Sản phẩm có chất lượng vẫn được game thủ ưu ái
Nhiều game thủ cho rằng các NPH Việt hiện vẫn đang an phận với những sản phẩm có chất lượng trung bình, nhằm đảm bảo an toàn cho kế hoạch kinh doanh của mình. Tuy nhiên trong năm 2014, nhiều tựa game có chất lượng tốt thuộc nhiều thể loại khác nhau lần lượt ra mắt game thủ Việt và chứng minh rằng, các NPH vẫn mong muốn phát triển thị trường trong nước bằng cách mang các sản phẩm bom tấn về VN.
Có thể kể đến một vài gương mặt tiêu biểu như Warface, Tiếu Ngạo Giang Hồ hay gần đây nhất là War Thunder đã làm nức lòng không ít game thủ Việt. Trong những sản phẩm đó, vì nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, có trò chơi vẫn duy trì sức nóng như lúc ra mắt cũng có sản phẩm đã dần trở nên nguội lạnh nhưng có thể nói rằng ít nhất các sản phẩm có chất lượng vẫn nhận được sự ưu ái của game thủ Việt.
Bắt nhịp và hòa nhập với xu hướng chung của thế giới
Trước đây khi nói đến những sự kiện game lớn trong khu vực như Tokyo Game Show hay ChinaJoy, không ít game thủ Việt vẫn ước ao một ngày nào đó quốc kỳ Việt Nam sẽ xuất hiện tại các gian hàng trong hội chợ. Nay điều đó đã không còn là ước muốn xa vời khi các công ty game trong nước giờ đây đi ChinaJoy như đi chợ và tại G*Star 2014, hội chợ game lớn nhất Hàn Quốc, đã xuất hiện gian hàng giới thiệu của VTC Intecom và Sgame. Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng đã xem Việt Nam là một thị trường chính thức khi liên minh công nghiệp di động Trung Quốc - ASEAN (CAMIA), và NSX Game Teahouse đã tổ chức hội thảo Mobile Game Win+ Salon với sự tham gia góp mặt của hơn 20 công ty game có tên tuổi của xứ sở gấu trúc như NetEase, Baidu,...
Tích cực hơn trong việc chứng tỏ lợi ích của game online
Trong năm 2014, không ít những hoạt động thiện nguyện được các NPH tổ chức để những tầng lớp trong xã hội có cái nhìn khách quan và rõ nét hơn về bản thân của ngành game cũng như game thủ. Tuy chưa thể hiện được hiệu quả đáng kể nhưng ít ra, chúng ta hãy tự hào rằng game thủ cũng bình thường như bao người khác, rằng xã hội có người tốt kẻ xấu thì game thủ cũng như vậy. Đừng vì một vài trường hợp cá biệt mà đánh đồng hay quy chụp toàn bộ những gì có liên quan tới game đều là xấu xa hay tệ nạn xã hội.
Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến ngành game
Đầu năm 2014 đánh dấu sự can thiệp mạnh tay của chính phủ vào hoạt động bất hợp pháp của các công ty game Trung Quốc tại Việt Nam. Từ việc nhà nước mạnh tay loại bỏ các sản phẩm của LemonGame và KoramGame tại Việt Nam, có thể thấy nỗ lực rất lớn từ cơ quan chức năng, trong cuộc chiến chống lại các doanh nghiệp game Trung Quốc hoạt động không phép tại Việt Nam, gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cần phải có phương pháp giải quyết triệt để, bởi sau một thời gian nữa, khi các cơ quan quản lý không kiểm tra thường xuyên thì các game này sẽ lại "đội mồ sống dậy".
Cuối cùng một tin vui những ngày cuối năm cho mảng game online tại Việt Nam chính là vào chiều 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với 366/430 tán thành, chiếm tỷ lệ 73,64%. Qua đó mặt hàng game online không thuộc diện đánh thuế TTĐB. Theo UBTVQH, nếu áp dụng thuế TTĐB vào trò chơi điện tử sẽ không góp phần hạn chế được các trò chơi trực tuyến xâm nhập từ bên ngoài, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của DN. Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, các sản phẩm trò chơi điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trước khi cấp phép được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhiều công ty lớn bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận game là một ngành công nghiệp hái ra tiền
Trong hoàn cảnh khó khăn, game online tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp xem là ngành “dễ sinh lời” và hàng loạt doanh nghiệp lớn đã chuyển sang kinh doanh ở lĩnh vực này. Cụ thể có thể kể đến các công ty hoạt động về Thương mại Điện tử cũng như trong lĩnh vực thanh toán đều chuyển sang đầu tư và các hoạt động kinh doanh liên quan đến game online như: VNPAY, Vật Giá, VNPT Pay, Ngân Lượng,… và nhiều thông tin cũng cho thấy các tập đoàn truyền thông lớn như AVG cũng có ý định nhảy vào lĩnh vực này.
Những chiêu trò xấu xí vẫn tiếp tục xuất hiện
Ngoài những câu chuyện đáng mừng, trong năm 2014 làng game Việt vẫn còn đó những câu chuyện mà không ai muốn thấy. Đầu tiên là câu chuyện từ muôn năm cũ khi các NPH tiếp tục lạm dụng quảng cáo gây sốc hoặc gợi dục để thu hút người chơi. Về mặt nào đó điều này cho thấy sự cạn kiệt về ý tưởng của đội ngũ marketing, tuy nhiên không thể phủ nhận sự thiếu đạo đức trong kinh doanh của những NPH có điều kiện kinh tế nhưng thất đức này.
Chưa hết, các NPH thiếu lương tâm còn giở trò mạo danh game mới để đánh lừa người chơi hoặc các game có tên tuổi nhằm gây tiếng xấu cho đơn vị chủ quản của sản phẩm đó. Bên cạnh đó, những chiêu trò bẩn thỉu nhằm dìm hàng đối thủ đã xuất hiện từ nhiều năm trước vẫn được nhiều NPH xem là bài học hay để thỉnh thoảng đem ra áp dụng mỗi khi có cơ hội. Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến việc làm xấu đi khái niệm "đại sứ game" bằng các hoạt động khoe ngực lộ liễu, là Quân Kun với bộ cosplay không thể ghê tởm hơn hay dạo gần đây ăn theo độ nóng của Kenny Sang cũng rộ lên.
Game thủ mất niềm tin vào NPH
Tiêu biểu cho việc này có thể kể đến sự xuất hiện của cụm từ quái dị "bảo trì vĩnh viễn", thực tế mà nói đây là cách dùng hoa ngôn xảo ngữ để ngụy biện cho việc đóng cửa trò chơi. Trong năm nay có khá nhiều sản phẩm đã lạm dụng cụm từ này như MU Return, Minh Nguyệt Đao hay Steam City vừa gia nhập đội quân bảo trì vào cuối tuần rồi.
Trên thực tế, chiêu bài "bảo trì vĩnh viễn" đã được manh nha từ lâu, nhưng đến nay mới được nhiều NPH mạnh tay áp dụng. Tất nhiên, với những game thủ kinh nghiệm hay chơi vui thì họ cũng không quá băn khoăn về vấn đề này. Tuy nhiên, với những game thủ đã đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc vào game thì việc NPH chỉ thông báo bảo trì nhưng thực chất là đóng cửa luôn này có thể khiến họ cảm thấy hụt hẫng. Việc nhiều NPH cố ý thông báo "bảo trì" rồi đóng cửa vĩnh viễn này cho thấy thái độ thiếu tôn trọng game thủ, vốn chính là những khách hàng đang nuôi sống họ, đồng thời cho thấy phong cách làm ăn chột giật, manh mún của nhiều NPH game Việt hiện nay.
Game thủ ngày càng trở nên dễ dãi
Bên cạnh những điều bất cập đến từ NPH, game thủ Việt cũng có trách nhiệm trong bức tranh đầy màu tối ấy. Chính từ sự dễ dãi khi chỉ muốn chơi những sản phẩm có auto, cay cú ăn thua hơn là tìm hiểu game cho đến việc nói một đằng nhưng làm một nẻo. Luôn miệng kêu gào NPH chỉ nhập toàn game "rác" nhưng mỗi khi có sản phẩm tốt đòi hỏi kỹ năng và tìm hiểu lại ngay lập tức chê khó và tẩy chay sản phẩm. Thiết nghĩ có NPH nào dám mang về những tựa game bom tấn, tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc nữa hay không nếu thị hiếu của game thủ Việt vẫn tiếp tục tỏ ra thất thường và khó chiều chuộng như vậy.
Game lậu vẫn đang ăn nên làm ra
Chung quy vẫn không nằm ngoài 2 điều sau đây. Một là do túi tiền eo hẹp không thể cạnh tranh nổi với những tay cự phú ở tựa game gốc, vì thế quyết tâm sang máy chủ lậu để không tốn quá nhiều chi phí mà vẫn có thể giương oai một phen. Thứ hai có lẽ do bất mãn với phương thức điều hành quản lý của NPH nhưng vẫn "nặng tình" tựa game đó bèn quyết tâm làm lại từ đầu với một máy chủ lậu có vẻ hứa hẹn hơn. Nhưng dù cho có giải thích bằng lý do gì đi nữa thì việc này cũng đặt cả game thủ lẫn NPH vào tình huống hết sức bất lợi, game thủ không được đảm bảo về những gì đã bỏ ra.
Dù sau này cách làm việc của một số NPH Việt cũng chẳng khác gì những kẻ điều hành các server lậu, nhưng ít nhất người chơi vẫn còn chút gì đó để bảo chứng cho lòng tin vốn đã bị xói mòn quá nhiều của mình. Về phía NPH, khi game thủ bỏ sang chơi game lậu, nguồn doanh thu bị sụt giảm sẽ tìm mọi cách để tận thu từ những hoạt động khác, khiến vòng đời của một trò chơi tại Việt Nam hiện nay đã ngắn lại càng ngắn hơn. Từ đây như một chiếc vòng lẩn quẩn không bao giờ có lối thoát và cả game thủ lẫn NPH đều phải gánh chịu hậu quả từ chuyện đó.