Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đang chăm sóc nhiều cá thể mèo rừng. Trong đó, có 3 cá thể tại khu bán hoang dã, không có khả năng tái thả về tự nhiên.
Mỗi cá thể mèo ở đây là một câu chuyện và Đại Lải là cá thể đặc biệt nhất vì đã ở trung tâm 15 năm qua. Đại Lải là cá thể đầu tiên được cứu hộ về đây.
Đại Lải được cứu hộ vào ngày 18/4/2008 tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), nên trung tâm lấy tên nơi cứu hộ đặt tên cho cá thể mèo này. Khi Đại Lải được cứu hộ mới khoảng 3 tuần tuổi, mèo nặng 290gram.
Sau khi được các bác sỹ, cán bộ trung tâm chăm sóc, sức khỏe Đại Lải đã trở lại bình thường, tinh nghịch, thích khám phá mọi thứ xung quanh... Nhưng vì bị nuôi nhốt từ bé nên Đại Lải không thể trở về với tự nhiên, do không thể hòa nhập được.
“Với nhiều cá thể mèo rừng được chúng tôi cứu hộ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi đến khi tái thả về tự nhiên chỉ khoảng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, với Đại Lải lại là câu chuyện đặc biệt khi đã ở đây 15 năm qua, do mất đi tính hoang dã nên được giữ lại làm đại sứ giáo dục”, anh Hoàng Văn Thái, cán bộ phụ trách đội cứu hộ, chia sẻ.
Còn với cá thể mèo có tên Sáng, được đưa về trung tâm chăm sóc ngày 26/6/2017 với tình trạng gần như mất cả bàn chân trước bên trái, chỉ còn lại duy nhất ngón chân cái. Với thể trạng như trên, cá thể mèo tên Sáng gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển, đó cũng là lý do khiến Sáng không thể trở về với tự nhiên.
Bình Định là cá thể mèo rừng được cứu hộ về trung tâm ngày 20/10/2022. Trước đó, cá thể mèo này được một người phụ nữ ở TP Quy Nhơn (Bình Định) mua lại khi sắp bị bán vào lò mổ, chân trước bị gãy do dính bẫy.
Người phụ nữ này đưa cá thể mèo đi khám thú ý, phẫu thuật cắt bỏ chân bị hoại tử và đưa về chăm sóc 3 tháng. Khi mèo khỏi hoàn toàn thì liên hệ chuyển cho trung tâm cứu hộ.
‘Đại sứ giáo dục’
Theo anh Hoàng Văn Thái, cán bộ phụ trách đội cứu hộ, những cá thể mèo như Đại Lải, Sáng, Bình Định không có khả năng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên, được giữ lại với mục đích làm "đại sứ giáo dục môi trường" để du khách tham quan, học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về loài mèo rừng.
Việc này giúp mọi người hiểu rõ hơn về mèo rừng, các hành vi nghiêm cấm như săn bắn, mua bán, sử dụng mèo rừng...
“Ở trung tâm có rất nhiều động vật hoang dã như rái cá, tê tê, cầy... Việc có những trung tâm cứu hộ như thế này là rất tốt và quan trọng, giúp cho người dân có thể đến tham quan, giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ động vật hoang dã”, anh Thái chia sẻ.
Cũng theo anh Thái, việc cứu hộ mèo rừng mất rất nhiều thời gian như tiếp nhận, cách ly, kiểm tra sức khỏe, chăm sóc điều trị, phục hồi và thả về tự nhiên. Còn những người cứu hộ mèo thì không quản ngày đêm, không có ngày nghỉ. Thực tế, khi nhận được thông tin có mèo rừng cần cứu hộ ở bất cứ đâu, những cán bộ ở trung tâm lại lên đường.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật đã cứu hộ thành công 70 cá thể mèo rừng, chăm sóc và tái thả về tự nhiên 42 cá thể. Trong đó, vụ cứu hộ 5 cá thể mèo rừng (năm 2022) ở Điện Biên là lớn nhất.
Trần Nghị