- Không có con số thống kê quốc gia về tỉ lệ có việc làm của sinh viên có bằng đại học tại chức, tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng cho biết, bằng tại chức trên thực tế không được "chào đón" mặn mà bởi các doanh nghiệp.


Bằng đại học tại chức cũng gặp khó ở doanh nghiệp


Bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất. Các nhà tuyển dụng rất thực tế, họ không đánh giá ứng viên bởi những bằng cấp mà đánh giá thực chất trình độ chuyên môn của ứng viên đó.
Một đại diện của Công ty Nhân tài Việt, công ty chuyên tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp cho biết, "có khoảng 60-70% các doanh nghiệp vẫn nêu rõ ứng viên xin việc phải có bằng đại học chính quy".

"Chẳng hạn, những ứng viên có bằng tại chức kế toán rất khó xin được việc làm tại các doanh nghiệp".


"30-40% các doanh nghiệp còn lại không quan tâm đến bằng cấp của ứng viên mà chú ý đến kinh nghiệm làm việc. Một người có bằng tại chức nhưng có kinh nghiệm làm việc lâu năm, giỏi về lĩnh vực của mình vẫn thắng những sinh viên có bằng đại học chính quy nhưng vừa mới tốt nghiệp", chuyên gia tuyển dụng công ty Nhân tài Việt tiết lộ.


Chuyên gia này cũng cho biết, không thể phủ nhận là có hiện tượng người có bằng tại chức làm việc không hiệu quả, năng lực kém, nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận hoàn toàn những người có bằng đại học tại chức.


Ông Lê Tánh, Tổng giám đốc công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) cho biết, trong quá trình phỏng vấn ứng viên tuyển dụng, ông không để ý đến bằng cấp của người đi xin việc mà nhìn vào năng lực và kinh nghiệm của họ. Theo ông, đối với những doanh nghiệp không thuộc Nhà nước, người ta không nặng nề về bằng cấp mà quan trọng là hiệu quả công việc.


Theo quan điểm cá nhân, ông Lê Tánh đánh giá cao chất lượng của người đã có bằng đại học thứ nhất và đi học thêm một bằng đại học thứ hai hơn là một người chỉ có một bằng ĐH là bằng tại chức.


Đối với công ty nước ngoài hay liên doanh, thậm chí bằng chính quy còn khó cạnh tranh, chứ đừng nói tới bằng tại chức.


Đại diện công ty Navigos Group cho rằng "bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất. Các nhà tuyển dụng rất thực tế, họ không đánh giá ứng viên bởi những bằng cấp mà đánh giá thực chất trình độ chuyên môn của ứng viên đó. Nhưng ngược lại, bằng cấp cũng phần nào phản ánh trình độ học vấn, hoàn cảnh, góc nhìn nhận vấn đề của ứng viên".


"Đó là lý do vì sao có nhiều vị trí, các nhà tuyển dụng rất thích những người đã du học nước ngoài vì những người du học nước ngoài thường có cái nhìn cởi mở hơn và dễ thích nghi hơn".


Cần có một kỳ thi chung cho chính quy và tại chức


Đại diện của Navigos Group cho biết: " Nếu chỉ nhìn vào tấm bằng mà không đánh giá chủ nhân của tấm bằng, thì rõ ràng một tấm bằng đại học chính quy có lợi thế hơn".


"Nói nôm na theo cách hiểu của nhiều người thì tấm bằng chính quy thể hiện chủ nhân của tấm bằng đó được đào tạo theo chương trình chính quy và tập trung toàn bộ thời gian cho việc học tập, trong khi đó tấm bằng tại chức thể hiện chủ nhân của nó có thể là người vừa đi làm, vừa đi học hoặc là người chưa đến được con đường đại học chính quy. Tuy nhiên, nếu đánh giá về người chủ nhân của tấm bằng thì đôi khi câu chuyện lại hoàn toàn khác".


Một chuyên gia về tuyển dụng nhân sự cao cấp cho biết những công ty nước ngoài khi tuyển nhân sự cũng không để ý đến bằng cấp của người đi xin việc.


Tuy nhiên, nếu cần nhân sự cho vị trí cao cấp như từ vị trí trưởng phòng trở lên thì chỉ nhìn vào những người đã có bằng cấp từ nước ngoài. Không chỉ có thế, ngoài bằng cấp "xịn",  ứng viên cần phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc của mình trong lĩnh vực ứng tuyển.Là một người đã từng du học tại Úc, chuyên gia này cho biết, tại nước Úc, các ngân hàng tuyển nhân sự cực kỳ khắt khe. Chẳng hạn, 1.000 người thi tuyển, họ chỉ lựa được khoảng 50 người mỗi năm. Thậm chí, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hệ chính quy của các trường ĐH mới được tham gia thi tuyển.


Theo ý kiến cá nhân của chuyên gia này, việc tuyển những người thật xuất sắc vào các cơ quan Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Họ là người làm chính sách, vì thế nếu không giỏi thì cả xã hội sẽ bị ảnh hưởng.


Trong quá trình học tập tại nước Úc, chuyên gia này chứng kiến rất nhiều người phải đi học vào buổi tối vì ban ngày phải đi làm. Tuy nhiên, họ vẫn tham gia cùng một kỳ thi với những người học chính quy và nếu đạt yêu cầu, họ cũng nhận được bằng cấp như người học chính quy.


"Nếu ở Việt Nam, có một kỳ thi chung cho người học hệ chính quy và tại chức và chỉ cấp một loại bằng thì bằng cấp sẽ thực chất hơn rất nhiều", vị chuyên gia nhận xét.
 

  • Tú Uyên