- “Thương hiệu thời trang có phong cách riêng, tạo được chỗ đứng trong thị trường nội địa vẫn còn khá ít chứ chưa nói tới thị trường quốc tế”, NKT Kelly Bùi cho biết.

Với nhiều diễn giả uy tín, hội nghị quốc tế về ngành công nghiệp thời trang 2015 được tổ chức ngày 18/4/2015 tại Hà Nội với chủ đề “Định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp thời trang” nhằm tìm hiểu thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Đây là chặng đường đầu tiên trên con đường dài hướng đến việc tạo dựng những giá trị, phong cách riêng cho hàng dệt may Việt Nam cũng như hàng phụ kiện thời trang.

Thời trang Việt thiếu sự đồng bộ


Tại hội thảo, có rất nhiều diễn giả đã có chung quan điểm rằng, chúng ta khi nhắc tới từ hội nhập văn hóa thì thường hay nói tới gìn giữ văn hóa truyền thống để tránh ‘hòa tan’. Tuy nhiên, gìn giữ văn hóa không đồng nghĩa với việc cực đoan về xu hướng. Các NTK Việt hiện nay chủ yếu chia làm 2 nhóm, nhóm tôn thờ truyền thống , nhóm còn lại thì tôn sùng văn hóa phương Tây làm mất đi bản sắc dân tộc. Rất ít người dung hòa được cả hai yếu tố trên.

{keywords}

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam thiếu sự đồng bộ, mang tính chất tự phát thay vì tuân theo những chiến lược phát triển được quy hoạch bài bản. Việt Nam vẫn còn có đơn vị nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ kiệu chủ yếu là ngoại nhập.

Tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách chưa đánh giá hết tiềm năng của ngành công nghiệp thời trang mà vẫn theo cơ chế “mạnh ai nấy sống”. Kết quả, thị trường thời trang Việt Nam bị quá tải bởi ma hồn trận những thương hiệu thời trang nhỏ lẻ. Mô hình này khó có thể gây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia đồng nhất, tiêu biểu đủ sức cạnh tranh với các thị trường thời trang mới tại châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore.

Cần sự dấn thân của các NTK

NTK Nguyễn Thanh Hương cho rằng, thời trang Việt Nam chưa thực sự phát triển và chưa có nhiều khách hàng đủ nuôi các nhãn hiệu và các NTK. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, NTK phải tự làm hết mọi việc. “Cái khó bó cái khôn, các thương hiệu càng khó phát triển đúng đắn và lâu dài. Các bộ sưu tập chỉ dừng lại ở việc bán số ít và phục vụ nhóm các khách hàng nhỏ”.

Ông Vũ Chí Công, Trưởng khoa thiết kế thời trang, Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp lại bày tỏ nhiều băn khoăn khi hiện tại có quá nhiều danh xưng NTK nhưng đội ngũ tưởng như hùng hậu như vậy lại đang ở đâu, làm gì? “Tôi hy vọng qua hội thảo này làm sáng tỏ chính danh của Nhân lực ngành thời trang – NTK không chỉ hình thành từ thợ may nâng cấp. Trong nền công nghiệp sáng tạo này, vai trò của NTK thể hiện từ trong từng sợi tơ, sợi dệt, từ thiết kế vật liệu, nguyên phụ kiện đến gia công sản phẩm thời trang,…”, ông Vũ Chí Công nói.

{keywords}

Tại buổi hội thảo, các NTK cũng tự nhận thấy vai trò của mình không còn chỉ dừng lại ở vị trí của một NTK, sáng tạo các sản phẩm trên giấy, vải mà mỗi NTK phải thực sự “dấn thân” như những nhà kinh doanh, có sự đầu tư phát triển mang tính chiến lược lâu dài cho thương hiệu thời trang của mình. Vì đích đến cuối cùng của các sản phẩm sáng tạo vẫn là sự đón nhận của thị trường.

Trong khi đó, ông Riccardo Bianco Levrin, chủ thương hiệu thời trang Bianco Levrin Riccardo cho rằng để phát triển một ngành công nghiệp thời trang bền vững, các công ty Việt Nam đang có những cơ hội thú vị để có thể tiếp cận tốt hơn và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nơi đang ngày càng hướng đến các loại vật liệu tự nhiên và những sản phẩm cũng như thiết kế sáng tạo, thân thiện với môi trường.

T.Lê