Mở cửa phiên giao dịch sáng 14/2, đa số cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm giá, qua đó kéo chỉ số VN-Index giảm hơn 9 điểm về gần ngưỡng 1.490 điểm. Gần như tất cả các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, tiêu dùng…đều giảm giá.
Nhóm cổ phiếu tăng giá hiếm hoi là dầu khí và hàng không, qua đó giúp thị trường bớt giảm điểm. Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngược dòng tăng giá 1.500 đồng lên 83.200 đồng/cp.
Chốt phiên giao dịch 14/2, chỉ số VN-Index giảm 29,75 điểm xuống dưới ngưỡng 1.471,96 điểm. HNX-Index giảm 5,88 điểm xuống 421,01 điểm. Upcom-Index giảm 1,69 điểm xuống 110,85 điểm. Thanh khoản đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 25,9 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Sự thận trọng bao phủ thị trường khi giới đầu tư đón nhận những biến động chính trị giữa Nga và Ukcraine. Thị trường diễn biến xấu đi rất nhiều sau một tuần đầu tiên của năm Nhân Dần 2022 đầy tích cực với chỉ số VN-Index tăng mạnh, thanh khoản tăng nhanh.
Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến giá dầu tăng mạnh thêm 4-5% trong 2 phiên qua lên ngưỡng 95,7 USD/thùng (Brent). Chứng khoán Mỹ Dow Jones phiên cuối tuần giảm hơn 500 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản sáng 14/2 giảm hơn 2% khi các nhà đầu tư dõi theo diễn biến căng thẳng Nga-Ukraine và tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều dự báo cho rằng, căng thẳng Nga-Ukraine và những tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây sóng gió cho chứng khoán thế giới.
Cổ phiếu Việt giảm mạnh. |
Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau khi Mỹ công bố lạm phát lên tới 7,5%, cao nhất 40 năm qua. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại sau khi Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine ngay trong lúc đang diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Sức nóng Ukraine của Nga có thể làm phức tạp thêm triển vọng chính sách tiền tệ của Fed, qua đó tác động xấu hơn tới các thị trường tài chính. Giá nhiều mặt hàng như dầu thô, thực phẩm… sẽ bị đẩy lên cao nữa, ảnh hưởng tới lạm phát trên toàn thế giới.
Sau khi Mỹ báo tin xấu nhất 40 năm, những hy vọng về thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh chậm và khả năng Fed sẽ từ từ hạ lãi suất bỗng chốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard vừa đưa ra tuyên bố cho rằng ông muốn Fed tăng suất mạnh tay hơn, với mức tăng cao chưa từng có trong 1 thời gian ngắn: thêm 100 điểm phần trăm từ giờ cho đến cuối tháng 6.
Lộ trình tăng lãi suất theo đề xuất của Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard là nhanh chưa từng thấy tại Fed trong nhiều thập kỷ qua.
Chứng khoán thế giới gặp khó
Theo dữ liệu phản ánh thị trường của CME, khả năng Fed nâng lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên mức gần 100%, từ mức chỉ 25% trước khi báo cáo lạm phát được công bố. Theo CNN, từ năm 2000 đến nay, Fed chưa có một lần nâng lãi suất nào với bước nhảy 50 điểm cơ bản.
Thậm chí, thị trường cũng đang tính đến khả năng rất cao, trên 60% Fed có 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay. Điều đó có nghĩa là trong tất cả các cuộc họp chính sách trong năm 2022, lần nào Fed cũng nâng lãi suất.
Citgroup dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023, sau khi nâng lãi suất tổng cộng 150 điểm phần trăm trong năm 2022.
Với việc giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ chứng kiến lợi nhuận bị xói mòn.
Nga-Ukraine căng thẳng, giá dầu lên 100 USD, chứng khoán gặp sóng gió |
Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chịu sức ép lớn khi chi phí vận chuyển và nguyên vật liệu tăng cao khi mà hệ thống vận tải vẫn chưa trơn chu sau đại dịch Covid-19 và giá dầu thô tăng không ngừng, có thể đạt mức 100 USD/thùng, thậm chí 120 USD/thùng trong thời gian tới nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, dẫn đến cú sốc về nguồn cung.
Chi phí đầu vào tăng cao sẽ khiến giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng, lạm phát gia tăng và sức tiêu dùng suy giảm. Tính toán cho thấy, khi xăng tăng khoảng 0,34 USD/lít, sức chi tiêu tiềm năng của người tiêu dùng Mỹ giảm 150 tỷ USD.
Điều mà nhiều chuyên gia trên thế giới lo ngại là, việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, dẫn đến sự lặp lại của tình trạng lạm phát đình trệ vào cuối những năm 1970.
Giá dầu được dự báo có thể sẽ vượt 120 USD/thùng và khi đó nền kinh tế toàn cầu thay đổi hoàn toàn nếu Nga và Ukraine đi đến kịch bản tồi tệ nhất.
Tại Việt Nam, thị trường tài chính được cho là cũng chịu ảnh hưởng từ những bất ổn địa chính trị, khả năng Fed tăng lãi suất và giá dầu trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ chưa ảnh hưởng nhiều. Theo SSI Reseach, đồng VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).
Còn theo Chứng khoán Yuanta, chứng khoán Việt Nam vẫn có cơ hội lập đỉnh mới khi blue-chips hút dòng tiền. Rủi ro Fed tăng lãi suất được Yuanta đánh giá chưa đáng quan ngại trong tháng 2, chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.569 điểm; đồng thời, dòng tiền có thể sẽ chủ yếu hướng vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chứng khoán Yuanta đánh giá các yếu tố vĩ mô tháng 1/2022 cho thấy đà hồi phục kinh tế vẫn duy trì tốt.
Cụ thể, điểm tích cực thể hiện ở cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khi tổng mức bán lẻ tăng 2,7% so với tháng trước và 1,3% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động tăng cao ở tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, tình hình đăng ký và giải ngân vốn FDI duy giữ đà hồi phục từ tháng 11 năm ngoái với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 4,2% và 6,8% so với cùng kỳ tháng 1/2021.
M. Hà
Tung tiền vào sàn, VN-Index tăng vọt phiên đầu năm Nhâm Dần
Dòng tiền tiếp tục đổ vào mua cổ phiếu trong bối cảnh kỳ vọng nền kinh tế vẫn khá tươi sáng và nhiều doanh nghiệp vượt qua một năm khó khăn 2021 một cách ấn tượng.