Vài dặm sau ngôi làng nhỏ bé Molodoshkovo, một con đường ghồ ghề được tiếp nối bởi một đường mòn lầy lội. Chỉ có 4 cư dân - ba trong số đó trên tuổi 75 - nhưng có tới 11 ngôi nhà ở Molodoshkovo. 

TIN BÀI KHÁC:



Từ Bồ Đào Nha tới Nhật Bản, suy giảm về nhân khẩu học là một câu chuyện giống nhau ở các nước phát triển, nhưng sự thu hẹp dân số nông thôn lại đặc biệt nghiêm trọng ở Nga. Khu vực Pskov, nhà của Molodoshkovo, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhất. 

Theo dữ liệu ban đầu của cuộc điều tra dân số Nga năm 2010, dân số vùng Pskov đã tụt giảm gần 1 triệu người trong vòng 8 năm qua - tương đương 11,5%. Dân số ở cả nước này nói chung giảm 1,6%. 

Trong danh sách 83 khu vực thuộc Nga được xếp hạng về suy giảm dân số, Pskov đứng thứ 3 sau Magadan, nơi từng tập trung các trại lao động cưỡng bức của Liên Xô ở phía đông bắc nước này, và cộng hòa Ingushetia ở bắc Caucasia, vốn hứng chịu nhiều thập niên bạo lực. 

Pskov nằm ở biên giới phía tây của Nga, giáp với Liên minh châu Âu. Và không giống như Magadan hay Ingushetia, đây là vùng đất cổ xưa của người Nga. Thủ phủ cũng có tên Pskov được thành lập năm 903 và là nơi Nga hoàng cuối cùng ký sắc lệnh thoái vị năm 1917.

Pskov có một bề dày lịch sử lâu dài và sở du lịch địa phương đã nghĩ ra một khẩu hiệu được in trên mọi xe buýt của thành phố: "Vùng Pskov: Nước Nga bắt đầu từ đây".

Rất ít hoạt động giao thông công cộng chạy qua Molodoshkovo, ngôi làng nối với vùng trung tâm thị trấn cách đó hơn 20km. Chỉ có một tuyến xe buýt chạy mỗi tháng một lần. Nhưng Molodoshkovo khi xưa không hoang vắng như vậy.  

Một bức ảnh chụp hồi đầu thế kỷ 20 cho thấy Molodoshkovo vào một ngày lễ hội. Có hơn 16 người trong bức ảnh, cả già lẫn trẻ, và có một ngôi nhà hai tầng phía sau họ.  

Ngày nay, 7 ngôi nhà bỏ hoang của làng chẳng còn giá trị gì. Những bức tranh rách nát, những chiếc lọ rỗng và các công cụ làm nông nông nghiệp cũ kỹ nằm giữa mọi thứ vương vãi dưới nền nhà. 

Thế chiến II đã giáng đòn đầu tiên vào dân số khu vực này ở Nga. Trong số 1,5 triệu người sống trong vùng trước chiến tranh, chỉ 500.000 vẫn ở lại khi quân phát xít rút về Đức năm 1944. Pskov là làng Xô Viết cuối cùng được tự do khỏi sự chiếm đóng khỏi phát xít Đức.  

Nhưng sự suy giảm dân số Nga nhìn chung bắt đầu từ khi Liên Xô sụp đổ - vào năm 1992, lần đầu tiên có nhiều người chết hơn là được sinh ra kể từ Thế chiến II. Từ đó, nhiều yếu tố khác nhau đã góp phần vào tình trạng suy giảm này. 

Sự lây lan của bệnh tật, nghèo đói (23 triệu người Nga sống với chưa đầy 231 USD/tháng), tỷ lệ bạo lực cao cùng nạn nghiện rượu, thuốc lá đã làm tăng cao tỷ lệ tử trong khi tỷ lệ sinh vẫn thấp. Tuổi thọ của nam giới ở Nga là 61,8 năm so với 74,2 năm ở nữ giới.  

Ở nhiều vùng nông thôn, hệ thống nông nghiệp sụp đổ khiến cho người dân đổ xô tới các thành phố kiếm ăn. Các trường học phải đóng cửa và các dịch vụ công cộng khác nhanh chóng di dời ra bên ngoài. 

Một nguồn tin thân cận với thống đốc vùng Pskov nói: "Tất nhiên là thật tệ khi có đất mà không có người ở. Nhưng bạn có thể nói rằng nông nghiệp đang rệu rã - hoặc có thể nói người ta không muốn làm nông nghiệp nữa. Người ta muốn sống một cách "hiện đại" - ngồi trước máy tính, đi siêu thị, nhận lương và tiêu khiển với khoản lương đó - họ không thích lao động chân tay". 

Ông nhắc đến sự phát triển của St. Petersburg. "Chúng tôi không chờ chết [ở Pskov] vì mọi thứ rất tệ hại mà bởi cỏ đang xanh hơn ở phía bên kia cánh đồng". 

Nina Antonovna sống ở Baranovo, cách Molodoshkovo vài cây số. Cụ cho biết, Baranovo - với dân số hiện thời là 3 người lớn và 6 con dê - là tiêu biểu hơn cả cho sự tụt giảm của khu vực

Cách đây 50 năm, Baranovo có 12 ngôi nhà và vài gia đình có trẻ nhỏ, theo Antonovna, người chào đời ở ngôi làng này và giờ đang ở tuổi 80. Chồng cụ, Nikolai Antonov, cho biết cha cụ từng sống ở thôn Timnovo bên cạnh và trong thời thơ ấu của cụ, nơi đây có hơn 50 người sinh sống. 

Nhưng cư dân cuối cùng của Timnovo, Maria Ivanovna, qua đời vào Tết năm 2011 và một nhóm người đã phải dùng xe kéo đưa thi thể của cụ tới nghĩa trang trong cảnh tuyết rơi dày đặc. 

Chỉ rất ít khu định cư nông thôn ở Nga không có nhà bỏ hoang trong khi có khoảng 6.000 "ngôi làng ma" giống như Timnovo - không hề có một cư dân nào sinh sống - trên toàn đất nước này. 

Nhiều người mô tả các vấn đề dân số của Nga là một cuộc khủng hoảng. Trong một báo cáo hồi tháng 4, Viện Dân số và Phát triển Berlin dự đoán dân số Nga sẽ giảm thêm 24 triệu người ữa trước năm 2050 - biến nước này trở thành nước đông dân thứ 14 thế giới - trên Việt Nam một bậc.

Suy giảm dân số là một vấn đề chính trị ở Nga. Cả Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev đều công khai nói về nó. 

Trong bài phát biểu hàng năm ngày 20/4 trước Quốc hội Nga, ông Putin nói rằng 1,5 nghìn tỷ rúp (52,5 tỷ USD) đã được phân bổ cho "các dự án nhân khẩu học". 

Tuy nhiên, Nikolai Petrov, một học giả thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow, lại nói rằng chính phủ không giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ.

Thanh Hảo (Theo CNN)