Người Rục đầu tiên ở Quảng Bình đỗ đại học

Bản Mò O Ồ Ồ nằm ở xã vùng cao Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) của Hằng hiện có 77 hộ dân, đều là đồng bào Rục. 

Hằng là 1 trong 4 bạn đã được Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) nhận chăm sóc.

Từ năm 2016, Đồn Biên phòng hỗ trợ Hằng và 3 bạn khác thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

Nguồn hỗ trợ ý nghĩa và kịp thời này cũng đã giúp Hằng tự tin hơn trong quá trình đi tìm con chữ.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, Cao Thị Lệ Hằng đạt điểm cao, trong đó: văn 7,75 điểm, địa 7,75, sử 7,75 và giáo dục công dân đạt 9,5. Tổng điểm xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế của em Hằng đạt 25,5.

Cao Thị Lệ Hằng đã trở thành người Rục đầu tiên ở Quảng Bình đỗ đại học.

Mẹ giúp Lệ Hằng chuẩn bị lên đường nhập học

Ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa chia sẻ, từ xưa đến nay trong bản Mò O Ồ Ồ học sinh học hết lớp 12 đã hiếm rồi. Nay cháu Hằng đỗ đại học là một sự kiện lớn đánh dấu những thành công vượt bậc của lĩnh vực giáo dục ở bản vùng cao này. Hy vọng rằng, từ nỗ lực của cháu sẽ động viên, khích lệ tinh thần hiếu học và tự vươn lên của các thế hệ học sinh ở xã Thượng Hóa.

"Dù đã thi đỗ đại học, thế nhưng, chặng đường phía trước của cháu Hằng vẫn còn những chông gai, khó khăn phải vượt qua. Do vậy, em rất cần sự chung tay của cộng đồng để cùng em tháo gỡ", ông Đinh Văn Thanh tâm sự.

Tin vui từ Đồn Biên phòng Cà xèng đã kịp đến với em trong những ngày em lo toan chuyện nhập học.

Theo quy định, chương trình “Nâng bước em đến trường” chỉ hỗ trợ học sinh đến lớp 12, nhưng đối với học sinh Cao Thị Lệ Hằng - người Rục đầu tiên vào đại học, nên Đồn Biên phòng Cà Xèng sẽ tiếp tục đồng hành, động viên bằng nhiều cách khác để giúp cháu Hằng hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo", vị đại diện chỉ huy Đồn cho biết.

Trước đó, sau khi nghe tin nữ sinh Cao Thị Hằng học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình trúng tuyển vào Trường đại học sư phạm Huế, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã gửi lời khen ngợi và thưởng 5 triệu đồng.

Người Rục đã nhận được sự quan tâm chăm lo đặc biệt 

Người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều yếu tố sinh hoạt của người tiền sử. Dường như người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài là hình ảnh của người Rục lúc bấy giờ.

Người Rục quen leo trèo cây, trên các triền núi cao ngất để săn bắt, hái lượm. 

Giờ đây, người Rục đã rời hang đá. Cùng với các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, thời gian qua, người Rục đã nhận được sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó công đầu phải kể đến là lực lượng BĐBP.

Hàng chục năm qua, cùng với mô hình lúa nước trên cánh đồng Rục Làn, cán bộ, chiến sỹ ĐBP Cà Xèng đã triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp đồng bào Rục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần như: “Mô hình vườn mẫu”, “Lớp học xóa mù”, "Nâng bước em đến trường", “Con nuôi đồn biên phòng”, “Ánh sáng vùng biên”…

Những năm gần đây, người Rục, đặc biệt là lớp trẻ đã từng bước nhận thức được tiềm năng, lợi thế này để tìm cách tạo dựng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất họ sinh sống.

Từ chỗ phải chịu cảnh “đứt bữa” hàng năm, đến nay, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu đã xuất hiện ở các bản người Rục. 

Thành công của em Cao Thị Hằng sẽ là tấm gương, truyền cảm hứng cho các học sinh người Rục chủ động vươn lên, thay đổi cuộc sống của bản thân, và cộng đồng sau hơn 70 năm rời hang đá.

Đức Yên và nhóm PV, BTV