Được quảng cáo là hàng thủ công, không chất bảo quản, phụ gia, phụ phẩm chính là yếu tố giúp các thực phẩm tự làm (handmade) được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng của loại sản phẩm này có thực sự đảm bảo an toàn hay không thì khó ai có thể khẳng định.
Nở rộ thực phẩm handmade
Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, thế nhưng hiện nay nhiều người đã rục rịch đặt mua các loại thực phẩm quê, thực phẩm handmade cho gia đình hoặc làm quà. Thị trường hàng Tết handmade cũng vì thế mà đã bắt đầu sôi động trên mạng xã hội.
Chỉ cần lướt và click chuột, người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn như: Hàng siêu sạch, của nhà tự trồng… Các loại thực phẩm được quảng cáo nhiều gồm: Thịt gà quê, thịt lợn sạch, các loại giò, chả, nem, mứt, bánh chưng… Mức giá cũng có sự chênh lệch đáng kể.
Vốn có sở thích bếp núc nên bà Lê Hiền (Mỹ Đình, Nam Từ liêm) thường làm mứt, bánh… để bán vào dịp Tết. Bà Hiền cho biết, hiện tại, nhiều người không thích sản phẩm do các công ty lớn sản xuất, vì cho rằng chúng không giữ được hương vị đặc trưng như mình tự làm. Nắm bắt được tâm lý này, khoảng 2 tháng trước Tết, bà bắt đầu nhập nguyên liệu để chuẩn bị làm mứt, bánh để bán.
Nhờ việc đưa trực tiếp hình ảnh, các công đoạn sản xuất lên mạng xã hội nên thực phẩm nhà làm rất được nhiều người ưa chuộng (ảnh: Lê Thắm) |
Là sản phẩm tự làm và chủ yếu bán cho bạn bè, người quen, nên bà luôn chọn thực phẩm tươi ngon, sạch sẽ. Độ ngọt, giòn của mứt, bánh cũng được chú ý căn chỉnh theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng, vì vậy mọi người đều rất hài lòng.
“Tết năm trước, gia đình chỉ làm các loại mứt dừa và bánh nhãn, cả mùa tết bán được gần 30 kg mỗi loại. Vì thế, năm nay tôi quyết định làm thêm một số món mặn, như: Dưa chua, củ kiệu muối, giò thủ…”, bà Hiền chia sẻ.
Cũng theo bà Hiền, sở dĩ các loại mứt của bà luôn đắt khách là do các khâu sơ chế thực phẩm, đều được con gái bà quay clip phát trực tiếp (qua mạng) để khách hàng thấy việc lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh và chế biến sản phẩm hoàn toàn sạch sẽ.
Đặc biệt, đối với mứt dừa có đủ màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, cam...), bà ưu tiên dùng nguyên liệu chiết xuất màu tự nhiên từ hoa quả, trái cây tươi, như: Lá dứa, cà phê, chanh dây, cà rốt, bột trà xanh... để đảm bảo độ an toàn.
Tương tự bà Hiền, chị Nguyễn Nhung ở Chùa Bộc (Đống Đa) có “thâm niên” 5 năm làm mứt dừa. Mỗi vụ Tết, chị phải thuê thêm người phụ việc vì lượng khách đặt hàng nhiều. Khách các tỉnh cũng tìm mua, họ chuyển khoản rồi tôi sẽ gửi bưu điện cho họ. Năm ngoái còn quá tải, đến ngày 20/12 âm lịch tôi đã ngừng nhận đơn. Vậy mà 5 người gồm cả chủ, cả thợ làm liên tục đến tận sáng 30 mới kịp trả hết các khách đã đặt.
Theo chị Nhung, để làm ra loại mứt dừa non đúng chuẩn, chị phải đặt cùi dừa tươi từ Bến Tre, ướp đá và chuyển bằng dịch vụ máy bay ra. Sau đó thái và ướp đường, sên lửa vài tiếng trên bếp mới được một mẻ mứt dừa. Mỗi cân mứt dừa được bán với giá 300.000 đồng nhưng chị cứ làm ra được mẻ nào là khách mua hết mẻ đó.
Ưu điểm của loại mứt dừa này là mềm, ngọt vừa phải nhưng do không có chất bảo quản nên chỉ để được 20 ngày. Chị Nhung cũng cho biết thêm: “Khách bây giờ rất sợ các loại mứt hay bánh kẹo để vài năm không mốc, không hỏng. Chính vì thế, họ thích tìm mua các sản phẩm được làm thủ công”.
Ngoài các loại bánh, kẹo, thực phẩm như trên, không ít chị em cũng làm lạp xưởng, giò me, thịt trâu, bò khô, kim chi Hàn Quốc, hành muối… để bán trong dịp Tết. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá bán thực phẩm handmade không hề rẻ.
Chẳng hạn, thịt lợn gác bếp có giá từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, thịt bò gác bếp giá từ 750.000 – 800.000 đồng/kg loại nguyên miếng, bò khô sợi giá từ 800.000 - 900.000 đồng/kg, mứt dừa có giá khoảng 150.000- 250.000 đồng/kg, bánh nhãn từ 120.000 – 150.000 đồng/kg... Các loại thực phẩm này hầu hết được đóng gói lịch sự hay đựng trong túi hút chân không.
Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo
Có thể thấy, nỗi lo về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường quá lớn khiến mấy năm trở lại đây, nhiều người đổi hướng chuộng hàng handmade với niềm tin rằng sản phẩm này sẽ an toàn hơn.
Chị Nguyễn Ngọc Hoa (Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân) cho biết, những Tết gần đây chị thường xuyên mua các loại mứt, chả lụa, lạp xưởng, tai heo, kim chi... từ bạn bè hoặc người quen giới thiệu là do nhà làm qua mạng xã hội.
Hỏi lý do vì sao lựa chọn thực phẩm handmade, chị Loan chia sẻ, yếu tố đầu tiên là có thể điều chỉnh theo khẩu vị. Còn những món khác đa số là vì tin bạn bè, mua ủng hộ... “Tôi cũng biết không phải cứ đồ handmade là hoàn toàn sạch và an toàn nhưng theo tôi nó vẫn sẽ có chất lượng tốt và đảm bảo hơn do đây là sản phẩm người nhà làm, không có chất bảo quản, không có nhiều loại phẩm màu...
Thực phẩm nhà làm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. (ảnh minh họa: Lê Thắm) |
Còn một số sản phẩm như chả lụa, giò me thì ăn qua nhiều lần vị khá ngon, không có biểu hiện của mất vệ sinh an toàn thực phẩm nên mua tiếp. Quan trọng nhất là hợp khẩu vị và do người quen làm nên thấy an tâm”, chị Hoa thổ lộ.
Phải thừa nhận, việc mua sắm thực phẩm Tết tự làm trên mạng có nhiều ưu điểm như, không cần ra chợ chọn lựa, cũng không cần mất công chế biến. Ngồi một chỗ, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là đã có dịch vụ mang đến tận nơi. Tuy nhiên, do bán online nên không phải lúc nào sản phẩm cũng đúng như quảng cáo.
Chị Trần Thu Hà, chủ một cửa hàng mỹ phẩm tại đường Trần Quốc Hoàn (cầu Giấy), cho biết: “Do thời điểm cuối năm công việc bận rộn nên thay vì ra cửa hàng, mình đặt mua một hũ gà khô lá chanh của một người quen trên mạng. Thế nhưng, khi mở hàng mình phát hoảng, gà khô lá chanh bị lên mốc, có mùi hôi, trong đó còn có lẫn tóc, khác hẳn với hình ảnh gà khô lá chanh được rao bán bắt mắt, hấp dẫn trên fanpage bán hàng”.
Thực tế cho thấy, các trang mạng xã hội cá nhân và các sản phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Qua quan sát, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng.
Còn việc mua thực phẩm online hầu như bằng niềm tin là chính. Do đó, nếu chủ các trang bán hàng online thấy cái lợi trước mắt, thiếu chữ tâm trong sản xuất, mua những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh trong chế biến thì hậu quả người mà người tiêu dùng phải chịu là rất lớn.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người bán cũng là mối buôn trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối về bán nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua diễn ra khá phổ biến. Do vậy, người tiêu dùng trước khi mua cần kiểm định thông tin, chịu khó đến tận cơ sở sản xuất, không để chủ hàng lừa nhằm tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi dịp Tết đang đến gần…
Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay việc buôn bán thực phẩm tự làm trên mạng xã hội khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng là hàng có chất lượng, có một số nơi lợi dụng quảng cáo như thế để bán hàng kém chất lượng.
Chính vì thế khi mua hàng người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhìn nhận dưới góc độpháp lý, theo Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay chưa có quy định nào quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm đã là thực phẩm thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng bất kể bán ở đâu, bằng hình thức nào.
Cụ thể, Theo Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá thì thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực…
“Mua sắm thực phẩm là nhu cầu chính đáng của người dân nhất là vào những dịp lễ Tết. Tuy nhiên, thực phẩm, một khi đã được thương mại hóa, được marketing qua mạng xã hội thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng” – luật sư Đào Văn Tài nhấn mạnh./.
Trước nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, mới đây, Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021. Theo đó, từ ngày 15/12/2020 đến hết 25/3/2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết và lễ hội xuân, trọng tâm kiểm tra là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. |
Theo Lao động Thủ đô