Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần

Cách nay mấy năm, hôm 18/11/2019, dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại nơi cư trú ở phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nguồn lực phát triển đất nước không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là gần 100 triệu người đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng Tổ quốc”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công.

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của vấn đề đoàn kết trong thực tiễn phong trào yêu nước của nhân dân đầu thế kỷ 20. Người kêu gọi nhân dân: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên. Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”. Người chỉ rõ, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, vì vậy, đoàn kết phải là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần.

{keywords}
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Khối đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức khoa học: đại đoàn kết không phải là tập hợp các lực lượng xã hội một cách ngẫu nhiên mà phải là một tập hợp bền vững của các lực lượng có tổ chức, có định hướng, có lãnh đạo.

Nhìn lại sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ: tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động đã hướng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện.

Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và khả năng của mình, góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đại dịch Covid-19 và ứng phó với thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu nặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ.

Những bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Qua thực tiễn hoạt động, ông Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã rút ra những bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam như sau: 

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. 

Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

Thứ ba, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. 

Thứ tư, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn. 

Thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào ta ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước; thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Ngân Phương
Ảnh: Thục Anh