- 83 tuổi - Ông là “gã” Thái đen “ngông” bậc nhất Tây Bắc, nhưng cũng tài hoa bậc nhất, có cái tôi bậc và tự trọng bậc nhất. Ông là người “gác cửa” di sản của người Thái Mường Lò. Con người hiếm hoi và có phần “đơn thương độc mã” ấy có tên Lò Văn Biến, một người Thái đen mà khi đến Mường Lò, không thể không tiếp kiến.

“Người canh giữ” Di sản

Phường Trung tâm. Bản Cang Nà. Nhà ông ở gần như cuối bản, quay ra cánh đồng Mường Lò. Mà có lẽ, trừ những con phố có tên và chưa có tên, những dãy nhà cao tầng, thấp tầng mọc ở trung tâm thị xã miền núi này, còn lại cả Mường Lò đều được bao bọc bởi cánh đồng bằng phẳng, đẹp đẽ bậc nhất nhì Tây Bắc, đẹp đến nỗi ai đó buột miệng xuýt xoa buông lời để rồi trở thành một câu ca quen thuộc “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” khi nói về bốn vựa lúa của Cổng trời.

{keywords}

Nghệ nhân dân gian, “người gác cửa” văn hóa Thái Mường Lò, ông Lò Văn Biến.

Trên cánh đồng ngút ngàn lúa non đang ngậm cốm, chừng nửa tháng trăng non sẽ trổ vàng, những bản làng bồng bềnh như nổi, chẳng biết nổi giữa sóng lúa hay nổi giữa biển mây.

Ông lão đội chiếc nón lá, mặc bộ quần áo lao động đang nhấn nhá nốt mớ cỏ tươi đổ xuống chiếc ao áng chừng rộng bằng nửa khoảnh ruộng nhỏ cho cá ăn. Xong công việc thường nhật, lão bình tĩnh đi vào gầm nhà sàn, nhưng vì dáng lưng thẳng, bước chân dứt khoát khiến khách có cảm giác lão đang vội vã.

Chiếc nón lá bỏ ra, treo trên chiếc đinh đợi sẵn dưới gầm một cây cột nhà, mớ tóc dài trắng xóa quen thuộc xổ ra: cụ Lò Văn Biến – nghệ nhân dân gian sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, truyền bá… văn hóa của người Thái Mường Lò, vừa bước sang tuổi 83 được… hơn một tuần.

{keywords}
Chị Điêu Thị Xiêng, người phụ nữ Thái đang "truyền lửa" xòe Thái Mường Lò cho các thế hệ kế cận.

Nhiều người gọi cụ Biến là “báu vật”, là “nghệ sỹ”, “người giữ lửa” hay một danh xưng rất trang trọng nào đó. Tôi mới biết về Cụ qua nghe và đọc những bài viết về cụ, hôm nay là lần đầu được gặp, nhưng tôi nghĩ, cụ là “người gác cửa”, kiên nhẫn, bền bỉ và có phần… đơn độc, “gác cửa” cho cả một miền văn hóa của người Thái Mường Lò Nghĩa Lộ, trong đó có di sản xòe Thái Mường Lò sắp được phong Di sản.

Nghe lỏm câu chuyện giữa cụ và một cô gái qua điện thoại: “Ông có nhà lâu rồi. Mày phải hỏi ông có ở nhà không mới được chứ? Đến đi, ông ở nhà thôi”. Cười ha hả, rất tự nhiên và gần gũi: Nó hỏi, ông có nhà không? Ô hay, không có nhà thì mấy chục năm nay, ông ở đâu?. Rồi, dường như đang “nhân tiện”, ông kể luôn: nhà này, mấy đứa người Pháp, người Thái, người Nhật nó sang làm tiến sỹ, nó ở đây cả năm cả tháng; rồi cả diễn viên đóng phim “Cô gái xấu xí” cũng vừa mới ở đây về… Mấy đứa phóng viên dưới xuôi lên Nghĩa Lộ, đứa nào không sợ bẩn thì ở nhà ông, thích ăn gì thì tự nấu nướng, tự làm.

Trời Mường Lò dường như chưa kịp thích nghi thu về, nắng vẫn hôi hổi nóng trên những mái nhà sàn lợp pro, amiang bạc phếch.

{keywords}
Thiếu nữ Thái Mường Lò, em Lường Minh, SN 1994, "hạt nhân" của đội xòe Thị xã Nghĩa Lộ.

Ông Biến tiện tay cởi chiếc áo lao động, bận mỗi chiếc áo ba lỗ có màu vàng nhạt tiếp khách.

“Các cháu hỏi gì cứ hỏi. Ông hiểu gì ông sẽ nói hết. Nhưng ta chỉ trả lời về người Thái Mường Lò thôi nhé, vì những gì không biết, lại không phải người của vùng ấy, không ai dám mạnh mà trả lời cả”.

“Trước, có bộ phim làm về vùng cao, có chi tiết cậu trai bản đi chọc sàn nhà người yêu. Đạo diễn nó chuẩn bị đạo cụ là cái gậy, xong không có gậy, nó lấy tạm cái đòn gánh. Thôi thế là chết rồi.

Cái anh trai bản đem lòng thương cô gái, chiều chiều mang khèn sang nhà cô gái thổi đề mà đưa đẩy, ướm lời. Vì chưa được chấp thuận, bố mẹ cô gái còn cấm cản vì tiếng khèn, dù gì cũng là cái gây ra sự ồn, cho nên, không phải cứ vác khèn đến là được thổi. Anh - ả mới “phím” nhau là giờ ấy, đến thì gõ vào sàn chỗ cô gái nằm mấy tiếng làm hiệu, đủ để hai người nghe thấy. Cái mà “chọc sàn” làm hiệu ấy, chính là cái đầu của cây khèn.

Đằng này, đạo diễn nó lấy đạo cụ là cái đòn gánh xóc lúa thì chết rồi. Ông góp ý cho đạo diễn, nhưng nó bảo: kịch bản diễn viên nó thuộc cả rồi, giờ thay đổi lại thì cũng bất tiện. Thôi thì cứ… phiên phiến đi.” – cụ Biến kể.

Những cử chỉ, câu chuyện của cụ Biến, bất giác cho khách niềm tin, những gì mà ông sưu tầm, gìn giữ, lưu truyền, chắc chắn đều là những giá trị văn hóa đã được qua thẩm định. Xòe Thái Mường Lò với 6 điệu xòe chủ đạo, xòe cổ sắp được phong di sản, phần lớn có công sức của ông Lò Văn Biến.

“Vừa rồi, Bộ VHTTDL khi thẩm định hồ sơ đề án phong Di sản văn hóa phi vật thể cho xòe Thái Mường Lò, họ có yêu cầu xem lại chữ dùng “6 điệu xòe cổ”. Tôi cho rằng, đó cũng là cái rất tinh. Chữ “cổ” ở đây là một phạm trù rất trừu tượng, anh lấy cái gì để nói đó là cổ hay hiện đại? Cuối cùng, phải dùng là sáu điệu xòe truyền thống. Tôi thấy như thế là khá hợp lý”.

Xã hội Thái mường Lò thu nhỏ qua xòe

Mường Lò – Nghĩa Lộ là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái đen, là đất tổ của người Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo. Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, người Thái Mường Lò còn có nhiều lễ hội dân gian, nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu dân ca, dân vũ... đặc sắc, trong đó phải kể đến điệu múa xòe, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là "xé cáu ké".

{keywords}
Những người đang giữ Di sản Mường Lò không mai một. Ảnh: Thái Sinh.

"Xé cáu ké" bao gồm: xòe vòng (xé vóng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu). Nó là khởi nguồn cho 36 điệu xòe phổ thông vẫn được người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ gìn giữ và lưu truyền.

Sáu điệu xòe này cũng phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông, đoàn kết chống lại kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi, nảy nở.

Khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái Nghĩa Lộ dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ thiên - địa - nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc. Điều đó ẩn chứa trong từng động tác, từng điệu xòe.

Những điệu xòe cổ chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian đã đem lại một sắc thái độc đáo. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí... thì 6 điệu xòe cổ ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu trong sáng vô hạn.

Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến đã dành hết cuộc đời để sưu tầm, biên soạn, hệ thống hóa sáu điệu xòe chủ đạo và trực tiếp truyền dạy lại cho thế hệ kế cận. Cũng thông qua vai trò cố vấn của ông Biến, Nghĩa Lộ đã xây dựng và thực hiện đề án

"Nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò": hệ thống bài giảng bao gồm đĩa hình, tư liệu, cứ liệu, hiện vật về 6 điệu xòe cổ; sưu tầm dàn nhạc cụ và bảo tồn được bản nhạc cổ phục vụ xòe cổ; thành lập được đội nghệ nhân nòng cốt bao gồm 8 thành viên là những người am hiểu về xòe cổ và được truyền dạy chính thống từ nhà sưu tầm văn hóa dân tộc Thái - Lò Văn Biến.

Trong số những học trò ấy, có cả nghệ sỹ dân gian xòe Điêu Thị Xiêng cũng là học trò của ông.

Không nói về những việc đã làm, kể cả việc người Thái “suýt” bị mất hẳn một nền văn hóa chữ viết nếu như không có ông Biến là đứng ra lưu giữ, bảo tồn, mở lớp dạy chữ Thái cho đồng bào, cán bộ và những người yêu chữ Thái, văn hóa người Thái. Cả Mường Lò đã quá quen thuộc với hình dáng một ông lão, dù tuổi đã cao ngất nhưng đêm xòe nào, đội xòe nào cũng có mặt.

Ông đến, để thực hiện bổn phận “người gác cửa” cho điệu xòe của dân tộc ông sắp là Di sản văn hóa, là sở hữu của chung Quốc gia chứ không chỉ là tài sản của mỗi người Thái Mường Lò.

Kiên Trung