Chỉ vài tuần trở thành tổng thống nước Pháp, ông François Hollande đã lâm vào tình thế mà hầu hết đàn ông chỉ có thể mơ tới: hai người phụ nữ quyến rũ, xinh đẹp và nổi tiếng đang tìm mọi cách thu hút sự chú về mình nhưng đây lại không phải là điều hạnh phúc.
Tổng thống Hollande trên vai nặng gánh lo toan. Ảnh: EPA |
Tuần trăng mật đã qua
Sau khi trở thành đệ nhất phu nhân Pháp không có giấy hôn thú, nhà báo Valerie Trierweiler đưa ra một thông tin trên mạng xã hội Twitter, có nội dung ủng hộ một ứng cử viên Quốc hội, gây xôn xao dư luận vì hai lý do. Thứ nhất, bà vừa là vợ không giá thú của Tổng thống François Hollande vừa là một nhà báo vẫn còn hành nghề. Thứ hai, ứng cử viên mà bà ủng hộ là đối thủ của bà Ségolène Royal, bạn gái trước đây của Tổng thống.
Theo nhà phân tích Bruno Cautres, đa số dân Pháp không quan tâm đến đời tư của bà Trierweiler. “Họ chỉ quan tâm đến các biện pháp của tổng thống để giải quyết khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, thâm hụt ngân sách… họ không chấp nhận người vợ, người bạn đời của tổng thống xen vào sinh công việc chính trị của ông”.
Trong khi đó, "Ngài Bình thường" Hollande lại ủng hộ bà Royal.
Một cuộc thăm dò đăng trên tạp chí Gala cho thấy, 69% người Pháp được hỏi phản đối Tweet của bà Trierweiler. Con số này lên tới 81% với những người ủng hộ phái tả. Hơn 3/4 người được hỏi tin rằng, đây là "bằng chứng về sự lẫn lộn giữa chuyện công và đời tư".
Tuy nhiên Alain Juppé, cựu ngoại trưởng dưới thời ông Sarkozy nói rằng, sự cố Twitter "không quá nghiêm trọng". Ông cho biết: "Ông Hollande là một người đàn ông bình thường, ông có các vấn đề gia đình như bao gia đình khác, không có gì quá nghiêm trọng". Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Martine Aubry, lãnh đạo đảng Xã hội nói: "Nước Pháp có những vấn đề khác. Đó là những gì ông ấy đang làm về thất nghiệp, về mức sống và về việc đưa châu Âu vững vàng trở lại". Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh điều hầu như mọi người ở Pháp đều đang nghĩ: "Bà Trierweiler nên thận trọng hơn".
Chuyện tranh cãi giữa hai người bạn gái của tân tổng thống Pháp chưa kết thúc, thì bốn đứa con của ông Hollande với bà Royal đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với bà Trierweiler do bà này đã ủng hộ đối thủ của mẹ chúng cho một ghế trong quốc hội.
Bà Ségolène Royal, 58 tuổi đã tràn trề hy vọng trở thành Chủ tịch Quốc hội Pháp - vị trí quyền lực thứ 3 tại Pháp sau Tổng thống và Thủ tướng - nếu bà thắng cử ghế phía tây La Rochelle hôm chủ nhật. Tuy nhiên, bà đã thất bại khi ứng viên bất đồng với đảng Xã hội Olivier Falorni giành được 63% phiếu bầu. Bà Trierweiler đã gây ra những phản ứng chính trị khi công khai ủng hộ ông Falorni.
Bà Royal từng sống chung với ông Hollande trong suốt 30 năm. Sau thất bại, 4 đứa con của bà đã cố gắng an ủi mẹ. Tờ Tờ Journal du Dimanche trích dẫn những lời nói của bạn bè gia đình bà Royal nói rằng: "Những đứa trẻ đã có quan hệ thân ái với Valérie. Nhưng sau vụ việc trên Twitter, mọi thứ đã thay đổi".
Ông Hollande không có bình luận nào về "cuộc chiến" giữa hai người phụ nữ. Ông chỉ nói rằng, thất bại của bà Royal là "sự thất vọng lớn nhất" của ông trong cuộc bầu cử. Ở cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, đảng Xã hội của ông Hollande đã giành chiến thắng đa số với 314/577 ghế.
Thách thức hiển hiện trước mắt
Ngay trong diễn văn thừa nhận thất bại, ông Nicolas Sarkozy đã không dấu giếm khi nói rằng, những ngày tháng phía trước đang chờ người kế nhiệm của ông là "rất khó khăn".
Theo nhà nghiên cứu xã hội học ở Paris Jean-Francois Sabouret, ông Hollande đang đứng trước nhiều "bài toán khó giải". "Trước hết về đối nội, ông Hollande phải tìm lời giải cho các khó khăn về tài chính, nợ công của nước Pháp. Giải pháp sẽ không dễ dàng khi đã có các cam kết về việc hạn chế tăng một số thứ thuế như thuế giá trị gia tăng. Việc tái khởi động nền kinh tế cũng không dễ dàng".
Về đối ngoại, ông Sabouret cho biết, Tổng thống sẽ không dễ dàng thay đổi vai trò của Pháp ở trong NATO khi định rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. "Pháp chỉ có khoảng 3.400 quân, nhưng vấn đề là ông Hollande sẽ phải thuyết phục các đồng minh trong NATO về việc không làm suy yếu các nỗ lực chung vì hòa bình và an ninh của lực lượng quốc tế. Việc cân bằng quan hệ với Đức, EU, thắt chặt quan hệ với Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán kinh tế với một số hiệp định đa quốc gia đã ký kết gần đây trong giai đoạn khắc phục khủng hoảng kinh tài là không dễ dàng".
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Nước Pháp cũng phải có quyết sách để vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với một số cường quốc đang lên như Trung Quốc, quốc gia đang có nhiều tham vọng và cạnh tranh mạnh với Pháp ở ngay tại châu Âu, cũng như đã vươn tới châu Phi, một thị trường truyền thống của Pháp".
Về những ưu tiên kinh tế, ông Hollande phải thực hiện những lời hứa về cải thiện nền kinh tế, sớm ổn định, hồi phục và tăng trưởng, trong đó phải tạo ra các cơ hội cho khối doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, đặc biệt cho giới trẻ và cải thiện đời sống của tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình... "Đây là thách thức lớn vì kinh tế Pháp gặp khó khăn, nợ công hiện vượt trên 1.700 tỷ euro, thâm hụt mậu dịch lên tới 70 tỷ euro năm ngoái, thất nghiệp dự báo vượt mức 10% vào mùa hè, thị phần toàn cầu sụt giảm", một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quản lý kinh tế vùng Midi-Pyrénées nói.
Thái An tổng hợp