Ngày 10/4, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cơ sở y tế này hiện tiếp nhận một số trẻ bị “chắp lẹo” ở mắt đến khám mỗi ngày. 

Đây là bệnh lý viêm nhiễm tại mi mắt hay gặp ở trẻ em và người lớn. Biểu hiện của bệnh là những ổ sưng đột ngột khu trú ở vùng mi mắt, đôi khi sưng tấy lan tỏa gây đau nhức, cộm, phù nề làm hạn chế tầm nhìn trong giai đoạn viêm cấp. Bệnh xảy ra do tắc nghẽn tuyến tiết bã nhờn của mi mắt, không liên quan đến nhiễm trùng.

Trẻ bị chắp ở mắt thường gặp các triệu chứng như sưng, đau, đỏ mắt, cảm giác cộm ở mi mắt. Sau vài ngày, chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần thành một khối màu đỏ trên mi mắt hoặc màu xám dưới kết mạc mi.

Biểu hiện khi trẻ bị chắp lẹo ở mắt. Ảnh: BVCC.

Trong khi đó, lẹo là một ổ sưng tấy cục bộ cấp tính của mi mắt, thường do nhiễm vi khuẩn sinh mủ (tụ cầu vàng) hoặc áp-xe. Hầu hết lẹo nằm bên ngoài mi và là kết quả của tắc nghẽn hay nhiễm trùng. 

Khi lẹo mới xuất hiện, mi mắt của bệnh nhân sẽ hơi sưng, đỏ, kèm theo ngứa và đau. Sau đó, nổi lên như một hạt gạo, kèm theo chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật.

Lẹo thường xuất hiện ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi. Sau khoảng 3-4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ. Đặc điểm của bệnh này là rất hay tái phát, có khi sưng to gây sụp mi.

Bác sĩ cho hay người lớn và trẻ nhỏ đều có thể bị chắp lẹo. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm người đã từng bị chắp hoặc lẹo, cơ địa có mụn trứng cá đỏ hay viêm da tiết bã, người bị đái tháo đường, không tẩy sạch vùng mắt khi trang điểm, dùng mỹ phẩm hết hạn hoặc nhiễm bẩn, không vệ sinh vùng mắt.

Chắp lẹo có thể lây từ người này sang người khác nếu sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Để điều trị, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh toàn thân giúp tiêu mủ và kết hợp thuốc nhỏ mắt. Với những lẹo to hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể sử dụng corticoid, chích lẹo hoặc kết hợp cả hai.

Bệnh sẽ tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh mắt đúng cách. Bác sĩ cảnh báo tuyệt đối không chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo chỉ định vì dễ làm tổn thương lan rộng hoặc tái phát, hoặc để lại sẹo xấu gây co rút mi mắt.

Ngoài ra, các mẹo dân gian chữa lẹo như cột chỉ vào ngón tay hoàn toàn không có tác dụng. Bệnh nhân cần đi khám sớm để hạn chế việc chắp lẹo bị lây lan nhiều ở cả hai mắt.

Trẻ nhỏ được thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: GL.

Để phòng ngừa, người dân cần rửa tay thường xuyên và không đưa tay dụi mắt. Sử dụng các biện pháp bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm môi trường như đeo kính khi ra đường, khi dọn dẹp nhà cửa hay lao động; tránh đến những nơi ô nhiễm không khí nặng nề. Trẻ nhỏ cần được rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, tránh dụi mắt. 

Bên cạnh đó, cần tẩy trang sạch sẽ sau khi trang điểm mắt, không sử dụng mỹ phẩm hết hạn, không dùng chung khăn mặt hay đồ trang điểm. Vệ sinh mắt bằng nhỏ nước muối sinh lý khi viêm nhiễm vùng mi, hạn chế ăn uống đồ ngọt nhiều, đi khám sớm ngay khi có triệu chứng bệnh.