Tôi rất tâm đắc với câu danh ngôn: “Hôn nhân là cuộc chiến tranh duy nhất mà bạn ngủ với kẻ thù”. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi làm thế nào mà thời gian lại khắc nghiệt một cách tài tình đến mức chuyển hôn nhân từ trạng thái “có thể chết vì nhau” sang bi kịch “có thể giết chết nhau”?
Nói không ngoa chứ một ngày có khi phải nghe vài câu vợ rủa chồng “chết quách đi cho đỡ nhớp mắt” khi ghé ăn sáng ở quán phở gần nhà, ghé ăn chè ngay đầu ngõ cơ quan.Trường hợp ít hơn nhưng cũng chẳng phải hiếm ấy là những người chồng chửi vợ “sống như cô thì sống để làm gì?”. Nhiều khi lý do chẳng có gì to tát, chỉ vì ông chồng chậm chạp quá, thời buổi “trâu chậm uống nước đục” mà cứ lề mề thì chỉ có nước bốc cám mà ăn. Cũng có khi vì ông chồng quá lười, ăn xong vểnh râu đọc báo trong khi vợ con thì năm đầu sáu tay không hết việc. Chửi “đồ con lợn” như cô nhà văn kia là còn nhẹ. Các ông đừng có vội bức xúc hay cảm thấy tổn thương. Chẳng cần tội tày đình, chỉ chậm và lười cũng xứng đáng nghe câu “ông biến ngay đi cho đỡ nhớp mắt tôi”.
Huống hồ, nhiều ông làm ít mà hạch sách nhiều. Lương chẳng đủ nuôi thân chứ đừng nói nuôi con mà còn đèo bòng thêm cô bồ nhí thì bị rủa cũng đáng lắm còn oan uổng nỗi gì. Ừ thì bảo bản tính đàn bà hay chấp nhặt, thù vặt và lắm lời đã đành, khối đàn ông cũng không kém cạnh. Chửi rủa là còn đỡ, chứ ghen tuông mù quáng đến mức vợ mặc váy ngắn cũng bị đánh vỡ tim, vỡ phổi, gãy xương sườn cũng có. Thôi thì phũ phàng cũng nên ngồi lại nói với nhau để nhận mặt những bóng đen hôn nhân lẩn khuất trong nhà.
Có nhiều người vẫn thích huyễn hoặc về hai từ “hôn nhân” nhưng thực chất hôn nhân là con dao hai lưỡi. Một lưỡi để gọt hoa quả mời nhau sau bữa cơm đầm ấm còn một lưỡi có thể còn sắc hơn dùng để ra tay sát hại bạn đời. Chưa có một thống kê chính xác xem một năm trên thế giới có bao nhiêu vụ án mạng hôn nhân gia đình. Nhưng, trong buổi họp báo ngày 6/1/2015, Công an Hà Nội công bố trong năm 2014 chiếm đến 60% số vụ giết người là do mâu thuẫn bộc phát trong đời sống sinh hoạt gia đình.
Việc sát hại người cùng gia đình là do đời sống hôn nhân đã tiềm ẩn quá nhiều xung đột. Điều đó cho thấy một phần giá trị đạo đức truyền thống bị băng hoại, suy đồi. Bởi lâu nay mối quan hệ gia đình giữa vợ chồng, con cái, bố mẹ vốn được coi là nền tảng vững chãi, là môi trường nuôi dưỡng yêu thương và là nơi giáo dục, thuần phục bản tính con người. Vợ chồng đầu ấp tay gối, ăn ở với nhau như bát nước đầy.
Tình sâu nghĩa nặng ấy dệt nên biết bao câu chuyện cảm động như mạch nguồn nuôi dưỡng cảm xúc thiêng liêng. Có người vợ cả đời vất vả vẫn tận tụy chăm chồng mù. Có người chồng suốt chín năm nằm ôm “xác vợ” ngủ vì khôn nguôi thương nhớ. Lại cũng có những người vợ, người chồng mưu toan sát hại lẫn nhau. Để người nằm dưới mồ, người ở trong song sắt, bỏ lại con cái bơ vơ cùng nỗi đớn đau như vết nhơ không cách nào gột nổi trong tâm hồn chúng.
Đa số vụ án vợ chồng giết hại nhau là do bộc phát, vì không kiềm chế được bản thân dẫn đến nóng giận mù quáng. Sống với nhau tưởng đã hiểu đến chân tơ kẽ tóc mà vẫn có khi tức nhau một câu nói, một ánh nhìn. Nên các bà vợ có thể ví von bóng gió xa xôi “Chồng người đánh Bắc dẹp Đông/ Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà”. Chứ đừng dại gì lôi cụ thể anh A, cậu B nhà hàng xóm ra mà rỉa rói chồng “Nhìn anh ấy vừa phong độ, đẹp trai, giỏi kiếm tiền lại vừa tài chiều vợ. Chồng mình đúng là ăn hại”. Tưởng vài câu nói chỉ để hả hê lòng dạ đàn bà có ai ngờ ông chồng nổi cơn điên phang cho cái ghế. Trúng tay chân còn đỡ chứ trúng chỗ hiểm là khỏi cứu.
Lúc thiên hạ “đắng lòng” thì cũng đã thành ma. Đàn ông tính sĩ diện cao và rất hay tự ái. Họ kém kiềm chế nóng nảy hơn phụ nữ nhất là khi gặp sự việc gây sốc. Đừng tưởng một người chồng yêu thương chiều chuộng vợ hết mức mà vội nghĩ anh ta chẳng bao giờ làm tổn thương vợ. Chỉ cần phát hiện vợ ngoại tình là ngay lập tức con người hiền lành ấy sẽ biến thành thú dữ.
Họ manh động và phản ứng nhanh đến mức phụ nữ chẳng thể nào trở tay kịp. Đến đây lại phải nhắc, đàn bà nhiều khi chết vì “già mồm”. Chồng chưa đánh đã chống nạnh thách thức. Đến lúc đánh cho một trận nhừ tử rồi vẫn còn… cố ngóc đầu lên thách tiếp. Ai mà biết rõ đàn ông điên lên họ sẽ làm gì? Đàn bà thế là dại. Dại đơn, dại kép, dại cả trăm đường.
Tôi nói ra có thể sẽ khiến bạn giật mình nhưng nếu thử để ý, rất có thể bạn sẽ tìm thấy bóng đen ẩn nấp đâu đó trong chính căn nhà bạn. Điều đáng nói là những cái bóng ấy phản ánh phần “con” đen tối lấn át phần “người”. Chúng biết rình rập, mưu mô, toan tính và nhiều khi là ám sát người thân. Chúng xuất hiện lúc nào không hay rồi tìm mọi kẽ hở để nương náu bằng sự im lặng, bằng môi cười mắt thắm, bằng hể hả mừng vui. Nó che mắt đối phương bằng thứ hạnh phúc giả tạo một cách khéo léo.
Ai mà tin người vợ gọi “dạ” bảo “vâng”, cung kính lễ phép với gia đình chồng lại đang âm mưu lật đổ, tống cả nhà chồng ra đường. Ai mà nghi ngờ người chồng bưng cho vợ bát cháo lúc ốm, ở bên động viên vợ lúc buồn, nhẫn nhịn đến từng câu nói ấy lại là người đêm nào cũng có ý định bóp cổ vợ. Dĩ nhiên là phải có nguyên do, những xích mích nhỏ nhoi đôi khi cũng nuôi nên mầm mống của hận thù. Nhưng, nó bắt đầu từ đâu nhiều khi chỉ có cái bóng đen ấy hiểu. Nó thao túng và sắp xếp mọi kế hoạch nham hiểm như một kẻ thù chính cống. Chỉ đợi cơ hội chín muồi là ra tay sát hại kẻ địch. Thứ bi kịch gia đình ngấm ngầm và sâu xa này còn đáng sợ hơn cả sự bộc phát nhất thời.
Đi tìm nguyên nhân sâu xa, chúng ta đau đớn nhận ra vẫn chỉ là do miếng cơm, manh áo. Ban đầu khi được vị thần Eros bắn mũi tên tình ái, người ta còn chìm đắm trong si mê, nên không nhìn thấy được sự khốc liệt của đời sống vật chất. Lòng cứ tự huyễn hoặc về một mái nhà tranh hai trái tim vàng. Nhà tranh qua nắng thì thành nhà mục, mà trái tim thì nào có “vàng” mãi được đâu. Khi không đáp ứng đủ nhu cầu vật chất và tinh thần cho nhau sẽ dẫn đến xích mích và mâu thuẫn.
Cuộc sống với biết bao nhiêu áp lực đẩy đưa chúng ta đến những ranh giới mong manh giữa yêu thương và hận thù, cam chịu và điên loạn. Ngày 12/4, báo Phụ Nữ nhận được đơn cầu cứu của gia đình anh Bùi Viết Liên (SN 1966, ở thôn 7, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Anh khiếu nại về việc anh bị vợ hành hung đến chấn thương sọ não chỉ vì lý do duy nhất: không có tiền. Những trận đòn chí mạng của người vợ hung dữ biến một người chồng đang khỏe mạnh thành liệt nửa người, gần như tàn phế.
Hôn nhân thường được gắn với hai từ “bền vững”, nhưng chưa bao giờ người ta lại cảm thấy hoang mang về hôn nhân như hiện tại. Nhiều khi chỉ một lời khích bác của lão hàng xóm trong cuộc trà dư tửu hậu cũng đủ làm tan nát một gia đình. Nói ra đây không phải để hù dọa nhau. Mà nói ra để mỗi người trong chúng ta phải biết giật mình nhìn nhận lại hạnh phúc.
Để điều chỉnh, cân bằng và dung hòa các mối quan hệ trong gia đình. Để người chồng biết mình có phận sự chia sẻ với vợ con những lúc khó khăn. Để người vợ biết mình cần vun vén chu đáo, chăm lo cho con cái. Để những bóng đen đừng bao giờ xuất hiện trong căn nhà của bạn.
(Theo Vũ Thị Huyền Trang/PNO)