Sáng sớm ngày 14/4, anh Nam, con trai trưởng bác Thái Duy nhắn tin cho tôi: “Bố em yếu lắm rồi. Chắc chỉ trong hôm nay thôi ạ…”. Tôi giật mình, vội chạy đến nhà ông. Nhà báo Thái Duy – nhà văn Trần Đình Vân đã bước vào tuổi 99, một trong những nhà báo, nhà văn cao niên nhất hiện nay.
Một năm trở lại đây, tuy sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, minh mẫn và hài hước. Ông vẫn đọc báo, tiếp khách, trả lời phỏng vấn, tham gia một số sự kiện.... Vì vậy, tin ông mệt nặng quả là bất ngờ.
Ông nằm thiêm thiếp trên giường tại nhà riêng ở số 8 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Mái đầu bạc kiêu hãnh, cặp lông mày dài rậm và bạc trắng khe khẽ rung theo nhịp thở khó nhọc qua mặt nạ hỗ trợ oxy.
Người nhà cho biết, sức khỏe ông mới diễn biến xấu khoảng một tuần nay. Trước đó, ông vẫn tự lo việc sinh hoạt cá nhân, mỗi bữa ăn hai bát cơm và theo dõi tin tức thời sự hằng ngày. Cú ngã có thể đã báo hiệu ngọn đèn dầu đang cháy đến những giọt cuối cùng. Dường như biết trước được điều đó nên trước khi chìm vào hôn mê, ông dặn các con: “Cứ để bố ra đi tự nhiên, không cần đưa vào bệnh viện”. 8h sáng ngày 14/4, anh Tùng, con trai thứ của ông cùng vợ từ Đức bay về Hà Nội, cầm tay ông gọi: “Bố ơi, con đã về đây” thì ông đã giơ bàn tay trái lên, ra hiệu đã nghe thấy. Hình như ông vẫn có ý chờ…
Gia đình tôi và gia đình bác Thái Duy có mối quan hệ rất đặc biệt. Cha tôi -nhà văn Hữu Mai- và ông Thái Duy gặp nhau từ cuối năm 1946 trong lực lượng tự vệ thành chiến đấu tại Hà Nội. Kể từ đó, các ông đã cùng nhau đi qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những năm đất nước hòa bình, đổi mới và phát triển. Cho đến ngày cha tôi qua đời (2007), các ông đã có một tình bạn bền chặt, thủy chung như nhất hơn 60 năm, và cũng từng ấy năm, hai gia đình gắn bó với nhau như những người ruột thịt. Hai ông đều làm báo và viết văn, có điều mỗi người chọn riêng cho mình một lối đi để thỏa chí trong đời.
Có lần tôi hỏi ông: “Sao bác không làm nhà văn? Chỉ với một “Sống như Anh” có số lượng phát hành lên tới nhiều triệu bản ở cả trong nước và quốc tế, đã đủ làm nên một tên tuổi lớn”. Ông trầm ngâm: “Nói thật, nếu tôi làm nhà văn thì tôi lo nông dân sẽ khổ. Tôi làm báo mới có thể bênh vực người nông dân vì nông dân ta vĩ đại lắm. Họ là những người ít chữ nhưng đã làm những người nhiều chữ phải thay đổi”.
Hẳn ông muốn nhắc tới gần 10 năm theo đuổi đề tài khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đi khắp đất nước để lấy thông tin, tư liệu và viết bài bênh vực người nông dân, bảo vệ mô hình sản xuất sau này đã làm thay đổi căn bản nông nghiệp nước ta. Đây có lẽ là một chặng đường làm báo đắc ý nhất và sảng khoái nhất của ông.
Một phần trong số những bài viết về đề tài này được tập hợp in thành cuốn sách “Khoán chui hay là chết” (NXB Trẻ, 2013) mà ông vô cùng tâm đắc và thường xuyên nhắc đến trong những câu chuyện về báo chí. Tôi từng hỏi ông: “Phẩm chất nào quan trọng nhất với người làm báo?” – “Nói và viết sự thật.” – “Nhưng có những lúc viết sự thật thì chưa chắc đã được đăng?” – “Biết thế. Những vẫn phải viết. Sự thật.”
Năm 1995, ông nghỉ hưu sau gần 50 năm chính thức cầm bút. Nhưng nhiều phóng viên trẻ vẫn thấy ông đều đặn đến dự các kỳ họp Quốc hội với tư cách “phóng viên nghị trường” không mang thẻ. Không ai hỏi thẻ một nhà báo lão thành đầy tâm huyết và trách nhiệm với dân, với nước như ông. Đều đặn trong và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, bạn đọc lại được đón nhận những ý kiến sắc sảo của ông trên mặt báo. Tôi nhẩm tính, nếu kể từ những bài báo đầu tiên ông viết năm 15-16 tuổi cho tới một, hai năm gần đây ông vẫn viết, thì ông đã có một cuộc đời làm báo trên 80 năm. Đó là một kỷ lục trong làng báo mà khó có người nào vượt qua!
Với bạn đọc, ông là một nhà báo và một nhân cách lớn, là cây đại thụ của thế hệ vàng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Nhưng với tôi và anh em chúng tôi, ông chỉ là “bác Thái Duy” gần gũi, thân thương và trìu mến.
Ông chưa từng một ngày dạy tôi nghề báo, nhưng tôi luôn coi ông là một người thầy qua những câu chuyện về nghề, về nhân cách của người làm báo, về những vinh quang phải nhanh chóng quên đi và những cay đắng mà người làm nghề báo phải vững vàng vượt qua. Ở ông, đằng sau sự nho nhã, lịch thiệp, là sự chính trực, công minh, khôn ngoan, khiêm cung mà không sợ hãi trước bất cứ điều gì. Ông còn là một người rất hài hước, coi việc từ giã thế gian này nhẹ như lông hồng.
Hồi đại dịch Covid-19, ông gọi điện thoại nhờ tôi tìm giúp tờ báo Nhân Dân hằng tháng số mới ra: “Mọi khi tôi vẫn mua ở sạp báo gần Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng bây giờ phố xá bị phong tỏa hết rồi. Các báo tháng ở ngoài này, tôi chỉ đọc mỗi tờ Nhân Dân hằng tháng thôi!”. Tôi hiểu đây là một lời khen.
Ông than phiền: “Làng báo của ta thừa báo ngày mà lại rất thiếu các tờ báo tháng! Báo ngày thì phải cuống quýt theo thời sự, báo tháng mới có thời gian viết và đọc những điều kỹ lưỡng, ngẫm ngợi chứ”. Tôi lễ phép thưa, ngày nào mình còn công tác ở báo Nhân Dân thì mỗi tháng xin được gửi biếu ông một tờ báo tháng. Ông cười khà khà: “Được. Năm nay tôi 95 tuổi, sắp chết rồi, anh không sợ tốn đâu!”. Mấy ai được lạc quan và hài hước như ông!
Có lần tôi hỏi ông, những điều đắc ý và khó khăn trong nghề nghiệp với ông không ít thì nhiều, nhưng điều ông tiếc nhất trong cuộc đời làm báo là gì? Ông bảo, đó là không kịp giúp nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh viết hồi ký (sau Đại hội Đại biểu lần thứ 6 của Đảng, đồng chí Trường Chinh trở thành Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhà báo Thái Duy được chọn làm người giúp đồng chí Trường Chinh viết hồi ký. Hai ông mới làm việc một số buổi, thống nhất đề cương và cách tiến hành thì nguyên Tổng Bí thư qua đời. Với nhà báo Thái Duy, điều đáng tiếc nhất với người cầm bút là những trang sách chưa được viết ra).
Vào lúc 20h56 Chủ nhật 14/4/2024, nhà báo Thái Duy, nhà văn Trần Đình Vân (1926-2024) đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 99 tuổi.