Gần Tết, mùa giao thương sôi động nhất trong năm đã bắt đầu. Khác với những năm trước, người dân tiết kiệm tiền to thì nay họ lại lo hết... tiền lẻ. 

Từ hiệu thuốc đến cửa hàng ăn và tất cả hàng quán, dịch vụ bán lẻ, người dân bắt đầu xuất hiện tình trạng dè xẻn tiền lẻ, ngại khách trả tiền… mệnh giá cao.

Gom tiền lẻ bằng mọi cách

Sáng 2/2, trên phố Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên một cửa hàng thuốc thể hiện nét mặt khác thường khi khách hàng trả tiền mua thuốc với tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng rồi hỏi: “Anh không có tiền lẻ à?”. Để chứng minh, vị khách phải vạch chiếc ví đang cầm trên tay cho nhân viên bán thuốc xem tận mắt rồi nói: “Quầy thuốc to như thế này mà thiếu tiền phụ lại cho khách à?”. 

{keywords}

Hoạt động đổi tiền lẻ “ăn” chênh lệch vẫn tiếp diễn ở phủ Tây Hồ ngày 3/2. 

Sau khi vị khách nhận tiền phụ, nhân viên nọ mới phân bua: “Chúng em tiếc tiền lẻ bởi bây giờ đi đổi tiền lẻ khan lắm, anh thông cảm”. Các trình dược viên đang đứng chào hàng trong cửa tiệm thuốc tây này như được “khơi” trúng mạch liền chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến tiền lẻ. Anh Dũng, trình dược viên của một hãng dược châu Âu cho biết, trước đây khi đi giao hàng, nhận tiền từ các quầy thuốc đều lo ngay ngáy vì sợ nhận phải mớ tiền lẻ dày cộp, thì nay muốn có tiền lẻ để trả lại chủ hàng cũng không có.

“Tết này có in tiền lẻ mới đâu anh, vì vậy người mua, kẻ bán ai cũng ngại đụng phải tiền to. Nhiều khách hỏi đổi tiền mệnh giá thấp dưới 5.000 đồng để tiện thực hiện các giao dịch mua bán nhỏ lẻ, chúng em buộc phải từ chối. Thú thực, không phải lúc đó không có nhưng mình cũng như họ, muốn “ỉm” để làm của riêng, khi cần là có ngay chứ không phải chạy đi đổi chác”, anh Dũng nói.

Cũng theo anh Dũng, ngay sau khi có thông tin NHNN không in, phát hành tiền lẻ mới trong dịp Tết này, ngay lập tức những đối tác của anh là các hiệu thuốc có động thái dè xẻn số tiền mệnh giá thấp. “Ngày trước các cửa hàng thuốc là một trong những nơi sẵn tiền lẻ chỉ đứng sau hàng rau. Lúc đó muốn đổi, chỉ cần ngỏ lời là chủ cửa hàng đổi giúp ngay, còn nay phải mối thân quen lắm thì yêu cầu đổi may ra mới được chấp nhận”, chị Trang - một trình dược viên nói.

Sáng 4/2, thay vì phải tất bật bưng bê, lau chùi khi khách vào ăn phở ngày một đông, cậu nhân viên được chủ hàng chỉ định ra chợ cóc gần phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) đổi tiền lẻ. Mỗi sáng, quán phở này phục vụ cho mấy trăm thực khách nên tiền lẻ loại mệnh giá thấp dưới 5.000 đồng được trao đổi khá lớn. 

Trước đây, tiền sẵn nên chủ hàng không sợ thiếu, nay lượng tiền lẻ ngày càng ít đi, muốn có thì phải tất bật đi đổi. Trái ngược với hy vọng của chủ hàng, cậu nhân viên nọ quay về tay không với lời lý giải: “Họ bảo tiền lẻ hiếm nên không đổi đâu cô ạ”. Bà chủ đang chịu áp lực chờ đợi từ khách liền cau có: “Quay lại hỏi mua một món đồ rẻ rẻ gì đó rồi xì tiền to ra là được ngay, nhanh lên!”.

Giá “cắt cổ” vẫn đông khách

Cũng liên quan đến tiền lẻ, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động đổi tiền lẻ thì đến nay, hoạt động đổi tiền vẫn tiếp diễn một cách công khai. Mặc dù quy định cho thấy, hoạt động đổi tiền lẻ ăn chênh lệch sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng nhưng trước mức lãi hấp dẫn, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. 

Sáng 5/2, liên lạc với người đàn ông tên Hoài qua số điện thoại đăng trên mạng Internet để đổi tiền, phóng viên nhận được câu trả lời: “Vẫn đổi tiền như thường”. Theo người đàn ông này, trừ tiền mệnh giá 5.000 đồng thì các loại tiền lẻ khác vẫn nhận giao dịch đổi chác. Khác với trước đây, tùy vào nhu cầu đổi của khách, nơi nhận đổi như chỗ anh Hoài sẽ cung ứng tùy thích. Tuy nhiên giờ đây, để đổi được tiền lẻ thì người có nhu cầu đổi phải chịu một chế tài bất thành văn, đó là: “Phải đổi cả cọc thì mới nhận”.

Về giá chênh lệch khi thực hiện giao dịch, anh Hoài cho biết giá giao động từ 13% trở lên. “Với loại tiền sẵn như mệnh giá 1.000 đồng thì muốn đổi 1 triệu đồng, khách phải mất 1,1 triệu đồng. Các loại tiền mệnh giá khác, số lượng có hạn thì mất 1,3 triệu đồng để nhận về 1 triệu đồng. Nếu anh đổi để về mừng tuổi, đi chùa thì đổi, còn nếu đổi để phụ cho khách thì nên ra ngân hàng cho đỡ phải mất lãi”, anh Hoài nói.

Ngoài các lời rao xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet, tại các đình, đền, chùa vẫn tồn tại các hàng đổi tiền lẻ. Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và một số điểm di tích sau khi có lệnh cấm đổi tiền ăn chênh lệch thì tình trạng này vẫn công khai hoạt động. Tại đây, các loại tiền lẻ mệnh giá từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng mới tinh vẫn được xếp ngồn ngộn từng cọc trong sọt trưng ra dọc lối vào đền, phủ. 

Ngày 3/2, tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), lượng người đến hành lễ đông nghẹt. Hàng đổi tiền lẻ là nơi sôi động không kém các hàng bán hàng lễ. Để đổi tiền lẻ, người đổi phải chấp nhận mức 130.000 đồng lấy 100.000 đồng. Mặc dù chịu sự chi phối của lệnh cấm cùng mức giá chênh lệch “cắt cổ” nêu trên nhưng lượng giao dịch vẫn không kém phần sôi động. Lúc nào quầy đổi tiền ở đây cũng tụm ba, tụm năm người hỏi đổi tiền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 71/BVHTTDL-VHCS gửi tới các địa phương, chỉ đạo việc tiếp tục tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội.

(Theo GĐXH)