ra về.

Tuy nhiên, về vùng cấm, thì với Mỹ, mọi người hay nhắc đến việc nếu Mỹ - Triều ký hiệp ước chiến tranh thì Mỹ có rút quân khỏi Hàn Quốc không. Đó là vùng cấm. Trong thời điểm trước mắt, Mỹ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc. Mỹ sẽ không nhắc đến điều này trong đàm phán.

Còn với Triều Tiên, vùng cấm lớn nhất của họ chính là buộc Bình Nhưỡng phải ký một thỏa thuận xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Ông Kim Jong Un sẽ không làm việc đó vì chương trình hạt nhân và tên lửa vẫn là xương sống cho an ninh và tồn vong chế độ của Triều Tiên.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 4.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trước nay là đàm phán 6 bên, giờ chỉ là 1 – 1, gồm Mỹ - Triều. Vậy mô hình nào sẽ tốt hơn?

Đàm phán 6 bên gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản là của giai đoạn trước. Kết quả của hình thức này thực sự không hiệu quả nên có thể trong thời gian tới sẽ là đàm phán song phương giữa Mỹ - Triều Tiên và có thêm sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc.

Ở đây có một điểm mà mọi người nên hiểu, Triều Tiên không muốn đàm phán vấn đề hạt nhân với bất cứ quốc gia nào khác ngoại trừ Mỹ. Trong khi đó, trước đây Mỹ lại muốn lôi kéo các nước đồng minh và một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nga vào câu chuyện này. Thực sự thì sự ảnh hưởng và mức độ quan tâm của các nước này với vấn đề khủng hoảng hạt nhân là không lớn.

Điều này có nghĩa là Triều Tiên "chọn" Mỹ? Và nguyên nhân là chỉ nước này mới giải trừ được cấm vận cho Bình Nhưỡng?

Việc bỏ cấm vận hay không phụ thuộc vào các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong số các thành viên thì Nga và Trung Quốc đến nay đã bày tỏ thái độ là muốn dỡ bỏ cấm vận cho Triều Tiên, hoặc ít nhất là nới lỏng. Như vậy, Hoa Kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Một khi nước này chấp nhận bỏ cấm vận thì các đồng minh của họ, như Anh, Pháp... sẽ dễ dàng bị thuyết phục.

Tại sao Triều Tiên nhắm đến Mỹ? Vì đối với chiến lược của Bình Nhưỡng, mối đe dọa tồn vong lớn nhất cho họ đến từ quân đội Hoa Kỳ chứ không phải Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì vậy, trong bất cứ đàm phán nào liên quan đến chương trình hạt nhân, an ninh cốt lõi của Triều Tiên, Bình Nhưỡng chỉ muốn đàm phán với Washington.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 5.

Nhiều phân tích chỉ ra rằng kết quả đạt được ở Hà Nội sẽ cụ thể và có phần lạc quan hơn những gì đã diễn ra tại Singapore. Nhưng giả sử ở tình huống xấu nhất, điều gì có thể xảy đến?

Xấu nhất có thể là dừng đàm phán nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Chính quyền Trump sẽ không tổ chức một hội nghị mà không mang lại nhiều giá trị. Trump vẫn muốn có cuộc đàm phán tại Hà Nội có nghĩa là ông ta có mục tiêu đạt được kết quả gì đấy. Chắc chắn, họ sẽ cố gắng đạt được một số đồng thuận nhất định. Khả năng không đạt được tuyên bố chung cũng rất thấp.

Vấn đề Triều Tiên cũng là một động thái "đánh" vào công chúng Mỹ, tương tự các hành động liên quan đến Trung Quốc, Syria... Ông Trump là người có đầu óc kinh doanh nên ông ta sẽ chú tâm đến những mục tiêu đạt được trước mắt, trong ngắn hạn. Nếu ông ta làm được, ông ta sẽ chứng minh được sự tương phản rất lớn với sự thất bại của ông Obama trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên trong suốt 8 năm qua.

Do vậy, tôi nghĩ không có kịch bản gì xấu với đàm phán Mỹ - Triều.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 6.

Về góc độ đàm phán, ông nghĩ sao về Chủ tịch Kim Jong Un đối thủ của Tổng thống Donald Trump?

Ông Kim Jong Un là người tương đối năng động nếu so sánh với người cha Kim Jong Il. Năng động, chủ động ở đây là việc trước năm 2017, ông ta đã tự đóng toàn bộ kênh đàm phán với các quốc gia khác để tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đến khi chương trình này đạt thành quả nhất định, cũng chính ông đã chủ động mở ra việc đàm phán.

Mọi người rất hay nhắc đến vai trò của ông Moon Jae-in trong việc thúc đẩy đàm phán Triều Tiên nhưng thật ra chính bản thân Kim đã chủ động cho việc này.

Nó chứng tỏ rằng chính sách của ông Kim không phải là tạm thời mà nằm trong bức tranh tổng thể của Triều Tiên nhằm cải tổ kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Những điều này chỉ đạt được khi cấm vận, áp lực ngoại giao, an ninh được giảm bớt.

Theo tôi, ông Kim có chính sách ngoại giao nhất quán. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều điểm khó đoán trong các chính sách này. Ví dụ trước Hội nghị tại Singapore, ông ta dọa bỏ, sau đó mới quyết định quay lại. Hay trước Hội nghị lần này, ông ta cũng từng tuyên bố nếu Hoa Kỳ không dỡ bỏ cấm vận thì không đàm phán nữa.

Những động thái đó cho thấy Kim và cấp dưới của ông luôn muốn ở phía trên khi đàm phán. Đây là một điều không hề dễ dàng trong việc đối thoại, thương lượng với Mỹ mà không một quốc gia nào trên thế giới đạt được.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 7.

Người dân Mỹ có ủng hộ chính sách với Triều Tiên của ông Trump hay không?

Họ không quan tâm lắm về vấn đề Triều Tiên. Thời điểm đầu tiên mà công chúng Mỹ bắt đầu chú ý đến quốc gia này là vào năm 2017 khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa đạn đạo có khả năng chạm đến Hawaii và bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Lúc đó, dân Mỹ mới nói đến Triều Tiên. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nước Mỹ có quá nhiều vấn đề đối nội buộc người dân phải lưu tâm nên câu chuyện Triều Tiên không thực sự là mối bận tâm chính.

Ở Mỹ, các vấn đề nội bộ, đối nội mới là trọng tâm của câu chuyện chính trị chứ không phải đối ngoại. Ngoài ra, Triều Tiên là vấn đề quan tâm hàng đầu của năm ngoái - năm 2018. Kể từ cuối 2018 đến nay thì vấn đề quan tâm hàng đầu tại Mỹ là Trung Quốc.

 Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 8.

Vậy xét về góc độ kinh tế, đời sống, người dân Mỹ có hài lòng với ông Trump?

Mức độ ủng hộ ông Trump hiện tại khoảng 40%, tức cứ 5 người có 2 người ủng hộ. Nghe thì có vẻ thấp nhưng phải nhìn lại tỷ lệ này ở các Tổng thống khác trong cùng thời điểm, tức là sau 2 năm nhậm chức. Tỷ lệ này ở ông Obama, G.W. Bush, và Clinton lần lượt là 45% - 60% - 43%.

Có thể thấy trừ trường hợp ông Bush cao đột biến do sự kiện 11/9 thì tỷ lệ công chúng Mỹ ủng hộ ông Trump không phải là quá thấp mà tương đối ổn định.

Chúng ta phải hiểu là mọi vấn đề của chính trị Mỹ đều quay lại vấn đề kinh tế. Một khi kinh tế Mỹ ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp thì mức độ ủng hộ của dân chúng cho các chính trị gia cao. Đó là đặc điểm chung, nhất quán của chính trị Hoa Kỳ trong bất cứ đời Tổng thống nào, thuộc bất cứ đảng phái nào.

Nhưng nếu thành công với vấn đề Triều Tiên, ông Trump sẽ có nhiều cơ hội đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2?

Tất cả các động thái đối nội, đối ngoại như xây tường biên giới, tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay Triều Tiên đều nhằm mục đích cuối cùng là 2 năm nữa ông Trump có khả năng tái đắc cử. Trong thời điểm hiện tại, về phía Đảng Cộng hoà, tôi cho rằng ông Trump vẫn là ứng cử viên hàng đầu.

Cảm ơn ông!

Phương Ánh

7pm

Theo Trí Thức Trẻ 27/2/2019