Theo The Paper, câu chuyện về việc các nữ streamer lợi dụng tình cảm để moi tiền từ fan nam vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Người phát sóng nữ thường được ví như "kẻ dối trá vô đạo đức", còn fan nam cuồng nhiệt bị gọi là "kẻ ngốc".
Từ năm 2020, học giả trẻ Dong Chenyu - giảng viên trường Báo chí thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - đã cố gắng tiếp cận để đi vào và quan sát thế giới của những nữ streamer, tìm hiểu cách họ kết nối và xây dựng niềm tin với fan nam, cũng như cách họ kiếm tiền.
Mối quan hệ giữa nữ streamer với fan nam ở Trung Quốc là vấn đề gây tranh cãi. |
Bán sự thân mật
Là một học giả, lần đầu tiên truy cập phòng phát sóng đã khiến Dong bất ngờ, tò mò. Trên màn hình là cô gái trẻ, mặc chiếc váy màu trắng và trên đầu là hiệu ứng sticker tai thỏ, môi và má ửng hồng.
Từ phía dưới màn hình, một tên lửa cất cánh bay lên, nữ streamer mở to đôi mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Tên lửa là một món quà ủng hộ từ fan. Dong tìm hiểu và biết rằng giá của hiệu ứng tên lửa này là 1.000 nhân dân tệ.
Là một người "ngoại đạo", Dong chưa hiểu hết động lực để người xem gửi tặng những món quà đắt giá cho các cô nàng streamer - người họ chỉ trò chuyện qua màn hình.
Dù không có những báo cáo mang tính thẩm quyền về toàn bộ ngành phát sóng trực tiếp, dữ liệu thương mại của nền tảng Momo cho thấy: 78,8% người phát trực tiếp là nữ, và có 66,6% là người không làm chuyên nghiệp.
Bước vào thế giới của những cô nàng phát sóng trực tiếp không dễ dàng. Hầu hết họ nhạy cảm, luôn nghi ngờ xung quanh và cô lập bản thân, đó là những kỹ năng cần thiết để sống sót trong nghề này. Một trong những lý do họ kín tiếng là bởi bị truyền thông kỳ thị.
Dong đã gặp người dùng nam tên Huoyan, một luật sư đến từ Hàng Châu với học vấn đáng ghen tỵ và có thu nhập cao.
Huoyan nói rằng: "Tất cả mạng xã hội thường có một chức năng là chặn người lạ. Nhưng bạn thấy đấy, không có chức năng này trong phòng phát trực tiếp. Nếu được chọn, tôi nghĩ các streamer sẽ muốn chặn người quen".
Những người phát sóng trực tiếp phải biết xây dựng tình cảm thân thiết để fan ủng hộ. |
Công việc "kiểm soát hiện trường" trong phòng phát sóng trực tiếp đã giúp Dong tiếp cận và quan sát được cách làm việc và kiếm tiền của các nữ streamer. Fat Fei là cô gái đầu tiên anh tiếp xúc.
Fat Fei là người gốc Yên Đài. Cô bắt đầu làm người phát trực tiếp từ thời sinh viên. Cô thường livestream trong ký túc xá 2-3 tiếng/đêm và có thể kiếm hàng chục nghìn nhân dân tệ một tháng.
Khi Dong lần đầu gặp cô trong phòng phát sóng trực tiếp, Fat Fei đã làm nghề được 3 năm. Cô là người có vai trò quan trọng trong công ty quản lý và phát sóng trên 4 nền tảng, vì vậy cô có thể đối phó với nhiều đối tượng khán giả khác nhau một cách bình tĩnh.
Lời đề nghị phỏng vấn được tác giả đưa ra sau khi Fat Fei đã nghỉ phát trực tiếp khoảng nửa năm.
"Khi tôi hỏi về cơ bản ngành công nghiệp này bán gì, cô ấy đáp: 'Sự thân mật'".
Sự thân mật được bán như một mặt hàng trong ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp. Hầu hết streamer không dựa vào tài năng đặc biệt để kiếm tiền, họ biết cách nương theo nhu cầu khán giả.
"Nếu bạn thích nghe hát, tại sao không mua vé hòa nhạc, phần hấp dẫn của truyền hình trực tiếp chính là giải quyết nỗi cô đơn của người xem. Muốn đi bar uống rượu thì phải thay quần áo, lái xe, tìm chỗ đậu. Còn lên Douyin thì lập tức tìm được streamer để tán gẫu, rất tiện lợi", cô giải thích.
Biến người xem thành bạn bè
Chìa khóa thành công của các streamer là coi người hâm mộ là bạn bè một cách nghiêm túc. Khi đối phương có chuyện buồn, hãy là người lắng nghe. Khi họ chán nản, phải tìm chủ đề vui mà nói. Chỉ khi người hâm mộ coi streamer là bạn bè thân thiết, họ mới gửi donate (quà tặng) một cách tự nhiên và chân thành.
Nhiều cô gái mong muốn làm giàu bằng nghề phát sóng trực tiếp. |
Các streamer nổi tiếng thường có cộng đồng fan khổng lồ của riêng mình, thường được gọi là "đội quân gia đình X". Người phát trực tiếp thường có chiến lược làm thân dưới hình thức "chào mừng về nhà" mỗi khi bắt đầu buổi phát sóng.
Nhận donate từ "đội quân gia đình" trong các cuộc PK (thách đấu trực tiếp) cũng là nguồn thu nhập chính của các streamer. Tổng số phần thưởng mà mỗi chủ phòng phát sóng nhận được từ fan chính là tiêu chí duy nhất để phân thắng bại. Người thua cuộc sẽ phải thực hiện thử thách được đưa ra đầu trận đấu, thường là những trò thô tục, phản cảm.
"Thực ra streamer không muốn PK, nhưng nếu không PK sẽ không có quà, không có thu nhập", Fat Fei nói.
PK cũng được xem là cách nhanh nhất tạo ra sự thân mật giữa chủ phòng và fan, khi nó kết nối mức độ thân thiết thông qua phần thưởng. Fan cảm thấy mình quan trọng khi quà tặng giúp chủ phòng giành chiến thắng trước đối thủ.
Các "anh lớn", những người gửi tiền và quà nhiều nhất trong phòng phát sóng, cũng là người có vai trò quan trọng trong các buổi PK. Các streamer thường "đánh tiếng" trước buổi đấu để "anh lớn" vào ủng hộ.
Tuy nhiên, mối quan hệ của các nữ streamer với "anh lớn" thường gây nên nhiều tranh cãi. Không ít vụ lùm xùm khi hai bên nảy sinh tình cảm, hoặc streamer bị tố lừa gạt tình cảm của fan nam để kiếm tiền khiến dư luận phẫn nộ.
Trước tình hình này, từ năm 2021, chính quyền Trung Quốc liên tục đưa ra các quy định siết chặt việc tặng quà qua livestream, khiến doanh thu của các công ty liên quan đều bị ảnh hưởng.
(Theo Zing)
Sự mất tích bí ẩn của các streamer triệu view Trung Quốc
Hàng loạt ngôi sao Internet Trung Quốc đã biến mất đột ngột dù sở hữu lượng người theo dõi lên tới vài chục triệu và sự nghiệp nở rộ.