Lâu nay, đi trên các con phố Hà Nội, hình ảnh dễ bắt gặp là các tòa nhà cao tầng mới ra đời, mà nhiều nhất là các tòa chung cư. Có những dãy phố, tuyến đường, các tòa nhà chung cư san sát, ken dày, trông xa cứ như các hộp diêm xếp cạnh nhau vậy. Như thế thì đẹp sao cho được. Người ta xây cốt được nhiều nhà, nhiều căn hộ vì mục tiêu lợi nhuận tối đa.

Rồi những cây cầu vượt mới đưa vào sử dụng chỗ này, chỗ kia. Có cảm tưởng mục tiêu duy nhất của các cây cầu vượt là đi lại sao cho tốt hơn trước là đạt yêu cầu, ngoài ra xấu chút cũng không sao. Không biết thiên hạ nghĩ sao, còn tôi vẫn ước ao, giá như chúng đẹp hơn, nhìn bắt mắt hơn, văn hóa hơn một chút thì tốt biết bao. Mỗi cây cầu vượt sẽ tồn tại khá lâu, mỗi cây cầu nên là một điểm nhấn về giao thông và văn hóa của thủ đô chứ.

Và rồi tối hôm qua đến với Nhà hát Hồ Gươm, quả thật tôi phải tự nhủ đây đúng là một địa điểm khiến người ta rung động. Đây là Chương trình hòa nhạc của Bộ Công an chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh và 78 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.

Phạm Thu Hà biểu diễn "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Báo CAND

Sự ra đời của Nhà hát Hồ Gươm đã cho thấy nếu có tâm, mọi chuyện đều có thể. Hãy hình dung Nhà hát Hồ Gươm hiện diện tại  đúng mảnh đất vàng 40-40A Hàng Bài, nơi trước đây là trụ sở của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Đã có lúc rộ lên tin đồn mảnh đất này sẽ về tay tập đoàn này, tập đoàn kia và đương nhiên sẽ lại mọc lên nhà cao tầng kiểu này, kiểu kia. Rất may, lãnh đạo Bộ Công an, mà người đứng đầu là Bộ trưởng Tô Lâm đã quyết được một việc đầy nhân văn và ý nghĩa: xây một nhà hát trên mảnh đất này. Người đời sau này nếu có nhớ về vị bộ trưởng có thể sẽ nhớ ông là người đề xuất không tổ chức tổng cục thuộc Bộ. Nhưng chắc dễ nhớ và ấn tượng hơn vẫn là không có ông, chưa chắc đã có Nhà hát Hồ Gươm. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội dự chương trình. Ảnh: Báo CAND

Tên nhà hát cũng là một sự lạ và hay: Nhà hát Hồ Gươm. Người đặt tên nhà hát dường như nhắm vào ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Hồ Gươm đã đi vào truyền thuyết cũng như đi vào tiềm thức con người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa các nghệ sĩ sau chương trình​​​​​​. Ảnh: Báo CAND

Đến Hà Nội mà chưa đến Hồ Gươm, ngắm Tháp Rùa và đặt chân trên cầu Thê Húc thì coi như chưa biết Hà Nội. Cùng với Hồ Gươm, Nhà hát Hồ Gươm bên cạnh các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, sẽ luôn nhắc nhở các thế hệ mai sau về những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết đáng lưu truyền mãi trên mảnh đất Hà thành này mà nhà hát được mang tên.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chúc mừng các nghệ sĩ. Ảnh: Báo CAND

Một công trình, một điểm nhấn văn hóa, nghệ thuật như vậy rất đáng được đông đảo người dân cảm nhận. Và đây cũng là tâm niệm trong tôi về độ mở của Nhà hát Hồ Gươm. Hãy mở hết cỡ cánh cửa Nhà hát cho công chúng vào thưởng thức. Vào kể cả không phải giờ có biểu diễn. Sẽ là lý tưởng khi đông đảo người dân thường xuyên tới đây, coi đây là một địa chỉ để thăm quan, giải trí và thưởng thức nghệ thuật. Nhà hát Hồ Gươm thực sự là một nét chấm phá đầy tính văn hóa trong bức tranh Hà Nội.

Tiến sĩ Đinh Duy Hòa

Văn hóa trong vòng xoáy phát triểnĐể tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, chúng ta cần tháo gỡ từ chính các luật tưởng chừng ít liên quan đến văn hóa. Thiếu những tháo gỡ đó, nhiều chính sách tạo thuận lợi về nguồn lực cho văn hóa sẽ gặp khó khăn.