- Giá đắt “cắt cổ” nên vài năm trước, tắm trắng được coi là phương pháp làm đẹp chỉ dành cho nhà giàu. Song gần đây, việc “thay da đổi thịt” không hề khó bởi công nghệ tắm trắng đã được nâng cấp để đáp ứng mọi đối tượng.
Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Không ít quý bà quý cô ngốn vài chục triệu đồng mà “mèo vẫn hoàn mèo”, thậm chí “tiền mất tật mang”.
Cùng điểm qua các phương pháp làm trắng da thông dụng, được ưa chuộng nhất hiện nay.
Tắm trắng
Tắm trắng được quảng cáo là một hình thức làm trắng da lành tính do chỉ tác động từ bên ngoài, vì thế qua một thời gian dài phương pháp này vẫn được chị em ưa chuộng.
Tắm trắng thường bao gồm các bước: tẩy da chết, tắm trắng, massage, bôi kem dưỡng. Một số cơ sở spa còn tiến hành soi da để xác định lượng hắc tố cũng như quyết định liều lượng thích hợp trong quá trình làm trắng trước khi tiến hành các công đoạn tiếp theo.
Giá cả của phương pháp tắm trắng tùy thuộc vào liệu trình và uy tín của thẩm mĩ viện. Đối với dịch vụ bình dân, một liệu trình tắm trắng giá từ 3 triệu đến 7 triệu đồng; tại các cơ sở uy tín hơn là 2-3 triệu đồng một lần tắm trắng, tổng cộng cả quá trình 10-15 triệu; còn tại các spa cao cấp, tổng chi phí có thể lên tới 20-40 triệu đồng.
Hiện các spa đưa ra rất nhiều hình thức tắm trắng cho khách hàng lựa chọn, như tắm trắng bằng cám gạo, bằng thuốc bắc; cao cấp hơn có tắm trắng bằng tổ yến hay tắm trắng bằng công nghệ nano.
Tiêm trắng
Tiêm trắng là một trong những hình thức làm trắng da nhanh nhất, sẽ mang tới hiệu quả ngay sau khi sử dụng bởi nó trực tiếp làm thay đổi nội tiết tố, lượng hồng cầu cũng như ức chế sự phát triển của các hắc tố.
Vì mang tới hiệu quả tức thì nên chi phí cho tiêm trắng da không hề nhỏ, từ vài chục triệu đến cả trăm tiệu đồng.
Thành phần chủ yếu của thuốc tiêm trắng gồm glutathione, collagen, acid alpha lipoic, vitamin C... Tuy nhiên, tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã khuyến cáo việc tiêm glutathione có thể gây tác dụng phụ như rụng tóc, nổi đốm trắng trên móng tay, tê hoặc run chân, tay, trầm cảm, lo âu, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp... Đồng thời, phương pháp này cũng không mang lại hiệu quả lâu dài. Người dùng sẽ phải tiêm thuốc định kì để duy trì làn da trắng sáng.
Kem trộn
Dùng kem trộn có lẽ là hình thức làm trắng phổ biến, thông dụng nhất và đây cũng là chủ đề luôn được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn làm đẹp. Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến vài trăm ngàn là có thể sở hữu một hũ kem trộn với lời quảng cáo là có thể làm trắng một cách an toàn và nhanh chóng.
Nguồn gốc xuất xứ của kem trộn cũng vô cùng đa dạng, từ những loại được quảng cáo là nhập từ các nước như Hàn Quốc, Thái Lan... đến các loại tự pha chế, thậm chí người sử dụng có thể tự làm cho mình những hũ kem trộn theo công thức có sẵn trên mạng. Thành phần của các loại kem trộn vì thế cũng vô cùng khác nhau, thông thường bao gồm Vitamin E, Aspirin, Cortibion... Công thức chung của các loại kem này rất đơn giản, đó là nghiền các loại thuốc với nhau tạo thành hỗn hợn kem có thể sử dụng được ngay.
Trong thành phần của kem trộn có Corticoid - một loại thuốc được dùng để kháng viêm, ức chế miễn dịch, nên có thể làm da trắng rất nhanh, nhưng lại gây ra tác dụng phụ như giãn nở mạch máu, rậm lông, teo da, phát ban trứng cá, trứng cá mụn mủ, rối loạn sắc tố da, sạm da... Bên cạnh đó, người dùng rất dễ bị lệ thuộc vào thuốc, cụ thể là sau khi sử dụng kem trộn thì da rất khó thích ứng với sản phẩm khác, làm cho việc điều trị kéo dài, tốn kém.
Thuốc uống
Dùng thuốc làm trắng da cũng là một hình thức làm trắng da từ bên trong được quảng cáo là có hiệu quả nhanh chóng, đôi khi chỉ sau vài ngày sử dụng. Các loại thuốc uống làm trắng da xuất xứ từ Thái, Mỹ, Nhật... có dạng viên nén và dạng nước, giá dao động từ 700.000-3 triệu đồng/lọ. Ngoài ra, còn có thuốc làm trắng da đông y có thành phần thảo dược, giá khoảng 500.000-2 triệu đồng/lọ.
Thông thường, khi mới uống thuốc, người dùng rất phấn khởi khi thấy da mình trắng lên nhiều, song nhiều trường hợp chỉ sau vài tuần đã thấy da mỏng đi, trắng không đều, cá biệt còn có trường hợp bị run tay, run chân, mệt mỏi... khi ngưng thuốc thì da bị ngứa, sạm.
Xà phòng tắm trắng
Các loại xà phòng tắm trắng thường được bán trên mạng và được người bán giới thiệu là có xuất xứ từ Thái Lan và được chiết xuất từ các loại thảo mộc thiên nhiên. Bao bì của sản phẩm rất đơn giản, chỉ có lớp ni long trong suốt bọc bên ngoài bánh xà phòng, mặt trước và mặt sau có dán nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng Thái.
Loại xà phòng này được quảng cáo là rất đa năng, ngoài tắm, còn có thể sử dụng như sửa rửa mặt, kem tẩy trang... dùng lâu da sẽ trắng hồng, khí huyết lưu thông, không trắng xanh, trắng bệnh.
Nếu như các hình thức làm trắng da khác thường quảng cáo sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng thì loại xà phòng tắm trắng lại được chủ hàng giới thiệu là không có chất tẩy nên không làm trắng da “thần tốc”, tuy nhiên nó sẽ có kết quả lâu dài, đáng tin cậy. Đặc biệt, so với các phương pháp khác thì giá của loại xà phòng tắm trắng này rất ổn, chỉ 50.000-80.000 đồng/cục.
Nhiều người dùng cho biết, sau khi sử dụng loại xà phòng này thấy da không trắng mịn hơn, công dụng của nó chỉ như những loại xà phòng tắm thông thường.
Hỏng da vì tắm trắng
Các bác sĩ của Trung tâm Điều trị da liễu thẩm mỹ thuộc Viện Bỏng Quốc gia và các trung tâm miễn dịch lâm sàng cho biết, dịch vụ tắm trắng ở Việt Nam đang rất phổ biến và cũng rất nhiều trường hợp phải nhập viện để giải quyết những hậu quả do tắm trắng gây ra. Đáng chú ý, không chỉ có những người trình độ thấp, thiếu hiểu biết tự ý sử dụng các loại kem pha trộn trôi nổi trên thị trường để tắm trắng, mà nhiều người có địa vị, học vấn cũng trở thành “nạn nhân” của tắm trắng.
Theo các bác sĩ, có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng khắp người ngứa ngáy, nổi mụn nước li ti, da mặt bị sạm đen vì đang sử dụng dịch vụ tắm trắng ở một spa “uy tín”với giá hàng chục triệu đồng, nhưng mới đến ngày thứ ba của liệu trình đã xảy ra phản ứng khiến toàn bộ da trên cơ thể bị mẩn đỏ, rỉ nước, rất đau, xót. Những trường hợp như vậy phải mất ít nhất ba tuần nằm điều trị tại Viện Bỏng, bệnh nhân mới được xuất viện nhưng làn da thì đã trở nên nhem nhuốc và sần sùi do tác hại của hóa chất tẩy trắng mà phải vài năm sau mới khắc phục được.
Tắm trắng “siêu tốc” có thể gây những biến chứng về sau như ung thư da, da yếu, da kém tươi sáng và đặc biệt da sẽ có màu trắng tái như người ốm. Chất tẩy trong sản phẩm tẩy tế bào chết và tắm trắng thường chứa hàm lượng các chất như thủy ngân, hydroquinone. Thủy ngân là chất độc, còn hydroquinone đã được khoa học chứng minh là có khả năng gây ra các bệnh bạch cầu.
Rất nhiều trường hợp bị viêm da, dị ứng da có nguyên nhân từ tắm trắng. Sản phẩm thuốc tắm trắng hoàn toàn không có danh mục dịch vụ y tế được phép ban hành của Bộ Y tế.
Nhị Anh (tổng hợp)