Thời điểm thích hợp để thí điểm Mobile Money
Mới đây Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm Mobile Money (tiền di động) và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2020 này.
Ở góc độ của chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực viễn thông, Internet và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Hoàng Liên nhận định, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online, việc triển khai Mobile Money thời điểm này sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Theo ông Liên, Mobile Money có rất nhiều ưu điểm có thể kể đến như: Mở rộng khả năng thanh toán thương mại và trao đổi giá trị; Là cánh tay nối dài của ngân hàng và hệ thống tài chính; Trở thành phương tiện thanh toán góp phần giảm chi phí xã hội; Đóng góp vào kích cầu; Động lực cho phát triển Fintech nói riêng và CNTT nói chung; Tạo cơ hội thu thập dữ liệu về trải nghiệm khách hàng;
Bên cạnh đó, Mobile Money sẽ thúc đẩy cạnh tranh và lành mạnh hóa trong kinh doanh cung cấp dịch vụ và môi trường thương mại; Tạo thuận lợi cho các cơ quan hữu trách ứng dụng công nghệ cho mục tiêu quản lý nhà nước; Mang đến cơ hội mở rộng giao thương quốc tế; Giúp nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư của quốc gia.
Vị Chủ tịch VIA cũng nhấn mạnh, Mobile Money sẽ tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Người dân sẽ thuận tiện hơn khi mua sắm, hạn chế việc phải quản lý tiền mặt. Cùng với đó, nhờ Mobile Money họ cũng đỡ phải tiếp cận với quá nhiều các hình thức thanh toán, huận lợi cho quản lý chi tiêu và tài chính.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thí điểm Mobile Money, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) cho rằng, Mobile Money được triển khai sẽ giúp các nhà mạng có thể đưa dịch vụ thanh toán điện tử mau chóng đến 100% người dân.
Ông Sơn cũng cho biết, là đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử (TMĐT) với độ phủ đến tận thôn, xã, hải đảo, đồng thời còn là chủ quản của sàn TMĐT Voso.vn, Viettel Post nhận thấy, thanh toán bằng tiền mặt vẫn đang là phương thức chủ yếu.
Cụ thể, số liệu thống kê sơ bộ trên lượng người dùng dịch vụ chuyển phát của ViettelPost cho thấy, tỉ lệ các giao dịch TMĐT sử dụng tiền mặt đang chiếm khoảng 65-70%.
“Với sàn Voso.vn, chúng tôi đang cung cấp đa dạng dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Đặc biệt chúng tôi đã có nhiều chính sách khuyến khích việc thanh toán trực tuyến, sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nhằm hạn chế thanh toán tiền mặt. Tuy nhiên, tỉ lệ đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn, chiếm khoảng 85% tổng số đơn hàng”, ông Sơn cho hay.
Theo Sách trắng TMĐT 2017, 2018, 2019 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành, cho đến nay, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn. Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, tỷ lệ người mua hàng online lựa chọn cách trả tiền mặt vẫn ở mức khoảng trên dưới 70%.
Đại diện ViettelPost cũng chia sẻ thêm, việc người dùng chủ yếu chọn phương thanh toán bằng tiền mặt đang gây ra nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều rủi ro cho các đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần thương mại điện tử trong việc kiểm soát và điều hành.
Cú hích cho thị trường thương mại điện tử Việt
Phó Tổng giám đốc ViettelPost Đinh Thanh Sơn nhấn mạnh, Mobile Money chính là phương thức thanh toán đáp ứng nhu cầu của số đông người Việt Nam. Phương thức thanh toán mới này sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt, đưa người dân tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội.
Đặc biệt, với người dân ở vùng nông thôn, ông Sơn cho rằng, nhờ Mobile Money, họ sẽ được trải nghiệm việc mua sắm tiện ích và phương thức thanh toán nhanh, chính xác, hạn chế tiền mặt và phù hợp với mua sắm online nhỏ, lẻ.
Với đơn vị mình, đại diện lãnh đạo ViettelPost đánh giá, khi Mobile Money được thí điểm triển khai, sàn TMĐT Voso.vn sẽ có thêm công cụ hỗ trợ thanh toán cho khách hàng, không chỉ thông qua thẻ tín dụng, máy POS, ATM hay tiền mặt. Điều này tạo thêm lợi thế cho Voso.vn, bên cạnh lợi thế hiện có về mạng lưới, nguồn cung sản phẩm cũng như khả năng luân chuyển hàng hóa đến cả các vùng khó khăn.
Có cùng quan điểm với đại diện ViettelPost, Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên cho rằng, Mobile Money sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam.
Cụ thể, theo ông phân tích, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao (Tổng cục Thống kê).
“Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Mobile Money chính là tương lai, những người dân ở vùng nông thôn sẽ ít sử dụng máy POS, ATM trong khi đa phần đều có smartphone. Nếu Mobile Money được chính thức triển khai thì thị trường trong nước sẽ chứng kiến một sự bùng nổ lớn chưa từng thấy trong việc: Từng bừng và ồ ạt mua sắm trực tuyến; Hàng loạt shop online nhỏ sẽ mọc lên; Thanh toán COD (giao hàng thu tiền – PV) sẽ được giảm bớt”, ông Liên nói.
Tuy vậy, vị Chủ tịch VIA nhận định, người dân nông thôn sẽ mất một thời gian cho quá trình tiếp cận với phương thức thanh toán mới – Mobile Money, từ tò mò, tìm hiểu, do dự, đến thận trọng, tự tin, chủ quan và lo lắng.
“Dù vậy, Mobile Money thực sự sẽ mang đến rất nhiều cơ hội cho bà con bán nông, lâm, hải sản và các sản phẩm thủ công, du lịch. Tôi cho rằng các nhà bán hàng và cung cấp dịch vụ cần nhanh chóng thích nghi và chớp lấy cơ hội ngay từ giai đoạn bỡ ngỡ này của thị trường”, ông Liên nhấn mạnh.