Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị, HTX Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã số hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR được gắn trên tem truy xuất nguồn gốc NBC-Trace của Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia là có thể tra cứu đầy đủ về thông tin sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm.

Chị Đinh Thị Loan, Quản lý HTX Dược liệu Đông Sơn cho biết: HTX Dược liệu Đông Sơn được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc từ tháng 9/2022 đến năm 2023. Quy trình sản xuất của HTX toàn bộ được số hóa, nhập hết dữ liệu lên phần mềm truy xuất nguồn gốc. Từ khi được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, chống được hàng giả, hàng kém chất lượng. Người tiêu đùng xem được quy trình sản xuất của sản phẩm từ giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói sản phẩm, từ đó yên tâm khi sử dụng sản phẩm của HTX. Ngoài ra, HTX đã đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử nên mở rộng thị trường bán hàng trong nước. Trung bình 1 năm HTX tiêu thụ từ 12-15 nghìn sản phẩm tinh dầu tràm và một số sản phẩm dược liệu từ cây hoa đào. Doanh thu 1 năm của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng.

HTX dịch vụ nông nghiệp Vân Trà  (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Chuyển đổi số đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX linh hoạt hơn, tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn lực. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hợp tác xã
HTX dịch vụ nông nghiệp Vân Trà đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Anh Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vân Trà  cho biết: Thời gian qua, HTX nông nghiệp Vân Trà được cơ quan chức năng hỗ trợ phần mềm quản lý về sản xuất nông nghiệp và tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất không chỉ giải quyết được bài toán quản trị doanh nghiệp, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện HTX đã sản xuất sản phẩm bột rau má sấy lạnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Mỗi năm HTX sản xuất và tiêu thụ 600 kg bột rau má, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưa chuộng.

Còn tại HTX ốc nhồi Ninh Bình (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp), ngành nghề kinh doanh chính là nuôi và chế biến ốc nhồi. Việc tham gia tập huấn về chuyển đổi số đã giúp HTX tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thương mại điện tử. Nhờ biết cách mở rộng, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, HTX ốc nhồi Ninh Bình đã thích ứng với xu hướng công nghệ 4.0 trong các khâu, nhất là trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Đỗ Ba Duy, Giám đốc HTX ốc nhồi Ninh Bình cho biết: Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối Internet, tôi có thể cập nhật các thông tin về sản xuất cũng như thông tin bán hàng qua Facebook, Zalo và các nền tảng số. Nhờ ứng dụng công nghệ số, HTX cung ứng các sản phẩm ốc nhồi giống, ốc nhồi thịt, trứng ốc, sản phẩm chả ốc...  tại thị trường các tỉnh phía Bắc, được người tiêu dùng tin dùng.

Tính đến ngày 30/4/2024, toàn tỉnh 516 HTX, trong đó có 409 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 68 HTX phi nông nghiệp. Để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX.

Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số. Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Tiến hành khảo sát và tổng hợp đăng ký nhu cầu về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX gửi các cơ quan quản lý. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng đưa sản phẩm của HTX, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử lớn. 

Liên minh HTX đã chủ trì và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện dự án giải pháp quản lý sản xuất và kết nối thị trường phục vụ chuyển đổi số cho các HTX. Đây là công cụ giúp HTX tuân thủ tốt hơn các quy định trong quản lý nội bộ HTX, quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường.  

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hợp tác xã
HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) gắn tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.

Với sự tích cực tuyên truyền, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng sự nỗ lực của các HTX trong chuyển đổi số, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã trang bị hệ thống máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh; đã ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất hoặc quảng bá sản phẩm. Một số HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như: sử dụng chữ ký số, phần mềm kế toán, áp dụng công nghệ cao vào hệ thống tưới tự động, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…

Bên cạnh đó, HTX đã biết cách sử dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng trên Facebook, Zalo, số ít có sử dụng website... Hiệu quả mang lại là chi phí vận hành giảm, chất lượng sản phẩm cao, việc tiếp cận khách hàng nhanh hơn, giá bán và thu nhập tăng trên 25-35%, hoạt động của HTX năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.

Theo Phương Anh (Báo Ninh Bình)