Trong suốt thời gian qua, vấn nạn khuyến mãi ảo của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước luôn là câu chuyện làm đau đầu người tiêu dùng và cơ quan quản lý.

Mới đây, như ICTnews từng phản ánh, trong Ngày hội mua sắm online lớn nhất năm Online Friday 2016 do Bộ Công Thương tổ chức, ngay từ ngày 25/11 đến trước thời điểm khởi động chương trình ngày 2/12, hệ thống quét giá của Ban Tổ chức đã hạ đến 60.000 (trong số 280.000) sản phẩm có giá niêm yết cao hơn so với giá thị trường.

Và trong ngày chương trình chính thức diễn ra hôm 2/12/2016, vẫn có hơn 600 báo cáo xấu về các sản phẩm, dịch vụ được phản ánh tới Ban Tổ chức. Trong đó, số lượng phản ánh giá niêm yết cao hơn nhiều so với giá thị trường chiếm 25%; số lượng phản ánh khuyến mãi không đúng như mô tả trên website là 24%.

Theo các chuyên gia, chính áp lực cạnh tranh về giá đã khiến nhiều trang thương mại điện tử sử dụng nhiều chiêu trò gây nhầm lẫn cho khách hàng nhằm tạo ấn tượng về quy mô cũng như giá bán.

Cùng đó, trong cuộc đua thương mại điện tử, dường như nhiều đơn vị đã quên mất thực chất ưu điểm của thương mại điện tử lại nằm ở tính thuận tiện, đơn giản, an toàn của mô hình này chứ không phải chỉ là giá cả. Chiến thắng bằng việc giảm giá có rủi ro lớn hơn rất nhiều so với chiến thắng bằng việc cung cấp những giá trị vượt trội. Sử dụng dịch vụ về giá là yếu tố ít trung thành nhất trong mua sắm trực tuyến.

Thời gian gần đây, một số trang thương mại điện tử đang có những động thái nhất định tập trung vào yếu tố chất lượng dịch vụ, gây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Ví dụ, ứng dụng mua sắm trên di động Shopee áp dụng chính sách “Shopee đảm bảo”, cho phép khách hàng dù thanh toán online hay COD thì chỉ khi nào người mua nhận được hàng đúng như mô tả thì người bán mới nhận được tiền, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn bán chộp giật online.

Sendo cũng tuyên bố đấu tranh với khuyến mãi ảo của các shop thông qua hệ thống Big Data xây dựng bởi FPT.

Tiki với mô hình B2C giúp kiểm soát hàng hóa từ khâu nhập kho, trang thương mại điện tử này đang cố gắng đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi giao đến tay người mua, cho phép khách hàng đổi trả hàng 15 ngày nhằm tạo tối đa cảm giác yên tâm khi mua sắm.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong xu thế cải thiện chất lượng dịch vụ thương mại điện tử. Dù vậy, nhìn trên bộ mặt bằng chung, vẫn rất khó khăn khi muốn chọn ra một đơn vị tiêu biểu có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

Cuộc khảo sát từ QandMe hồi tháng 7/2016 cho thấy, trong số những người không muốn mua sắm online thì có tới 57% lo ngại về vấn đề chất lượng sản phẩm, 20% cảm thấy thiếu an toàn với hình thức này. Do đó, bất cứ doanh nghiệp thương mại điện tử nào muốn tồn tại lâu dài trên thị trường cần xác định rõ yếu tố mang đến thành công là những giá trị thực mà họ có thể đem lại cho khách hàng đồng thời trung thành đi theo những giá trị đó.

Bởi sớm muộn, chỉ doanh nghiệp nào có những giá trị dịch vụ tốt nhất mới có cơ hội vượt lên trong cuộc chiến thương mại điện tử khốc liệt.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng việc kiểm soát khuyến mãi thật - ảo là thử thách không nhỏ đối với thương mại điện tử, nhất là với sự kiện lớn như Online Friday.

“Thương mại điện tử cũng như thương mại truyền thống, bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc thì còn có những doanh nghiệp chưa nghiêm túc, luôn tìm mọi cách để lách và trục lợi”, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp phải nghiêm túc thay đổi nhận thức, bảo vệ thương hiệu của mình. Bởi người tiêu dùng hiện nay rất thông minh, không dễ bị lừa và cùng đó còn có nhiều công cụ trực tuyến khác giúp họ tiện so sánh. Nếu cố tình dùng chiêu trò thì chỉ hại cho uy tín của doanh nghiệp trước người tiêu dùng, đánh mất uy tín đối với truyền thông.