Gần 2 năm trôi qua, nhưng người dân thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vẫn chưa thể nào quên trận sạt lở kinh hoàng diễn ra vào đêm 12/11/2021. Sau tiếng động kinh hoàng, hàng chục ngàn khối đất, đá trên núi đổ ập xuống, hàng trăm nhà dân sống dưới chân núi Cấm phải “bỏ của chạy lấy người”.
Thời điểm đó, sạt lở núi diễn ra liên tiếp 3 lần. Theo thống kê, có 35.000m3 đất đá từ trên đỉnh núi Cấm đổ xuống khu dân cư. Đất đá tràn vào nhà, vườn tược, bồi lấp ruộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của 117 hộ dân sinh sống tại đây.
Đến bây giờ, bà Lê Thị Lấn (72 tuổi, trú thôn Chánh Thắng) vẫn chưa thể quên trận sạt lở kinh hoàng ấy. Bà kể “nhà tôi ở sát chân núi Cấm. Năm đó, nghe núi sạt lở, nhà tôi chỉ kịp bỏ chạy. Khi về thì bờ rào đã bị sập hết, nhà cửa đầy bùn đất. Nửa tháng nhà vẫn chưa mở cửa được, nhà tôi đào một chỗ để đi ra đi vô”.
Theo người dân địa phương, đây là trận sạt lở chưa từng có trong hàng chục năm sống tại đây. “Giờ đây, cứ mưa là chúng tôi lo lắng, phải nghe để mà chaỵ”, bà Đào Thị Huệ, 61 tuổi, trú thôn Chánh Thắng cho hay.
Tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp
Sau vụ sạt lở xảy ra, chính quyền tỉnh Bình Định đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và có chủ trương tái định cư cho 117 hộ dân sinh sống dưới chân núi Cấm.
Tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm nhằm kịp thời khắc phục sự cố sạt lở núi. Đồng thời di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Cấm đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, hạn chế thiệt hại về tài sản và an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa bão.
UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định hỗ trợ 70% chi phí xây dựng; vốn đầu tư công huyện Phù Cát và các nguồn vốn hợp pháp khác chi trả.
Quy mô dự án gồm các hạng mục chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm; san nền mặt bằng khu tái định cư với diện tích 27.603 m2; đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư. UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát thực hiện các hạng mục này trong thời gian 2 năm (từ năm 2022-2023).
Tuy nhiên, đến nay đã bước vào mùa mưa năm 2023, thế nhưng chủ đầu tư và các nhà thầu mới thực hiện cơ bản hoàn thiện phần chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm; phần khu tái định cư hiện nay vẫn còn dở dang, nhà thầu mới đổ một ít đất nền.
Bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở không kịp
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận cho biết, mùa mưa đến, việc bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở không kịp. Nguyên nhân theo ông Luận là do đang vướng mỏ đất.
UBND huyện Phù Cát đã cập nhật khu vực sạt lở núi Cấm vào phương án phòng chống thiên tai để di dời một số hộ dân có nguy cơ cao, đưa ra trụ sở thôn hoặc trường mẫu giáo thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành để ổn định tài sản tính mạng của bà con nhân dân.
“Mùa mưa đến sẽ cử cán bộ thuộc Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của huyện trực tiếp chỉ đạo tại khu vực núi Cấm này, vì khi mưa lớn khu vực này bị chia cắt. Cùng với đó là sử dụng phương án “4 tại chỗ”, giao cho chủ tịch UBND xã Cát Thành trực tiếp, các lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, công an chuẩn bị phương tiện, cập nhật vào phương án phòng chống thiên tai để triển khai, không để xảy ra thiệt hại cho người dân…”, ông Luận nói.
Khu tái định cư núi Cấm chậm hoàn thành bao nhiêu thì người dân sống dưới chân núi Cấm lại thêm nơm nớp lo sợ vì núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
“Ở sợ lắm nên khi trời mưa lớn, đá lăn cục cục rất nguy hiểm. Nhà tôi xách gói chạy, không dám ở đây. Chúng tôi được biết có chủ trương di dời từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ”, bà Lấn lo lắng.
Bà Mai Thị Huệ (64 tuổi, trú thôn Chánh Thắng) chia sẻ: "Các hộ dân ở đây sát chân núi, ngay dưới điểm sạt lở cũ. Nếu mưa to rất nguy hiểm… Tôi lớn tuổi lại ở một mình. Biết rằng khi có sạt lở sẽ chạy không kịp nên cứ mưa xuống là tôi ôm áo mưa, đội nón đi. Vất vả quá! Do đó, chúng tôi mong chính quyền nhanh chóng hỗ trợ tái định cư để người dân an tâm, bớt lo lắng mỗi khi mùa mưa tới".
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 37 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, 17 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi bị sạt lở. Các khu vực này tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, TP Quy Nhơn… Các địa phương xây dựng phương án sơ tán dân tại chỗ; lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến trú khi có thiên tai xảy ra. “Các địa phương phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, các vị trí đã có giải pháp để xây dựng phương án di dời phù hợp với tình hình thực tế khi có thiên tai. Khu tái định cư núi Cấm hiện đang tiến hành san nền, mùa mưa năm nay phải khẩn trương di dời dân để đảm bảo an toàn”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nói. |