“Dù bận đến đâu gia đình tôi vẫn giữ nếp về ăn tối cùng nhau. Bữa cơm tối là cơ hội cả nhà gặp gỡ, gắn kết, chia sẻ sau một ngày làm việc mệt mỏi…”, GS – TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM chia sẻ.

Nếu yêu gia đình sẽ có cách thu xếp

Chúng ta không còn xa lạ với GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đầu tiên đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, mở ra cơ hội làm cha mẹ cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn. Thế nhưng không hẳn ai cũng biết bên cạnh các thành tựu đáng nể trong sự nghiệp, ở khía cạnh gia đình GS Phượng còn là một người mẹ, người bà tuyệt vời.

Cách đây 3 năm, trong lần gặp gỡ với phóng viên VietNamnet, ở tuổi 69, giữa bộn bề công việc, GS Phượng trăn trở: “Cô bận quá, bé Tường Vi (cháu ngoại) cứ hỏi bao giờ ngoại mới nghỉ để chơi cùng con? Tối về cháu quấn quýt mà bà ngoại lại quá mệt không đủ sức đùa giỡn.”

Nay gặp lại, ở tuổi 72, GS Phượng dù còn khá bận nhưng đã thực hiện được lời hứa với cháu gái bé nhỏ.

{keywords}
Phút giây hạnh phúc của GS Phượng bên cháu gái. Ảnh: Thanh Huyền.

Chia sẻ về lịch trình một ngày của mình, GS nói: “Sáng cô khám bệnh từ 7 h – 10 h, sau đó cô đi làm từ thiện ở các bếp ăn trong bệnh viện, gặp gỡ bà con nghèo. Nghỉ trưa chừng một tiếng cô lại đi mổ tới 5 h chiều. Tuy nhiên, công việc chỉ đến đó thôi, thời gian còn lại cô dành cho hai cháu ngoại. Cô đảm nhiệm việc đón cháu. Tối về mấy bà cháu-mẹ con ăn cơm, dạy bé Tường Vi viết chữ, chuyện trò rồi mới đi ngủ.”

Khi được hỏi bằng cách nào có thể sắp xếp hài hòa giữa công việc và gia đình như thế, vị nữ GS mỉm cười: “Phụ nữ rất vất vả, làm việc ngoài xã hội nhưng còn phải đảm đương việc nhà. Sự nghiệp quan trọng nhưng hạnh phúc gia đình còn quan trọng hơn. Nếu là một người phụ nữ yêu gia đình, chắc chắn ta sẽ có cách thu xếp ổn thỏa!”

Chẳng hạn, mỗi thành viên trong gia đình GS Phượng khi sắp xếp lịch làm việc cho mình đều tự ý thức sao đừng chồng chéo, để cả nhà vẫn có thời gian bên nhau, bận đến mấy mọi người luôn cố gắng về cùng nhau ăn cơm tối.

GS Phượng có 3 con gái. Con gái cả là bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt, sống tại Mỹ với chồng (sinh được hai con trai), con gái kế là bác sĩ Ngọc Lan (sinh được hai con gái), và cô con út là luật sư.

Hiện tại GS Phượng đang sống với vợ chồng bác sĩ Ngọc Lan cùng hai cháu ngoại.

Nhớ lại kỷ niệm đẹp về gia đình, GS Phượng xúc động: “3 mẹ con dù không ở cùng nhau nhưng mọi người luôn hướng về, chia sẻ với nhau từ những thành công đến khó khăn trong cuộc sống. Còn nhớ vào năm 2005, khi cô sắp nghỉ hưu, có buổi lễ mừng 2000 em bé thụ tinh ống nghiệm chào đời thành công. Đây cũng là thành tựu của vợ chồng bác sĩ Ngọc Lan – Mạnh Tường. Ai ngờ cô chị cả ở bên Mỹ theo dõi không sót chi tiết nào, tối gọi về chúc mừng, hỏi thăm. Dù ở xa nhưng mấy mẹ con luôn chăm sóc, dõi theo nhau khiến cô rất vui.”

Vị nữ GS với món tủ...bún riêu  

Không chỉ là một vị GS cần mẫn, tài năng, TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn rất thích nấu ăn và nấu khá ngon.

GS bật mí dù tuổi đã cao nhưng cứ vài ngày mình lại nấu đồ ăn mang vào bệnh viện cùng ăn với các đồng nghiệp trẻ.

“Món tủ của cô là bún riêu. Cô có cái nồi to lắm. Sáng cô dậy sớm nấu rồi bê nguyên cả nồi lên xe cấp cứu chở đến bệnh viện…”, GS cười dí dỏm.

{keywords}
GS Phượng dạy cháu gái tập viết. Ảnh: Thanh Huyền.

Trong lúc trò chuyện với phóng viên, bé Tường Vi (5 tuổi) liên tục quấn quýt bà. Bé nũng nịu đòi bà bế, ôm cổ bà hôn hít.

Biết bà mình rất “siêu” nên khi nói chuyện với bà, bé Vi cứ líu lo tiếng Anh.

GS Phượng vừa đàm thoại Anh ngữ với cháu gái rượu, vừa phân trần: “Với mọi người bé vẫn trò chuyện bằng tiếng Việt, nhưng gặp bà ngoại, ba và mẹ là bé dùng tiếng Anh.”

GS Phượng cười xòa ôm cháu gái vào lòng, Tường Vi cầm bức tranh vẽ tặng bà nhân ngày 8/3.

Sinh nhật GS Phượng đúng ngày 10/3, đại gia đình quyết định gộp luôn vào tối 8/3 tổ chức bữa ăn họp mặt.

GS Phượng nhắn nhủ: “Bận đến đâu chúng ta không được bỏ bữa tối. Bữa cơm tối thịnh soạn hay giản đơn cũng đều rất quan trọng. Bữa tối là cơ hội cho mọi thành viên gắn kết, chia sẻ với nhau những vui buồn sau một ngày làm việc. Đó là giây phút quý giá, hạnh phúc không gì đánh đổi được.”

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng sinh năm 1944, Anh hùng lao động, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc gia cam/dioxin Việt Nam…

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được nhắc đến như một “bà tiên với cây đũa thần”, đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, mở ra cơ hội làm cha mẹ cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn.

Dù với cương vị nào GS Phượng luôn cống hiến nhiệt tình, tận tụy và đạt được thành công rực rỡ.

Thanh Huyền