Củ năng (còn gọi là củ mã thầy) đa công dụng, vừa dùng làm nguyên liệu chính trong nhiều món ăn, vừa là vị thuốc dân gian, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tốt cho đường ruột... Bên cạnh việc chế biến các món mặn, củ năng cũng được nhiều trong món chè, ăn rất mát và ngon, đặc biệt là những ngày nắng nóng.
Củ năng đa công dụng, nấu canh hay chè hoặc làm mứt đều ngon. |
Củ năng có lớp vỏ màu đen, phần cơm bên trong nhiều nước, khi ăn có vị ngọt, giòn sừn sựt. Trong món mặn, củ năng được dùng như một loại củ, nấu canh sườn, hầm gà, xào tôm thịt... Trong món ngọt, củ năng được dùng nhiều nhất để nấu các loại chè, nấu nước mát hoặc làm mứt, làm bánh. Những ngày nóng bức, một vài món chè củ năng sẽ là món tráng miệng mát lành giúp thanh nhiệt cơ thể.
Chè bạch quả (hạt sen) củ năng: Có nhiều cách để nấu chè củ năng, thông dụng nhất là nấu với hạt sen hay bạch quả, hoặc cả hai. Hạt sen, bạch quả luộc chín (bạch quả đập vỏ trước rồi mới luộc), vớt ra chén, ướp với ít đường cho thấm. Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt đôi hoặc cắt nhỏ tùy thích. Nấu sôi nước, cho hạt sen, bạch quả vào nấu mềm sau đó cho củ năng vào, để thêm vài phút, nêm lại đường cho vừa vị, lưu ý củ năng không nấu quá lâu sẽ mất độ giòn ngọt. Ngoài tính mát, chè này còn giúp bạn dễ ngủ vì hạt sen, bạch quả đều có tác dụng an thần, giúp cải thiện giấc ngủ.
Chè củ năng hạt lựu: Cầu kỳ hơn một chút, bạn có thể dùng bột năng áo ngoài củ năng để làm hạt lựu. Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt hạt lựu, tùy thích mà “nhuộm màu” xanh, đỏ bằng cách ngâm vào nước lá dứa hay nước pha từ màu hồng thực phẩm trong khoảng 30 phút, vớt ra để ráo. Xóc đều củ năng với bột năng cho bột phủ kín, sau đó nấu nước sôi, thả vào luộc đến khi nổi lên thì vớt ra ngâm nước lạnh. Nấu nước đường, cho củ năng vào đảo nhẹ, tắt bếp, khi ăn thêm nước cốt dừa vào.
Chè củ năng thập cẩm: Chè này giống như các loại chè thạch sương sa hạt lựu, nhưng thay vì dùng hạt lựu thì dùng củ năng áo bột lọc. Để món chè hấp dẫn, nên dùng cả hai màu xanh và hồng cho củ năng. Thạch thì có thể chọn sương sa, rau câu hoặc sương sáo, cắt nhỏ. Nấu đậu xanh cà (trước khi nấu ngâm mềm), tán nhuyễn, trộn chung với ít đường sau đó bắc lên bếp sên cho sánh lại. Khi ăn, cho thạch và củ năng hạt lựu vào chén, phủ đậu xanh lên, chan ít nước cốt dừa vào, món này dùng làm tráng miệng hoặc ăn vặt bữa xế rất ngon.
Chè củ năng mát lành, thanh nhiệt cơ thể. |
Chè củ năng trứng gà: Ngoài chè ngọt, bạn cũng có thể nấu chè củ năng với trứng, ăn rất lạ miệng. Nếu ăn đơn giản thì chỉ cần nấu tan nước đường, cho củ năng vào nấu chín, thả thêm vài lát gừng, sau đó đánh tan lòng trắng trứng trút vào nồi củ năng, khuấy đều tay cho trứng kết sợi, để sôi lại, tắt bếp. Nếu muốn cầu kỳ hơn thì dùng củ năng gọt vỏ, xắt nhỏ, trộn với đường (tỉ lệ 2 củ năng, 1 đường), nấu sôi cho tan đường, để nguội, cho bột năng vào xóc đều. Nấu sôi nước, cho củ năng vào luộc đến khi củ năng trong. Pha bột năng với ít nước từ từ chế vào, sau đó đánh tan trứng gà trút vào (nên dùng rây để tạo sợi đẹp), khuấy đều, tắt bếp, có thể thêm ít vani vào cho thơm.
Ngoài các loại chè, củ năng dùng nấu nước mát cũng là thức uống được ưa chuộng trong những ngày nóng bức. Cách nấu cũng giống như nấu nước mát, gồm củ năng, mã đề, rễ tranh, mía lau, râu bắp. Nấu nước mía lau trước, lược lại, bỏ xác, sau đó cho củ năng xắt nhỏ vào nấu sôi lại, cho ít đường phèn vào, nếm thấy có vị ngọt nhẹ là được.
(Theo Phunuonline)