“Người đông con nhất miền Tây” - đó là biệt danh mà người dân lâu nay vẫn đặt cho ông Phan Văn Tiễng (SN 1932, trú ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Hiện ông Tiễng có 22 người con cùng hàng trăm cháu, chắt.
Ông Tiễng tâm sự: “Ngày ấy, cuộc sống khó khăn lắm, có bữa nhà thiếu gạo, thương con nên phải nhịn để nhường cho con ăn. Nhiều đêm, hai vợ chồng nằm thao thức nói không sinh nữa, nhưng sau mỗi đêm như vậy thì kiểu gì cũng có một đứa ra đời…”.
Ông Phan Văn Tiễng chia sẻ bí quyết cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. |
Không nhớ hết tên cháu vì… quá đông!
Câu chuyện ông Phan Văn Tiễng (Bảy Tiễng) đông con nhiều cháu đã nổi tiếng khắp huyện Châu Thành A. Người dân không chỉ nể phục người đàn ông này về khả năng “bách chiến bách thắng” mà còn về khả năng lao động cần cù, xây dựng kinh tế. Mặc dù người vợ của ông Tiễng đã qua đời gần 20 năm nay nhưng một mình ông ở vậy chăm sóc các con nên người. Không những thế, ông còn xây dựng được căn nhà khang trang nhất vùng.
Mặc dù đã ở ngưỡng cửa bên kia cuộc đời nhưng ông Tiễng vẫn nhớ tên, nhớ tuổi từng người con trong gia đình. Người con cả của ông Tiễng là Văn Cang bây giờ 62 tuổi, người con út tên Nết Em 34 tuổi. Con ông, ai cũng lập gia đình và hầu hết sống bằng nghề nông, làm vườn quanh vùng Châu Thành này. “Tui có cả thảy 22 niềm vui, trai gái mỗi bên 11 người, đứa nào giờ cũng có gia đình, con cái đề huề cả rồi. Mới ngày nào, chúng lít nhít cả đàn theo tui ra đồng đi cấy lúa, chạy đồng, giờ muốn gặp cũng khó vì mỗi đứa sống một nơi. Chỉ có ngày lễ hay đám giỗ thì mới đông đủ thôi. Nhà rộng vậy mà mỗi lần con cháu, chắt gần cả trăm tụ về không đủ chỗ chứa, phải trải chiếu dưới nền gạch nằm. Lúc đó, tiếng trẻ cười đùa, tiếng người lớn trò chuyện rôm rả như có hội ấy. Hàng xóm ai cũng trêu, hôm nay nhà cụ tổ chức họp dân à. Nhưng vậy mới sướng chứ, chỉ sợ tụi nhỏ quên tui không về mà thôi…”, ông Tiễng vui vẻ nói.
Đông con nhiều cháu quá đôi lúc cũng khiến hàng xóm than phiền, nhiều người còn đùa ông Tiễng rằng: “Anh Bảy ơi, xì tốp sinh con cho tụi này nhờ, chứ xứ này tên con tụi tôi giống tên con ông hết trơn đó nghe”. Nghe vậy, ông Tiễng lại lật đật bàn với vợ đặt tên cho không trùng với hàng xóm. Để tiện lợi và dễ nhớ tên con, ông đặt xen kẽ tên con trai bằng các con số theo thứ tự, còn con gái thì theo tên hoa, quả trên địa bàn. Nghĩ xong, ông Tiễng vui mừng khoe lại với mọi người: “Đấy nhé, con tui toàn tên độc thôi đố ai xứ này có”.
Có một chuyện khiến ông Tiễng luôn đau đầu đó chính là làm sao đủ chỗ để viết tên con cháu vào hộ khẩu. Vì vậy, ông bàn tính với các con rằng, đứa nào lấy vợ gả chồng thì tách ra riêng, đất đai chia đều không phân biệt lớn bé. Nghe vậy, các con ông đều vui vẻ đồng ý. Ông Tiễng cho biết, những đứa con sau khi lập gia đình sinh con, sinh cháu, số thành viên trong gia đình lên tới hơn trăm người. “Nhiều đứa cháu chắt nội ngoại tôi cũng không nhớ hết tên. Một phần vì quá đông, mặt khác tôi cũng có tuổi rồi nên trí nhớ kém đi”, ông Tiễng trầm ngâm nói.
Nhắc đến những đứa con của mình, ông Tiễng tâm sự: "Trời không cho tui được giàu có, nhưng lại cho tui được lộc con cái, ở xứ này nào ai được vậy. Thế nhưng cũng vất vả lắm, ngày nào cũng làm quần quật từ sáng tới tận khuya. Có bữa nhà thiếu gạo, thương con nên phải nhịn để nhường cho con ăn. Mặc dù vậy, đứa nào cũng ngoan ngoãn cả, cho đi học nhưng cứ tới lớp 5, 6 là chúng đòi nghỉ hết. Khi la thì nó nói, học biết con chữ là được rồi, con về làm giúp ba mẹ cho đỡ vất vả. Nghe chúng nói vậy thì tui biết nói sao. Được cái đứa nào cũng ngoan ngoãn, tu chí làm ăn. Rồi nuôi tụi nó lớn là tui lo cưới vợ hay gả chồng, được vài bữa là cho ra riêng liền, không cho sống chung. Anh em thì ở được chứ có nàng dâu về kiểu gì cũng xảy ra chuyện này chuyện khác, tách chúng ra cho tự làm ăn nuôi nhau thôi. Tay làm thì hàm nhai mà…”, ông Tiễng bùi ngùi nhớ lại những năm tháng chăm sóc 22 đứa con khôn lớn, trưởng thành.
Ngoài chuyện cơm, áo, gạo, tiền, ông còn phải lo dạy dỗ cho con đủ thứ điều hay lẽ phải. Nhớ lại hành trình vật lộn với những vất vả đó, ông Tiễng nói: “Có nhiều con đôi khi cũng phiền phức lắm, nhiều lúc anh em nó bất hòa làm tui đau hết cả đầu”. Nhất là chuyện ăn ở với hàng xóm, nhiều người sợ gia đình ông vì cho rằng đụng vào, cả bầy con cháu kéo tới, ai đánh cho lại được. Nghe những chuyện như vậy, ông cười hiền từ, nào có bao giờ ông ỷ đông người lấn lướt người khác đâu.
Ông Tiễng không quên nhắc tới người vợ đã mất được 16 năm qua: “Tôi và bà ấy cũng là người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm chỉ biết lao động chân tay nuôi các con khôn lớn. Nhiều lúc, hai vợ chồng nằm tâm sự với nhau, quyết tâm không sinh thêm đứa nào nữa để có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho những đứa con hiện tại. Nhưng cứ mỗi lần như thế, chẳng bao lâu sau lại có một đứa con khác của hai vợ chồng ra đời”.
Ông Tiễng và nhiều thế hệ của gia đình trong một lần họp mặt (ảnh do gia đình cung cấp). |
Bí quyết cho những cặp vợ chồng hiếm muộn
Theo lời chia sẻ của người đàn ông có biệt danh “đông con nhất miền Tây” này thì từ khi sinh ra cho tới nay, ông và vợ mình luôn tâm nguyện một điều là phải chăm chỉ lao động. Hàng ngày, ông Tiễng dậy từ 5h sáng tập thể dục, vệ sinh cá nhân rồi dùng bữa sáng. “Gần 60 năm qua, trừ những lúc cảm sốt nhức đầu thì tôi vẫn giữ thói quen sinh hoạt ấy”, ông Tiễng cho biết.
Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn ra vườn nhặt cỏ, cuốc đất. Ông Tiễng tâm sự với đầy vẻ minh mẫn: “Lao động khiến con người khoan khoái hơn. Ngày nào không làm việc là chân tay tôi như mệt mỏi, người rã ra như mất hồn. Tự làm rồi dùng những sản phẩm do chính tay mình làm ra tốt và an toàn hơn. Thời buổi này nhiều hóa chất độc hại quá, miếng ăn vào mồm cũng bị làm giả kém chất lượng rồi dẫn tới bệnh tật…”.
Nghe tin ông Phan Văn Tiễng có tới 22 người con và hàng trăm người cháu, nhiều người nửa tin nửa ngờ. Họ cho rằng, ông “nói xạo” bởi “sức đâu mà đẻ lắm thế”. Thế rồi họ đặt ra nghi vấn, chắc ông đi léng phéng với người phụ nữ nào bên ngoài đến có con rồi gộp chung lại chứ không thể có chuyện sinh được nhiều con đến thế. Tuy nhiên, khi đến nhà ông tận mắt chứng kiến từng đứa con trong nhà giống cha, giống mẹ như đúc, lúc đó họ mới tỏ vẻ thán phục.
Nhiều người ở xa đã tìm tới nài nỉ xin ông cho loại thuốc bí truyền để về quê phổ biến cho hàng xóm hiếm muộn con. Nhiều cặp vợ chồng cưới hỏi đã lâu không con cái hay tin cũng tìm đến ông Tiễng chào hỏi, xin vuốt tay ông “lấy hên”. Ai tới ông Tiễng đều tiếp đón vui vẻ nhưng hỏi chuyện bí truyền ông cười: "Bây hỏi kỳ quá, tui nhà quê, mấy khi lên thành thị mà biết thuốc bí truyền, tăng cường sinh lực là gì. Không tin thì tụi bây cứ hỏi mấy nhỏ trong nhà coi tui có thần dược, thuốc tiên gì không. Chắc tại tui và lũ con có duyên từ kiếp trước… Con cái là duyên trời cho thôi. Cứ yêu nhau thật lòng đi, ăn đời ở kiếp, đừng lo nghĩ nhiều, là có con". Nhưng người ta không tin nên quay sang hỏi nhỏ ông Tiễng dùng thần dược hay rượu tăng cường sinh lực loại gì mà hiệu quả quá? Nghe thế, ông Tiễng ngơ ngác hỏi lại: "Ủa, mấy cái đó là giống gì, mắc tiền không vậy?".
(Theo Lao Động)