- Với gia đình tư sản Trịnh Văn Bô, số tài sản hiến cho cách mạng chưa phải là ý nghĩa lớn, mà lớn hơn là họ đã được chăm lo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời trong những ngày đầu thành lập.
Thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng Hà Thành vào những năm của thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước gắn liền với tên tuổi của hai vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Năm 1931, ông Bô đang du học ở Pháp được bố mẹ gọi về nước lấy bà Hoàng Thị Minh Hồ, con cháu của dòng họ Hoàng nổi tiếng đất Hà thành. Cưới xong, ông được bố mẹ giao cho thừa kế cửa hiệu buôn vải và coi sóc các mối làm ăn của gia đình.
Ngàn lượng vàng không tiếc
Do thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, nên ông Bô là người thông dịch viên cho bà Hồ trong những phi vụ làm ăn với đối tác nước ngoài. Những năm 30, mỗi lần xuống Hải Phòng để kiểm tra các chuyến hàng nhập và xuất đi nước ngoài. Hàng hoá của cơ sở Phúc Lợi không những bán cho người trong nước mà còn đi khắp khu vực Đông Dương và chủ yếu là bán buôn.
Gia đình ông bà không chỉ biết đến buôn bán lợi nhuận mà luôn sẵn sàng làm thiện ngay. Ông bà đã ủng hộ 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội). Sau đó, còn tiếp tục làm từ thiện bằng những việc như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, ủng hộ nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh... với số tiền rất lớn.
Rồi một dịp, khi ông Khuất Duy Tiến một nhà cách mạng vừa vượt ngục được người bạn đưa đến nhà ông bà. Bà Bô từng kể: Đó là một ngày tháng 11/1944. ông Tiến đến, hai vợ chồng tôi tiếp, ông ấy nói từ 11h trưa đến 5 giờ chiều về hoạt động của Việt Minh.
Ông Tiến nói rằng, Việt Minh bây giờ cần nhiều tiền lắm, nói thật là 5 xu mua báo cũng khó vì quỹ chỉ có mấy trăm bạc. Tôi nói rằng vậy thì tôi sẽ ủng hộ một vạn đồng Đông Dương, một tuần sau anh đến thì tôi sẽ giao tiền. Để có số tiền đó, tôi phải bán đi 16 hòm tơ bóng. Sau đó, tôi đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn nữa là 3 vạn đồng Đông Dương. Rồi hai cán bộ nữ cũng đến vận động, rằng không có tiền để ra báo (ngày đó gọi là báo Đàn Bà), tôi lại ủng hộ một vạn rưởi.
Bà Hồ kể, tính từ trước ngày khởi nghĩa đến tháng 7/1945 tôi ủng hộ tám vạn rưởi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đưa hai vợ chồng tôi vào Ban vận động Quỹ độc lập. Tôi ủng hộ quỹ tiếp 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng, tôi còn đi vận động cho quỹ này được hơn 1 triệu đồng Đông Dương. Ngay tiếp đó là đến Tuần lễ vàng, vợ chồng tôi cũng ở trong Ban vận động. Tôi lại đóng góp 117 lạng vàng, trong đó tiền riêng của vợ chồng tôi là 103 lạng, còn tôi đưa cho cụ thân sinh của tôi lúc đó đã 85 tuổi một thoi to nhất (14 lạng) để cụ ủng hộ quỹ. Rồi vợ chồng tôi đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.
Đến khi bế mạc Tuần lễ vàng, có tổ chức một bữa ăn ở bên Hồ Hoàn Kiếm, vé bán để tham dự là 120 đồng/chiếc, tôi bảo ông Khuất Duy Tiến đưa cho tôi 100 vé để tôi mời 100 đại biểu là thương gia Hà Nội. Sau khi liên hoan kết thúc, mới tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ, giá đưa ra là 1 vạn đồng Đông Dương, tôi trả là 2 vạn, sau đó giá được đẩy lên cao, cuối cùng giá lên 10 vạn đồng.
Theo bà Hồ, đấu giá ngày đó là ai trả bao nhiêu ghi vào sổ, dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương. Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng.
Tôi cứ tiếp tục những công việc như thế, như lo đài thọ cho Thường vụ gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng... khoảng 15 người về ở nhà tôi. Sau đó, ông Trường Chinh đi đón Bác Hồ về vào ngày 24/8/1945 và ở nhà tôi cho đến 27/9. Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở nhà tôi, số 48 Hàng Ngang.
May áo cho Bác Hồ
Vào khoảng những ngày 26, 27/8, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá. Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải , tôi lấy ra mấy súc ka ki để may cho anh em. Ngoài ra trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy... nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả...!.
Gần sát ngày đại lễ, nhà tôi đã chọn riêng loại vải kaki của Anh để Vũ Đình Huỳnh mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói:
"Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt..."
Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Stalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: "Nhưng mình có phải là Stalin đâu". Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh, một chủ hiệu may có tiếng ở Phố Hàng Quạt tới và trình bày:
"Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ".
Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc dè dặt nói: "Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?". Ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Stalin rồi nói: "Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ".
Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: "Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý... khác thường".
Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm buổi sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: "Được, thế này là hợp với mình".
Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi "cụ lý" mà mình may quần áo cho lại chính là chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại Vườn hoa Ba Đình.
Còn với gia đình tư sản Trịnh Văn Bô, số tài sản hiến cho cách mạng chưa phải là ý nghĩa lớn, mà lớn hơn là họ đã được chăm lo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời trong những ngày đầu thành lập. Tự hào hơn, khi ngôi nhà họ là nơi Bác soạn bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Vân Hằng